Tóm tắt buổi hướng dẫn ôn thi môn Tiếng Việt vào lớp 6 với cô Thu Ngân và cô Tâm đến từ Next Nobels

Với mục tiêu đồng hành với các bố mẹ có con năm nay hoặc sang năm thi vào lớp 6, tối ngày 24/04/2021, Giáo dục Con Tự Học đã mời các giáo viên giàu kinh nghiệm và tâm huyết để cùng chia sẻ, trao đổi với phụ huynh về cách thức để các con đạt kết quả tốt môn Tiếng Việt và môn Toán trong kỳ thi chuyển cấp.
Về môn Tiếng Việt, cô Thu Ngân và cô Tâm – những giáo viên giàu kinh nghiệm luyện thi vào lớp 6 CLC của Trung tâm Next Nobels đã tham gia chia sẻ, trao đổi cùng các phụ huynh.

Tại buổi trao đổi, các cô đã chia sẻ theo các nội dung chính như sau:

  1. Những điểm chung (về dạng câu hỏi, phạm vi kiến thức,…)
  2. Những điểm đặc thù theo trường
  3. Những kiến thức, kỹ năng trọng tâm mà học sinh cần ưu tiên nắm vững
  4. Làm thế nào để không “bí” với bài tự luận cảm thụ văn học
  5. Những lưu ý để không mất điểm oan khi làm bài?
  6. Về các tài liệu tham khảo

Về dạng câu hỏi thì có ba dạng chủ yếu của bài thi Tiếng Việt là: Luyện từ và câu; câu hỏi đọc hiểu và cảm thụ; viết văn. Về đơn vị kiến thức như phép so sánh, nhân hóa,… đề vẫn chỉ bao gồm các đơn vị kiến thức các con được học trong chương trình sách giáo khoa (SGK).
Tuy nhiên, ngữ liệu được sử dụng có thể nằm trong hoặc ngoài SGK. Ví dụ, cùng là văn miêu tả nhưng có trường ra đề miêu tả về mùa thu Hà Nội. Do đó, cái mà các con cần học không phải là học văn thuộc lòng, “học tủ” theo từng bài mà các con sẽ cần nắm vững từng dạng câu hỏi và phương pháp, cách thức học cũng như làm từng dạng bài để không bị lúng túng với những văn bản mà có thể con chưa gặp bao giờ.
Đối với câu hỏi các con nên ôn thi từ lớp mấy của bố mẹ thì cô Ngân đã chia sẻ, phạm vi kiến thức trong đề thi sẽ từ lớp 4, do đó, các con nên nắm vững các kiến thức cơ bản từ năm lớp 4.

Trong nội dung thứ hai mà các cô chia sẻ về điểm đặc thù của từng trường thì cô Ngân phân tích khá kỹ tỷ lệ của ba dạng bài (Luyện từ và câu; câu hỏi đọc hiểu và cảm thụ; viết văn) trong đề thi của từng trường như: Nguyễn Tất Thành, Lương Thế Vinh, Ams, Archimedes, Cầu Giấy, Đoàn Thị Điểm, Lomonoxop.

Điều này sẽ giúp bố mẹ và các con hình dung được cấu trúc đề của trường mà mình quan tâm các năm trước đây. Tuy nhiên, cô cũng nhấn mạnh rằng, các con vẫn cần ôn tập đầy đủ cả ba dạng kiến thức vì đây cũng không có nghĩa là năm nay hoặc những năm sau này, các trường sẽ ra cấu trúc đề giống như các năm trước.
Riêng đối với trường THCS Ngoại ngữ thì bên trường đã thông báo cấu trúc đề Khoa học xã hội bao gồm 70% lượng câu hỏi và điểm là của môn Văn, còn lại 30% là của môn Lịch sử, Địa lý và Kỹ năng sống.
Đối với nội dung về kiến thức, kỹ năng trọng tâm mà học sinh cần ưu tiên nắm vững đối với mỗi dạng đề, cô Ngân và cô Tâm đã phân tích cụ thể kiến thức, kỹ năng trọng tâm cần ưu tiên nắm vững đối với từng dạng bài cùng những ví dụ sinh động và dễ hiểu để bố mẹ và các con có thể hình dung dễ dàng.

Đặc biệt, cô Ngân cũng có hướng dẫn cụ thể về phần cảm thụ văn học, vốn là một phần được đánh giá là khá khó đối với nhiều con. Cảm thụ khó một phần là do do đề cảm thụ vô cùng đa dạng, có thể là cảm thụ một từ, một đoạn hoặc một biện pháp nghệ thuật của bài thơ, bài văn trong hoặc ngoài chương trình. Trong khi đó, khả năng đọc hiểu văn bản cũng như trình bày của các con tiểu học ở dạng bài này còn nhiều hạn chế.
Theo cô Ngân, các con nên được dạy theo một tiến trình cảm thụ hơn là học cảm thụ theo từng bài riêng lẻ. Bài cảm thụ, trước hết cần phải “hiểu”, hiểu rồi con mới “cảm” được. Các con cần hiểu được nội dung cũng như được sự đặc sắc nghệ thuật bằng cách nhận diện, đọc được sức gợi của các hình ảnh nghệ thuật, biết so sánh với cách diễn đạt thông thường để cảm nhận được vẻ đẹp của đối tượng đang cảm thụ.
Làm tốt được phải là quá trình con được rèn kỹ năng quan sát, tích lũy vốn từ và luyện viết. Với mỗi một ý, các cô đều đưa ra những ví dụ hết sức cụ thể để minh hoạ để bố mẹ có thể hình dung xem con đang ở giai đoạn nào và tiếp tục đồng hành cùng con thế nào cho hiệu quả.

