Khuyến khích trẻ tự chơi bằng cách nào?

Học cách tự chơi là một cột mốc quan trọng trong quá trình
phát triển của trẻ. Tự chơi được chứng minh là giúp phát triển não bộ.

Dù muốn dành toàn bộ thời gian rảnh và năng lượng của mình để
chơi đùa với con yêu, cha mẹ vẫn có danh sách dài dặc những việc cần làm. Và thực
tế là có những đứa trẻ dường như luôn muốn cha mẹ phải ở bên mình khi chơi đùa.

5 cách khuyến khích trẻ tự chơi (Ảnh: Grid Warm Shopify Theme)
Ảnh: Grid Warm Shopify Theme

Nhà tâm lý học lâm sàng Beatrice Tauber Prior chia sẻ trên PopSugar
rằng, một nguyên nhân quan trọng của việc trẻ thấy khó khăn khi phải tự chơi là
do quá bám bố mẹ. “Nỗi lo lắng khi phải chia cách cha mẹ ở trẻ nhỏ là bình thường,
đặc biệt trong độ tuổi 8-14 tháng. Nhưng không phụ huynh nào có thể gắn với con
mình cả 24 giờ mỗi ngày”.

Trong khi đó, khả năng tự chơi đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.

Nó cho phép trẻ học cách tự khám phá bản thân. Đồng thời, trẻ có thể phát triển những kỹ năng như tính sáng tạo, tư duy phản biện và sự tự tin.

Nếu bạn đang gặp vấn đề trong việc khích lệ con tự chơi, có
thể tham khảo một số gợi ý sau:

Nhẹ nhàng dẫn dụ con tự chơi

Đừng ép buộc con phải chơi một mình một cách lạnh lùng. Thay
vào đó, hãy dành thời gian để động viên con quen với việc tự chơi. Tạp chí Parents
gợi ý, hãy bắt đầu bằng việc ngồi im bên cạnh con. Sau đó, khi bé đã hoàn toàn
tập trung vào những gì đang chơi, thử đi ra chỗ khác và cho con cơ hội tiếp tục
chơi mà không bị gián đoạn.

Ảnh: Romper

Tuy nhiên, một điểm rất đáng lưu tâm là khoảng thời gian con
bạn có thể tự chơi phụ thuộc vào tuổi của bé. Đây là khẳng định của Tiến sĩ
Linda Acredolo, tác giả cuốn “Baby Minds: Brain-Building Games Your Baby Will
Love”. Vấn đề nằm ở chỗ bạn nên tiếp tục khích lệ con, bất kể con có tiến bộ
trong việc tự chơi hay không.

Tạo khoảng cách hợp lý khi con chơi

Xen ngang trong khi con chơi đùa có thể là cảm giác khó cưỡng
đối với nhiều cha mẹ. Nhưng nếu bạn muốn con học cách tự chơi, tốt hơn hết nên
quan sát bé từ xa. Tiến sĩ Acredolo nhấn mạnh: “Nếu bạn quá gần con, bé sẽ dễ dàng
đòi hỏi sự chú ý của bạn”.

Ngoài ra, việc chỉ dẫn con chơi như thế nào tiềm ẩn nguy cơ
nuôi dưỡng một đứa trẻ không biết làm gì nếu không có sự giúp đỡ của bạn hay
người khác. Thay vào đó, hãy cho phép con tìm ra cách tự tìm lấy niềm vui cho mình
và thích nghi với hoàn cảnh.

Chuẩn bị cho con những món đồ chơi gợi mở trí tưởng tượng

Đó là những khối xếp hình, những bộ tranh ghép nhiều mảnh.
Chúng mang tới vô vàn cơ hội để trẻ thoả sức vẫy vùng với trí tưởng tượng của mình.
Điều này đồng nghĩa với việc trẻ sẽ bận bịu trong khoảng thời gian dài. Dần dần,
trẻ sẽ hình thành thói quen tự chơi.

Ảnh: Kids Village

Khuyến khích con giao lưu với bạn bè

Những buổi hẹn hò vui chơi với các gia đình hàng xóm hay bạn
bè của bạn là cơ hội lý tưởng để trẻ thực hành giao tiếp xã hội. Nếu con được
trao cơ hội tự kết bạn, con có thể bắt đầu hiểu rằng, con vẫn tìm được niềm vui
dù không có bạn chơi cùng. Trong khi đó, bạn có thời gian để trò chuyện, tâm sự,
chia sẻ với các bà mẹ khác. Đây thực sự là khoảng thời gian nghỉ ngơi rất cần
thiết cho hành trình làm mẹ không hề dễ dàng.

Thường xuyên gây bất ngờ cho con

Mua cho bé thật nhiều đồ chơi không phải là ý hay. Khi trẻ có
quá nhiều lựa chọn về đồ chơi, trẻ sẽ bị choáng ngợp. thay vào đó, hãy quyên góp
những món đồ chơi con bạn không còn thích nữa. Chỉ giữ lại những thứ bé thực sự
say mê.

Nếu nhận thấy con có vẻ chán những đồ chơi mà bạn nghĩ lẽ ra
con thích nhất, hãy thử mẹo này: Đưa cho con chỉ vài món đồ chơi một lúc. Sau đó,
đổi sang một bộ đồ chơi khác sau khoảng 1 tuần. Ngoài đồ chơi, hãy dẫn dắt con
vào các hoạt động phù hợp độ tuổi như tô màu, đọc sách…

Theo Smart Parenting

Tham khảo các bài viết “Hiểu, chơi , đồng hành cùng con”