8 lý do phổ biến cha mẹ không đọc sách cho con và cách khắc phục
Đọc to cho trẻ những cuốn sách nhỏ xinh trước giờ đi ngủ hay lúc rảnh rối có rất nhiều lợi ích. Nhưng không phải cha mẹ nào cũng duy trì việc đọc sách cho con hàng ngày.
Quả thực, biết là một chuyện nhưng làm được hay không lại là chuyện khác. CTH Edu tổng hợp những lý do thường gặp làm ảnh hưởng tới thói quen đọc sách cho con của cha mẹ. Đồng thời, phụ huynh có thể tham khảo các biện pháp khắc phục đi kèm.
1. Tôi bận lắm!
Có lẽ đây là lý do thường gặp nhất ở những cha mẹ không thể đọc sách cho con nghe. Công việc bận rộn, áp lực tài chính khiến nhiều người mải lo “cơm áo gạo tiền”. Việc đọc sách cho con vì thế phải xếp xuống hàng thứ yếu. Ngay cả ở những gia đình duy trì được thói quen đọc, cũng không tránh khỏi nhiều lúc bận rộn. Việc phát sinh của cha mẹ, hoạt động ngoại khoá tăng cường của con, các cuộc gặp mặt… khiến thời gian đọc sách cho con bị co lại
Cách khắc phục:
– Nghĩ tới một thói quen mà bạn không thể nào bỏ qua được. Sắp xếp thời gian đọc sách cho con trước khi thực hiện thói quen đó.
Ví dụ: bạn không thể bỏ qua việc đánh răng trước khi đi ngủ. Vậy, hãy đặt ra quy tắc: chỉ đánh răng sau khi đọc sách. Một ví dụ khác, bạn có thể tranh thủ đọc sách cho con khi trẻ đi tắm. Hoặc nếu con bạn ăn hơi chậm, tận dụng thời gian này để đọc vài trang sách.
Một khi đã duy trì thành thói quen hàng ngày, việc đọc sách cho con sẽ trở nên dễ dàng hơn với bạn. Khi đó, cho dù có bận đến mấy, bạn vẫn không làm ngắt quãng việc này. Và nên nhớ, ít còn hơn không. Chỉ cần vài trang sách là đủ nếu bạn quá bận.
– Chọn một dấu hiệu để khi nhìn vào đó, bạn biết phải đọc sách cho con.
Ví dụ: sau khi đọc cho con trước giờ đi ngủ, bạn đặt cuốn sách lên đầu giường. Nó sẽ như một lời nhắn bạn sẽ tiếp tục đọc sách vào tối mai. Hoặc bạn cũng có thể chuẩn bị một giá sách nhỏ xinh, treo lên tường, ở vị trí dễ nhìn thấy trong phòng khách/bếp. Trên giá sách, để sẵn vài cuốn sách tranh hay nhất và không mất nhiều thời gian để đọc.
– Theo dõi tiến độ:
Dán một mảnh giấy lên cửa tủ lạnh hoặc sử dụng bút màu có thể xoá được để viết lên gương trong nhà tắm. Đánh dấu V xanh vào những ngày bạn đọc được và dấu X đỏ ngày không đọc được. Như vậy, bạn có thể theo dõi được xem có đạt mục tiêu giữ cho chuỗi các dấu V xanh dài nhất có thể được không.
2. Con tôi có thể tự đọc được rồi.
Một lý do nữa cũng rất hay gặp là cha mẹ cho rằng, khi trẻ biết đọc, không cần đọc sách cho trẻ nữa. Theo cuốn sách hướng dẫn về việc đọc to cho trẻ “Read Aloud Handbook”: “Kỹ năng đọc và nghe bắt đầu hợp nhất khi trẻ vào lớp 8. Cho tới khi đó, trẻ thường nghe ở cấp độ cao hơn so với đọc. Vì vậy, trẻ có thể nghe và hiểu những câu chuyện phức tạp hơn, thú vị hơn những gì chúng có thể tự đọc. Ngoài sự kết nối tình cảm giữa cha mẹ và con cái, bạn còn giúp tăng cường vốn từ vựng cho trẻ qua đôi tai…”.
Nói cách khác, trẻ lớp 4 có thể nghe câu chuyện tương đương cấp độ đọc của trẻ lớp 7 trước khi tự mình đọc. Vì vậy, việc đọc sách cho con ngay cả khi chúng đã biết đọc vẫn luôn cần thiết. Và thực tế là trẻ lớn vẫn thích nghe cha mẹ đọc cho nghe, dù chúng có thể không thừa nhận như vậy.
Cách khắc phục:
– Đề nghị con chia sẻ về những gì trẻ đang đọc. Sau đó, nói với con: “Ái chà, nghe hay đấy! Con nghĩ sao nếu mẹ đọc cho con nghe một chút? Vậy là cả hai mẹ con đều có thể tận hưởng cuốn sách đó?”.
