Con thuận tay trái: Có nên rèn trẻ viết tay phải?

Trước khi bé vào lớp 1, có không ít vấn đề khiến cha mẹ phải lo lắng. Đó là chuyện chọn trường, chuyện học chữ trước… Trong đó, có cả thắc mắc: Con thuận tay trái, có nhất thiết rèn con viết bằng tay phải hay không?

Nguyên nhân trẻ thuận tay trái theo khoa học

Trong một bài báo trên VnExpress, yếu tố gene di truyền có vai trò quyết định tay thuận của con người. Một nghiên cứu năm 2007 tìm ra một loại gene di truyền tên là LRRTM1, có thể tăng khả năng sinh ra một đứa trẻ thuận tay trái.

Stanley Coren, nhà tâm lý học tại Đại học British Columbia nói với LiveScience rằng, môi trường cũng đóng một vai trò rất lớn trong thói quen thuận tay trái. Khoảng một nửa trong số người thuận tay trái là do tổn thương khi người mẹ mang thai hoặc lúc sinh ra.

Ảnh: Jou Gesin | Solidariteit Wêreld
Ảnh: Jou Gesin | Solidariteit Wêreld

Giới khoa học còn cho rằng, tất cả mọi người sinh ra đều thuận tay phải. Nhưng do tổn thương ở não gây ra tác dụng ngoài ý muốn khiến cho não bị lập trình trở lại thành thuận tay trái.

Theo nghiên cứu, người thuận tay trái thường mắc chứng khó đọc, bệnh tâm thần phân liệt. Họ cũng có hệ miễn dịch yếu, các bệnh dị ứng hay ban đỏ.

Mặc dù gặp vấn đề về sức khỏe, phần lớn các thiên tài lại là người thuận tay trái. Ví dụ: Albert Einstein, Benjamin Franklin, Isaac Newton và Charles Darwin. Người thuận tay trái thường vượt trội trong các lĩnh vực kiến trúc, hội họa… Trong khi đó, người thuận tay phải thì giỏi hơn về toán học.

Nên để con tự nhiên

Trong số nhiều chia sẻ trên trang Facebook Group Con Tự Học, đa phần phụ huynh cho biết: việc uốn nắn con phải viết bằng tay phải là không cần thiết.

Thuc Phuong:

Con mình lớp 1, học trường công Hoàng Liệt. Cô giáo cũng khá nghiêm khắc.

Trong lớp con có 2 bạn thuận trái. Nói thế để các mẹ thấy trường công VN giờ đã chấp nhận việc đó. Vì giáo dục con còn phụ thuộc quan điểm giáo dục của bố mẹ. Như mình thì chủ trương không luyện chữ đẹp, không kì vọng hay đổ lỗi cho nhà trường. Học vấn chỉ là 1 điều kiện hình thành nên con người, không phải tất cả.

Con mình cũng ở mức độ bình thường.

Trội về đọc hiểu. Chữ không quá đẹp. Nói chung tất cả nhẹ nhàng. Con hoàn toàn không luyện chữ tiền lớp 1. Nhưng hay vẽ, hay tô chữ nên tay trái khá vững. Tay phải con ít dùng và không thuận tí nào. Trước khi vào học mình có đặt vấn đề với cô và cô chấp nhận. Tức là cô ok, nhưng không rèn con mình, gia đình làm việc đó.

Những vấn đề như sợ con nhoè chữ, tốc độ viết, mình thấy con tự điều chỉnh cả.
Ảnh: ExpatWoman
Ảnh: ExpatWoman

Tất nhiên không phải tất cả đều tốt. Cũng có một số khó khăn như con mình chưa biết gọt vỏ quả bằng dao, cắt kéo không đẹp… Còn lại thì tất cả bình thường. Mình chia sẻ để các mẹ nếu thật sự tôn trọng con thì đừng lo lắng. Thế giới làm được thì mình cũng làm được. Chỉ cần coi việc đó là bình thường và đồng hành cùng con.

