Những con số và hình ảnh trên các quân bài Tây sẽ trở thành giáo cụ trực quan sinh động, giúp bé thích thú khám phá môn Toán hơn. Dưới đây là ý tưởng về các trò chơi toán học với quân bài Tây:
Thực hành các phép tính có tổng = 10
Trò chơi toán học này dành cho 1 hoặc 1 nhóm trẻ. Đặt 20 quân
bài lên bàn. Nhiệm vụ của trẻ là tập hợp các nhóm quân bài sao cho tổng là 10.
Mục tiêu cuối cùng: loại bỏ toàn bộ hoặc để lại ít nhất số quân bài trên bàn.
Khó hơn bạn nghĩ nhé!
Cuộc chiến phân số
Với 2 quân bài, trẻ sẽ tạo thành 1 phân số. Có thể tạo nhiều
phân số khác nhau. Nhiệm vụ: so sánh xem phân số nào lớn nhất.
Học số với trò chơi toán học Bingo
Mỗi trẻ tự thiết kế một bảng Bingo quân bài với kích thước 4×4. Những quân bài còn lại úp xuống bàn. Chủ trò lật một quân bài lên. Bất cứ người chơi nào có số đó trên bảng Bingo của mình thì úp quân bài xuống. Trò chơi tiếp tục cho tới khi 1 người tạo được 1 hàng ngang, dọc, chéo 4 quân bài được úp xuống. Người đó sẽ hô to “Bingo”.
Tìm cách để tạo ra kết quả = 10 (hoặc 15, 20…)
Một trong những điều tuyệt vời của các trò chơi toán học liên
quan tới bài Tây là chúng có thể được tuỳ chỉnh với nhiều mức độ kỹ năng và khái
niệm. Mục tiêu gốc của trò chơi này là tìm các quân bài có thể cộng, trừ với số
cho sẵn trên bảng hoặc với nhau để ra kết quả 10 hoặc 15, 20… Ví dụ: trẻ có thể
dùng 8+4=12, 12-2=10.
Thực hành dãy số
Một trò chơi toán học đơn giản giúp trẻ học cách sắp xếp số
theo thứ tự. Đặt lên bàn 4 quân bài 7 theo 1 hàng. Với mỗi lượt chơi, trẻ phải
xếp theo thứ tự tăng hoặc giảm các quân bài cùng chất. Mục tiêu: cố gắng là người
đầu tiên không còn quân bài trên tay.
Tính nhanh với các quân bài
Trong trò chơi này, trẻ lấy ra bất kỳ 2 quân bài. Sau đó, thực
hiện các phép tính cộng trừ nhân chia 2 số đó. Có thể thi xem ai là người nói
to ra được đáp án đúng đầu tiên.
Kim tự tháp quân bài
Trước hết, loại bỏ các quân bài J, Q, K. Trộn đều bộ bài và
đặt 21 quân theo hình 1 kim tự tháp 6 hàng. Còn lại 19 quân bài đặt úp xuống làm
bộ bài để rút.
Bắt đầu từ cạnh đáy kim tự tháp. Chọn tối đa 2 quân bài mà tổng
của chúng tạo thành 10. Đặt chúng sang 1 bên (nhóm bài loại).
Nếu không còn quân bài lật nào có thể kết hợp với nhau để tạo
thành 10, trẻ rút 1 quân bài từ bộ bài để rút và lật lên.
Có thể sử dụng quân bài trên cùng trong nhóm bài loại để tiếp
tục kết hợp với quân bài trong kim tự tháp.
Lần lượt lên tới các hàng tiếp theo cho tới khi 19 quân bài,
vốn không phải là một phần của kim tự tháp gốc đã được lật lên và khi bạn không
còn quân bài để tiếp tục nữa tạo thành 1 tổng = 10 nữa.
Số điểm bằng số quân bài còn lại sau cùng. Trong hình minh
hoạ là 4 quân bài, tức là 4 điểm. Ai có điểm càng nhỏ càng tốt.
Thử thách siêu cấp
Trẻ vẽ một bảng như trong hình. Số cột có thể nhiều hơn hay ít
hơn tuỳ thuộc vào độ lớn của số mà bạn muốn con luyện. Bởi đó chính là giá trị
hàng (đơn vị, chục, trăm, nghìn…) của số.
- Mỗi lần, bạn sẽ lật lên 1 quân bài và đọc to lên. Nếu đó là quân 10 thì chỉ nói 0.
- Trẻ viết số vừa được nghe vào một trong các cột. Vấn đề là trẻ cần quyết định xem nên đặt vào vị trí nào là tốt nhất. Bạn làm tương tự nhưng không cho trẻ biết.
- Tiếp tục cho tới khi các cột được điền đủ. Cùng đọc ra số cuối cùng tạo thành.
- Nếu trẻ tạo được số lớn hơn số của bạn, trẻ nhận 5 điểm; bằng số của bạn: 3 điểm và nếu nhỏ hơn: 0 điểm.
- Nếu bạn tạo được số lớn hơn so với tất cả số mà tất cả trẻ tham gia trò chơi tạo được, bạn được 20 điểm.
- Có thể chơi bao nhiêu vòng tuỳ thích.
Thực hành phép cộng, trừ số có 2 chữ số
Mỗi trẻ nhận 4 quân bài. Trẻ phải quyết định sắp xếp sao cho
tạo thành 2 số có 2 chữ số mà tổng của chúng gần bằng 100 nhất có thể. Với phiên
bản phép trừ, mục tiêu là tạo 2 số có 2 chữ số sao cho hiệu của chúng gần 0 nhất
có thể.
Luyện thứ tự thực hiện phép tính
Trò chơi toán học này chắc chắn sẽ khiến không chỉ trẻ em mà
cả người lớn cũng phải… đau đầu suy nghĩ! Mỗi người chơi được phát 4 quân bài. Sử
dụng các dấu cộng, trừ, nhân, chia, ngoặc đơn để tạo thành thứ tự thực hiện phép
tính sao cho kết quả gần 24 nhất có thể. Tưởng không khó mà khó không tưởng!
Dùng màu quân bài, luyện số âm, số dương
Trong trò chơi toán học này, thẻ đỏ là số âm, thẻ đen là số
dương. Mỗi trẻ được nhận một số quân bài nhất định. Số bài thừa để sang 1 bên.
Trẻ úp tập bài của mình xuống. Rút quân trên cùng, lật lên,
ví dụ: 8 đen sẽ là 8.
Trẻ tiếp theo lật quân bài trên cùng của mình lên rồi cộng với
quân bài của bạn trước đó. Ví dụ: 9 đỏ > -9 > -9 + 8 = -1.
Trò chơi cứ tiếp tục cho tới khi nào kết quả thu được là 6
hoặc -6. Tất nhiên, kết quả đích này có thể thay đổi tuỳ ý.
Trổ tài đọc tâm trí
Trò chơi dành cho 3 người. 2 bạn đầu tiên rút mỗi người 1 quân
bài mà không nhìn xem đó là quân mấy rồi giơ lên phía trước trán. Bạn còn lại
nhân nhẩm 2 số đó và đưa ra kết quả. 2 bạn đầu sẽ phải đoán xem mình mang số mấy.
Có thể thay bằng phép cộng hoặc phép trừ.
Theo We Are Teachers