– Mời trẻ chọn một cuốn sách để đọc to lên cho cả nhà nghe. Sau đó, bạn và con có thể luân phiên nhau đọc sách to lên vào sau mỗi bữa tối.
– Nếu bạn tình cờ đọc được một bài báo hay, hãy nói với trẻ: “Mẹ đọc bài này cho con nhé? Mẹ thấy hay lắm và nghĩ rằng, có thể con cũng thích”.
– Nghe sách nói (audio books) trong lúc bạn đưa con đến trường/đón con về nhà. Hoặc khi mẹ con làm việc nhà với nhau, như khi gấp quần áo, rửa bát…
– Nếu con được giáo viên giao cho một cuốn sách để đọc ở nhà, hỏi xem bạn có thể đọc cho con nghe vài phần không.
3. Tôi chẳng thích đọc to sách cho con.
Việc này có thể xảy ra bởi 2 lý do: bạn không thích cuốn sách hoặc đơn giản là bạn chỉ thích đọc thầm thôi.
Với lý do thứ nhất, bạn có thể tham khảo cách khắc phục sau:
Thế giới sách trẻ em có vô vàn, vô vàn cuốn để chọn. Hãy cầm lên một cuốn mà bạn và con đều thích và đọc.
Với lý do thứ hai, vấn đề có thể phức tạp hơn chút.
Bạn có thể không thích đọc to vì e ngại giọng mình không hay, mình không thể đọc diễn cảm… Nhưng hãy nhớ rằng, con thích nghe bạn đọc sách vì sự gần gũi, gắn kết cảm xúc chứ không nhất thiết vì mức độ đọc sách của bạn có chuyên nghiệp hay không.
Bạn cũng có thể thử đặt tên mới cho khoảng thời gian đọc sách to cho con nghe. Gọi nó bằng một cái tên đặc biệt như “Giờ Đọc và Vui”, “Những cuốn sách và những cái ôm”…
Nếu chiêu này vẫn không có tác dụng, bạn có thể thử đọc nhiều thể loại khác nhau thay vì chỉ những cuốn sách tranh. Hãy chọn thơ, nếu không, chọn truyện hài hoặc những vở kịch. Vừa đọc to vừa vào vai các nhân vật biết đâu lại đem đến nhiều hứng thú.
4. Con tôi chẳng chịu ngồi yên.
Nếu mỗi lần bạn cố gắng đọc sách cho con mà trẻ cứ chạy nhảy lung tung, bạn có thể nghĩ con chẳng thích thú gì. Và thế là bạn cũng dẹp luôn việc đọc sách. Như thế sẽ thật đáng tiếc biết bao.
Với những trẻ thuộc tuýp hiếu động, lắng nghe là một kỹ năng cần phải rèn giũa. Và với thói quen được cha mẹ đọc to cho nghe hàng ngày, trẻ sẽ học được cách lắng nghe. Hãy nhớ rằng, khi bạn đọc sách cho con, bạn đã tăng cường khả năng chú ý – tập trung của trẻ. Đây là những kỹ năng giúp ích cho con rất nhiều khi đi học và cả sau này nữa.
Cách khắc phục:
– Giúp trẻ làm quen dần với khoảng thời gian nghe cha mẹ đọc sách này bằng những cuốn dành riêng cho trẻ hiếu động.
– Đọc sách cho con trước giờ đi ngủ. Khi đó, trẻ đã bắt đầu bớt vận động và đã nằm thoải mái trên giường.
– Đưa con tới công viên, đặt trẻ lên xích đu. Bạn vừa đẩy xích đu vừa đọc sách cho con.
Tất nhiên, cần đảm bảo rằng con thích cuốn sách bạn đang đọc. Nếu trẻ thực sự mê khủng long và bạn thì chọn sách về xe rác thì đây có thể là vấn đề. Do đó, hãy tuỳ cơ ứng biến.
5. Tôi mệt lắm, chẳng thiết làm gì, nữa là đọc sách.
Phần lớn chúng ta dành thời gian đọc sách cho con vào trước giờ đi ngủ. Nhưng đây có thể lại chính là lý do khiến bạn không thể thường xuyên làm việc này. Bởi sau một ngày dài làm việc, bạn đã hết hơi hết sức còn đâu. Bạn thậm chí còn chẳng muốn được động vào người hay hỏi han bất cứ điều gì nữa. Mong ước duy nhất của bạn là được nằm dài trên giường mà ngủ thôi. Nói gì tới chuyện dành tới 15-20 phút để đọc sách cho con.
Cách khắc phục:
Thử dời thời gian đọc sách cho con lên sớm hơn trong ngày. Bạn có thể đọc trong lúc con ăn sáng hay lúc từ trường về nhà. Cũng có thể đọc khi con đang tắm nếu lúc đó bạn không quá bận.