Pham Thuy:

Con tớ cũng tay trái nè. Các cô không ý kiến gì. Có điều bài vở hơi bẩn khi viết bút mực. Và chữ lên lớp lớn viết nhanh mất nét nhiều, hơi xấu. Nhưng đành để con tự nhiên chứ không thể ép con sang tay phải được. Mặc dù lớp 1 đã thuê gia sư đến dạy viết tay phải được 2 tháng xong đi học, không ai nhắc nhở con lại viết tay trái theo tự nhiên con thấy thoải mái.

Hổ Con Dễ Thương:

Có giai mình thuận làm tất cả bằng tay trái và viết cũng vậy. Tất cả sinh hoạt diễn ra bình thường. Chỉ khi cắt kéo thì hơi khó khăn một chút nên mình có mua kéo cho người tay trái dùng. Nhưng giờ tay phải bạn ấy cũng cắt được. Các mẹ cứ yên tâm để con dùng tay thuận của con. Con làm được mà.

Ngo Duc Huy:

Em là người thuận tay trái. Em cũng xin giới thiệu em được giải HSG Quốc gia môn Tin, học trường chuyên ạ. Sống ở VN, như bao gia đình khác, em được luyện viết tay phải mất 1 năm.

Suốt hơn chục năm viết tay phải nhưng đến nay, em lại phải tự luyện viết cho mình viết tay trái như một bản năng. Và viết tay thuận của mình thậm chí còn làm em giỏi toán lên, trí nhớ tốt hơn, tập trung hơn nhiều đấy ạ.

Ép người thuận tay trái viết tay phải cũng giống như một người sinh ra học giỏi môn Toán nhưng lại bị ép học môn Văn vì sinh ra trong gia đình học Văn. Hãy để bé tự nhiên ạ.

Do Khanh Van:

Mình thấy rất rất nhiều người nước ngoài mình gặp hoàn toàn viết tay trái. Họ đều là người thành đạt giỏi giang. Thuận tay trái là do cấu tạo bán cầu phải mạnh hơn não trái. Người đó sẽ nhạy cảm hơn với nghệ thuật, sáng tạo, cảm xúc… Hãy để trẻ phát triển tự nhiên. Hiện nay nhiều trường tư đã tôn trọng thói quen dùng tay trái của trẻ.

Minh Hồng:

Theo mình biết, trẻ thuận tay trái nghĩa là bán cầu não phải phát triển. Bán cầu não phải chủ yếu chịu trách nhiệm về khả năng không gian, nhận diện khuôn mặt và cảm thụ âm nhạc. Nó cũng có thể xử lý các thông tin liên quan tới toán học, nhưng chủ yếu là ước lượng sơ bộ và so sánh. Bên cạnh đó, não phải giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của những hình ảnh. Nó đóng một phần vai trò đặc biệt trong ngôn ngữ, giúp ta giải thích bối cảnh trò chuyện và âm điệu của người đối diện.

Nên việc trẻ thuận tay trái không có gì đáng lo cả. Người thuận tay trái thường có xu hướng nghệ thuật và mang tính sáng tạo cao. Trong khi người thuận tay phải sẽ nghiêng về các môn logic và xử lý vấn đề theo kinh nghiệm. Nên con thuận tay trái nhìn nhận ở góc độ khoa học, nên để con phát triển tự nhiên. Không nên cố gò ép con phải chuyển bằng được sang tay phải. Trên đây là ý kiến của mình chia sẻ cùng bạn.