Đối với một nội dung quan trọng cũng được các cô nêu khá kỹ là phần lưu ý để hạn chế mất điểm “oan” trong khi làm bài thi. Đây là một trong những kỹ năng mà bố mẹ cũng có thể giúp các con rèn luyện trước kỳ thi đang đến gần:
Thứ nhất, phân bố thời gian hợp lý. Khi nhận đề thì việc đầu tiên con cần làm là đọc toàn bộ đề thi để biết phân bố thời gian hợp lý, tránh trường hợp sa đà vào bài nào đó mà không đủ thời gian làm đầy đủ những câu hỏi khác. Đây là một kỹ năng rất quan trọng, có thể các con đã biết nhưng cần rèn thành một phản xạ để đến khi vào phòng thi thật các con không bị quên do tâm lý.
Thứ hai, là đọc kỹ để hiểu đúng đề, ghi lại từ khóa chứa trọng tâm của đề. Việc này sẽ giúp các con tránh lạc đề – việc vẫn thường hay xảy ra với các con tiểu học vốn đọc đề rất nhanh. Tìm từ khóa của đề để hiểu đúng, làm đúng cũng là một kỹ năng có thể rèn luyện mà bố mẹ có thể giúp con.
Thứ ba, khi đã hiểu đúng đề rồi thì cần nháp và lập dàn ý, ghi nhanh các ý cơ bản của bài cũng như vốn từ các con có thể huy động nhanh lúc đó ra nháp để khi làm bài các con không bị quên hay sót ý.
Thứ tư, sau khi làm xong thì cần soát kĩ bài xem các câu đã làm rồi có đủ theo yêu cầu hay chưa, đã thực hiện đúng yêu cầu của đề bài hay chưa. Đối với viết văn, cần đọc lại xem đã viết đúng yêu cầu của đề bài, đúng chính tả hay các câu đã đủ chủ ngữ, vị ngữ hay chưa.
Với bốn bước như trên, có thể các con đã biết nhưng để biến thành một kỹ năng thành thục, để khi vào phòng thi con không quên bước nào, thì rất cần bố mẹ bỏ thời gian và sự quan tâm để rèn và nhắc nhở con thường xuyên, đặc biệt trong giai đoạn nước rút sắp tới.

Về phần tài liệu tham khảo thì các bố mẹ có thể tham khảo một số cuốn sách theo nội dung ôn tập như sau:
Đối với luyện từ và câu:

  • Hai tập của quyển “100 đề trắc nghiệm đánh giá năng lực môn Tiếng Việt” của Next Nobel
  • Luyện từ và câu 5: đây là quyển sách bám sát kiến thức luyện từ và câu trong Sách Giáo Khoa, giải đáp rành mạch rõ ràng và cung cấp vốn thành ngữ, tục ngữ.

Đối với cảm thụ:

  • 20 đề văn cảm thụ (Nguyên Lý sưu tầm và biên soạn)
  • Rèn kỹ năng tập đọc cho học sinh lớp 5 do TS Nguyễn Trọng Hoàn chủ biên.
  • 35 đề ôn luyện Tiếng Việt 5 của GS. TS Lê Phương Nga chủ biên

Đối với viết văn:

  • 30 đề tổng ôn kiến thức Tiếng Việt vào lớp 6 của Next Nobel
  • Chiến thuật viết văn tiểu học của tác giả Phan Thị Hồ Điệp
  • Bộ sách Khám phá thế giới thực vật và chinh phục văn miêu tả cây cối và Quyển chinh phục văn tả người của TS Trần Thị Mai Phương

Về phần mềm ôn luyện thì có phần mềm học – luyện Tiếng Việt 5 có video bài giảng và phần luyện tập tương ứng.
Về đề ôn luyện, ngoài các đề của các trường những năm trước còn có thể tham khảo thêm quyển: Chinh phục đề thi vào lớp 6 của thầy Nguyễn Phi Hùng.
Con Tự Học đã gửi bản ghi âm cho các Phụ huynh đã đăng ký trước qua email. Các cha mẹ khác nếu muốn nhận, vui lòng truy cập link.

Chân thành cảm ơn sự quan tâm của các phụ huynh, tiếp theo là tóm tắt về buổi hướng dẫn ôn thi môn toán vào lớp 6.

364 Share