Thêm một lần, cần đảm bảo bạn cũng thích cuốn sách mà bạn đọc to cho con. Bạn có thể thử chọn một cuốn sách chương hồi mà bạn thích khi còn nhỏ. Hoặc một tập mới trong seri sách vừa ra mắt. Cùng lắm, bạn hoàn toàn có thể đọc cuốn mà bạn đang đọc cho con nghe. Cho dù ở đây, cuốn sách có vẻ hơi người lớn quá so với con. Không phải bằng mọi giá đạt được nhưng rõ ràng, duy trì thói quen là điều cần thiết.
6. Các con tôi mỗi đứa một độ tuổi khác nhau.
Việc này có thể khó đây. Bạn có thể đọc một cuốn sách tranh dễ thương cho bé 4 tuổi. Nhưng nó sẽ bị ông anh cả giờ đã học lớp 3 chê là “trẻ nghé quá”. Ngược lại, đọc một chương cuốn Cuộc phiêu lưu của Nils” cho ông anh lớp 3 thì đứa em 4 tuổi chắc sẽ tỏ vẻ hờ hững.
Cách khắc phục:
Có một thực tế là với những cuốn sách tranh thật hay, một đứa trẻ 10 tuổi vẫn sẽ thích nghe. Thậm chí, mấy cô cậu nhóc tuổi teen cũng vẫn mê.
Nhưng nếu đứa con lớn của bạn thực sự không hứng thú, thử đọc những bài báo/tạp chí hấp dẫn cho con khi chúng đang ăn hay làm việc nhà. Bạn có thể nói: “Này con, xem thử bài báo này xem. Mẹ nghĩ con sẽ thích đấy…” và bắt đầu đọc.
Một ý tưởng nữa, bạn có thể đọc to cho con lớn của mình khi những đứa nhỏ đã đi ngủ hoặc khi chúng đang chợp mắt.
7. Con tôi cứ… phá đám trong lúc tôi đọc sách cho con.
Không ai thích bị phá đám hay làm phiền cả. Nhất là khi bạn đang cố gắng làm việc tốt cho con mà con lại làm bạn thất vọng.
Nhưng hoá ra, dừng lại giữa chừng để tạo điều kiện cho con đặt câu hỏi lại là một phần thiết yếu của quá trình học hỏi. Có thể trẻ chưa hiểu hết những gì bạn đang đọc. Vì vậy, bạn chớ ngại dừng lại để trả lời con. Và tốt hơn thế, có thể chủ động dừng lại để đặt câu hỏi cho con.
Cách khắc phục:
Nếu câu hỏi của trẻ hoàn toàn không liên quan tới cuốn sách đang đọc, bạn có thể nói với con: “Ồ, câu hỏi hay đấy. Chúng ta sẽ bàn về nó khi mình đọc xong cuốn sách này nhé”.
8. Đọc đi đọc lại một cuốn sách làm tôi phát ngán.
Đúng vậy. Thực sự, đúng là như vậy. Quá chán khi cứ phải đọc đi đọc lại, còn phải làm điệu bộ trẻ con những cuốn sách tranh mà con đòi.
Thật không may cho chúng ta với tư cách làm cha mẹ, bạn có thể cảm thấy vậy. Nhưng với trẻ, đọc đi đọc lại một cuốn sách chính xác là điều trẻ cần để học hỏi. Trẻ sẽ nghe nhiều lần một số từ và chúng trở thành vốn từ của trẻ. Ngoài ra, việc đọc nhiều lần giúp loại bỏ bất cứ hiểu lầm nào về cuốn sách mà có thể do vì quá vội, bạn chưa thể giải đáp cho con trong một lần đọc.
Cách khắc phục:
Nếu cuốn sách đó bạn thực sự ghét, hãy bỏ nó đi. Hay ít nhất, giấu nó đi vào vị trí khó tìm trên giá sách. Sẽ không tốt cho con nếu bạn cứ phải gò mình đọc đi đọc lại một cuốn sách khiến bạn chẳng hề thích thú.
Nếu bạn thấy cuốn sách đó hay nhưng không hay chút nào nếu phải đọc tới 72 lần, hãy thử đặt ra một quy tắc. Ví dụ, nếu một cuốn sách được đọc 2 lần vào hôm đó thì như vậy là đủ. Không có gì xấu hổ khi đặt ra các giới hạn. Nhờ đó, việc đọc sách cho nhau nghe sẽ trở nên dễ chịu với tất cả.
Trường hợp bất khả kháng, bạn hãy tự tạo sự mới mẻ cho mỗi lần đọc. Ví dụ, đọc bằng giọng khác đi, ở một nơi khác đi, trong tư thế khác đi (nằm gác chân lên ghế sofa để đọc chẳng hạn). Khi đặt lợi ích của con lên hàng đầu, bạn sẽ đủ sức sáng tạo ra mọi thứ.
Tham khảo từ Happy You, Happy Family