Ảnh: Child Magazine
Ảnh: Child Magazine

Các hoạt động khác để con làm bằng tay trái/ riêng viết nên luyện con viết tay phải

Hien Pham:

Thuận tay trái hay tay phải là do tự nhiên của mỗi người. Có nhiều người làm mọi việc bằng tay trái rất thuận, rất thành thạo. Nhưng dù sao khi viết thì nên rèn cho con viết bằng tay phải . Vì nhiều lợi ích, sự thuận tiện hơn. Khi con đặt bút viết bằng tay phải, đồng thời mắt con nhìn được chữ dễ dàng, không bị tay che khuất, dễ đọc những gì mình viết, dễ chỉnh sửa con chữ hơn, không lem mực… Vì viết tay trái nhiều khi tay sẽ đè lên chữ, rồi lem mực nữa…

Duong Son:

Chắc chắn cô giáo thường rèn các con cầm bút tay phải. Mình là người thuận tay trái. Chỉ riêng cầm bút bằng tay phải. Mình còn nhớ lúc bé ông nội mình dạy mình cầm bút chuẩn bị đi học lớp 1. Cứ lúc nào mình cầm bút bên trái là ông. Lại lấy thước đánh vào tay bên trái . Nên cuối cùng cũng cầm được bút bên phải. Mình nghĩ mẹ cũng nên rèn con cầm bút bên phải.

Lê Hồng Huệ:

Bé nhà mình lớp 5 đang viết tay trái. Chữ viết và tốc độ viết của con không khác các bạn viết tay phải. Mỗi tội tư thế cầm bút của con cực xấu. Tay cứ vòng lên để tránh đè lên làm nhoè các chữ đã viết. Nên nếu luyện được cho con dùng tay phải là ok nhất.

Đỗ Hoàng Thương Giang:

Con nhà mình cũng thuận tay trái. Khi con đi học lớp 1, mình có trình bày về vấn đề tay trái của con. Thì cô nói cô hoàn toàn tôn trọng tay thuận của con và ý kiến của gia đình.

Tuy nhiên, sẽ có một số khó khăn đối với cá nhân con:
  • một là cô không biết hướng dẫn con viết bằng tay trái vì cô cũng thuận tay phải. Ví dụ cô không thể cầm tay đưa nét cho con được,
  • hai là chữ viết chính tả của VN là các nét liền nhau. Nếu con dùng tay trái viết sẽ khó khăn hơn do tay che chữ viết trước. Chưa kể đến chiều bút đưa các chữ đó,
  • thứ 3 khi chuyển sang viết bút mực thì rất dễ bị lem/ nhoè mực. Do tay trái sẽ đè lên chữ viết trước phía bên trái.
  • Ngoài ra nếu con dùng tay trái, lúc nào con cũng phải ngồi rìa trái để tránh bị va chạm với các bạn. Như vậy việc đổi chỗ cũng bị hạn chế.
Do đó cô đề nghị, với việc viết thì con nên tập tay phải hoặc cả hai tay.

Nhưng khuyến khích nên tập cả tay phải để con có thể sử dụng. Còn lại tất cả các việc khác như ăn uống, vẽ, cắt… thì con có thể dùng tay trái. Mình thấy cũng hợp lý nên tập cho con viết tay phải. Lúc nào mỏi quá thì chuyển sang tay trái. Nói chung tập viết bút chì thì 50-50 nhưng bút mực thì 100% tay phải. Toán, vẽ, tô màu và các việc khác thì khoảng 95% tay trái. Vì thỉnh thoảng mẹ vẫn khuyến khích tập sang tay phải. Nhất là lúc nào ăn uống đông người thì mình dặn bạn ấy dùng tay phải cho đỡ vướng mọi người.

Ảnh: Integrated Learning Strategies
Ảnh: Integrated Learning Strategies

Chuyên gia nói gì?

Bác sĩ Dương Đình Phúc, Chủ nhiệm khoa Nội tâm thần kinh, Bệnh viện Quân y 354 Hà Nội:

Người thuận tay trái hoạt động của trung khu ngôn ngữ và bán cầu trội sẽ nằm bên phải, điều khác biệt ấy là do yếu tố di truyền, không có ý nghĩa quyết định người dùng tay trái tốt sẽ thông minh, tư duy nhanh nhạy hơn hơn người thuận tay phải và ngược lại.

Việc tập cho trẻ dùng tay phải bằng cách cầm thìa, tập viết… ngay từ khi chưa đi học, sẽ giúp trẻ hạn chế được những khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày. Trên phương diện y học, khuyến khích trẻ thuận tay trái viết bằng tay phải, chứ không gò ép còn giúp bán cầu não trái của trẻ được rèn luyện thêm, tốt hơn cho đứa trẻ đó. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi sự khổ công để tránh trẻ bị ức chế tâm lý”.

ThS. tâm lý Kiều Thanh Hà, Giám đốc Công ty Tâm Lý Trẻ:

Thuận tay trái hay phải chỉ khác nhau ở chỗ bán cầu não bên nào vượt trội hơn mà thôi.

Còn lại không có bất kỳ khác thường nào về mặt sinh học. Các chuyên gia y học khuyên phụ huynh không nên ép buộc trẻ thuận tay trái chuyển sang tập cầm bút bằng tay phải mà nên để trẻ phát triển tự nhiên như những gì chúng vốn có.

Ép trẻ đổi sang tay phải là phụ huynh đang vô tình tác động và cố gắng thay đổi hoạt động của bán cầu não phải của trẻ. Có thể khiến trẻ lúng túng, vụng về, áp lực vì phải lo khắc phục “vấn đề” của mình. Ngoài ra, sự ép buộc còn có thể gây ra những hậu quả không lường trước được. Ví dụ tật nói lắp, làm tổn thương lòng tự trọng, về lâu dài còn có thể gây mặc cảm, rối loạn tính tình…

Trong trường hợp phụ huynh nhất định muốn con thay đổi thì phải tập cho trẻ một cách từ từ, cần có thời gian.

Theo đó, bước đầu phụ huynh hướng dẫn, khuyến khích trẻ làm những công việc đơn giản như tập lấy khăn mặt, đồ chơi, đũa, muỗng, đồ dùng cá nhân, tập tô chữ cái thông qua tay phải… Thời gian đầu của quá trình thay đổi luôn khó khăn. Nhất là khi trẻ đã vào học. Thế nên đòi hỏi cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường. Đặc biệt là phụ huynh cần chú ý đến tâm lý trẻ, không gò ép để tránh tạo áp lực.

TS Vũ Thu Hương:

Trẻ thuận tay trái thì rõ ràng không tiện bằng thuận tay phải, dù là viết hay làm gì đi chăng nữa. Nhưng khi trẻ đã quen với việc sử dụng tay trái thì mọi sự bất tiện, khó khăn đó trẻ đều có thể tự giải quyết được. Điều mà đứa trẻ thuận tay trái cần là bố mẹ, giáo viên cho phép trẻ sử dụng tay trái để viết.

Trẻ con cần sự tự do thể hiện chứ không cần hỗ trợ quá nhiều. Trẻ cũng không cần mọi thứ quá dễ dàng. Với một đứa trẻ thuận tay trái, chúng sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để được viết bằng tay trái còn hơn là bị đánh mắng, bị bắt ép sử dụng tay phải khi bản thân chúng không thấy thuận tiện.

Cha mẹ nên hỗ trợ trẻ như thế nào?

Riêng với việc viết, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ cách nghiêng giấy một chút. Nhờ đó, việc viết sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Khuyến khích chúng không bẻ cong cổ tay trong khi viết vì điều này sẽ khiến cho thao tác cầm bút khó khăn hơn.

Nếu trong quá trình viết, tay của chúng bị dính mực, hãy trấn an chúng rằng đây là một vấn đề rất bình thường đối với những người thuận tay trái. Hãy để trẻ mang theo một chiếc khăn ẩm trong balo nếu như trẻ muốn.

(Tổng hợp từ FB Group Con Tự Học, VnExpress, Afamily, BigSchool; Báo Giáo Dục TP HCM)