Gợi ý chi tiết hoạt động đọc sách hè này cho từng tuần lễ

Không khó để giúp trẻ duy trì hứng thú với việc đọc sách và học hỏi suốt kỳ nghỉ dài này. Dưới đây là những hoạt động đọc sách hè bạn có thể thực hiện cùng con hoặc giao cho con đảm nhiệm. Nhờ thế, trẻ có thể mở sách ra nghiền ngẫm trong mùa hè thảnh thơi.

Mùa hè – chơi mà đọc

Trẻ hấp thu kiến thức và kỹ năng trong suốt năm học. Nhưng nhiều bạn có thể gặp khó khăn khi trở lại trường nếu toàn bộ kỳ nghỉ hè không có chút thời gian nào dành cho việc học tập. Thật may là trẻ có thể học thông qua rất nhiều hoạt động khác nhau.

Đặc biệt, những bạn duy trì thói quen đọc sách suốt mùa hè sẽ bắt đầu năm học mới với kiến thức sâu hơn, vững hơn về ngôn ngữ cũng như thế giới xung quanh. Càng đọc nhiều sẽ càng tăng cơ hội trẻ đọc và khám phá nhiều hơn.

Khi cho con đi du lịch, bạn có thể gợi ý trẻ đọc các tờ quảng cáo về điểm du lịch đó. Khi đi ăn tại nhà hàng, bạn và con có thể đọc thực đơn và bình luận về cách làm các món ăn, cách bài trí của nhà hàng. Buổi tối, cả nhà có thể cùng chia sẻ những tin tức thời sự trong ngày và đưa ra nhận xét của mình…

Đọc đều đặn mỗi ngày, dù chỉ là vài phút, cũng cải thiện khả năng đọc và học của trong năm học.

Gợi ý chi tiết các hoạt động đọc sách hè này cho trẻ theo từng tuần (Ảnh: Carolina Springs Middle School)
Gợi ý chi tiết các hoạt động đọc sách hè này cho trẻ theo từng tuần (Ảnh: Carolina Springs Middle School)

Lưu ý:

Ở Việt Nam, ví dụ với cấp Tiểu học, trẻ thường được nghỉ từ tầm 25/5. Thời gian học hè tại trường thường bắt đầu từ khoảng 1/8. Như vậy, quỹ thời gian nghỉ hè của trẻ sẽ vào khoảng 8-9 tuần.

Những hoạt động dưới đây được thiết kế cho 10 tuần nghỉ hè của trẻ Mỹ. Bạn có thể tham khảo toàn bộ và lựa chọn những hoạt động phù hợp cho lịch trình nghỉ hè thực tế của con mình.

Tuần 1: Chào đón mùa hè

1. Viết danh sách những việc con muốn làm trong hè này. Đừng quên nhắc con về hoạt động đọc sách!

2. Lập biểu đồ để giúp con theo dõi toàn bộ sách con đọc được trong dịp nghỉ hè.

Ảnh: Pinterest
Ảnh: Pinterest

3. Bắt đầu sáng tạo một cuốn sổ lưu niệm mùa hè. Hãy thêm vào đó đồ lưu niệm của bất cứ chuyến đi nào mà con bạn và cả gia đình thực hiện cùng nhau: ảnh, cuống vé, một chiếc lá khô…

4. Liệt kê các cuốn sách của tác giả mà con yêu thích. Xem con có thể đọc bao nhiêu trong số đó mùa hè này.

5. Khuyến khích hoạt động trao đổi sách giữa con với bạn bè.

6. Dạo bộ cùng con. Đề nghị con viết hoặc vẽ về những thứ giúp con cảm nhận rõ nét mùa hè đang hiện diện ở đây.

Tuần 2: Giữ liên lạc

1. Hướng dẫn con làm một cuốn danh bạ cá nhân. Liệt kê số điện thoại và địa chỉ của bạn bè, họ hàng.

2. Thiết kế bộ dụng cụ văn phòng riêng nếu thích và viết một lá thư gửi bạn.

3. Khích lệ con viết nhật ký hè. Những lúc trẻ giảm hứng thú, bạn có thể đề nghị thay phiên viết với con.

Ảnh: Kid + Kin
Ảnh: Kid + Kin

4. Bạn hoàn toàn có thể gợi ý con viết thư gửi cho tác giả mà con hâm mộ.

5. Vẽ một tấm bưu thiếp về một nơi trong tưởng tượng của con. Mặt sau bưu thiếp, con sẽ viết đôi dòng. Dán vào sổ lưu niệm hè (ở tuần 1) hoặc gửi e-mail cho bạn bè/người thân của con.

6. Gợi ý con về hoạt động sưu tầm – có thể là những con tem, những viên sỏi, những loại lá khác nhau…

7. Trò chơi mật mã. Sáng tạo ra một dạng mã hoá chữ cái (Ví dụ: A=1; B=2). Đề nghị con viết một bức thư cho bạn, sử dụng mật mã này.

Tuần 3: Khám phá các công thức nấu ăn thú vị

  1. Liệt kê mọi hương vị kem mà con có thể nghĩ đến. Sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái.

2. Sáng tạo ra một loại đồ uống riêng cho mùa hè. Viết công thức lên một tấm thiệp. Đề nghị con chuẩn bị loại đồ uống này cho người thân/bạn bè. Biết đâu, trẻ có thể nảy sinh ý tưởng kinh doanh từ công thức đồ uống này.

3. Đến thư viện và chọn một cuốn sách dạy nấu ăn. Thực hành nấu các món con thích theo hướng dẫn trong sách.

Ảnh: Simon & Schuster Canada
Ảnh: Simon & Schuster Canada

4. Đọc hướng dẫn cách làm thạch. Bạn có thể đề nghị được giúp con chuẩn bị món thạch rau câu lạnh làm món tráng miệng tối nay.

5. Đọc một câu chuyện về đồ ăn để mở rộng cảm hứng ăn uống. Chế biến và thưởng thức món ăn con vừa đọc.

Tuần 4: Du lịch thế giới

1. Nếu có dự định du lịch hè này, hãy đề nghị con tìm hiểu về chuyến đi. Đọc thông tin về nơi nhà bạn sẽ đến. Đánh dấu địa điểm trên bản đồ.

2. Đề nghị con giả vờ sẽ đến thăm một thành phố khác hoặc một nước khác cùng với bạn bè/người thân. Con sẽ viết cho đại lý du lịch để tìm kiếm thông tin về chuyến đi. Đưa con tới thư viện để tìm hiểu các cuốn sách viết về nơi nhà bạn sẽ ghé. Cùng con lập kế hoạch chuyến đi. Đừng quên kiểm tra thời tiết!

Ảnh: 30Seconds
Ảnh: 30Seconds

3. Chọn một sự kiện quan trọng đang diễn ra ở một nơi khác. Tìm kiếm càng nhiều thông tin càng tốt về sự kiện đó bằng cách đọc báo, nghe đài, xem tivi. Đề nghị con chia sẻ những gì mình tìm kiếm được và cùng con thảo luận vấn đề.

4. Chỉ cho con ý nghĩa của từng biển số xe. Hỏi xem con kết nhất biển số xe nào. Nếu con thích 1 tỉnh thành nào đó, bạn có thể cùng con tìm kiếm thông tin thú vị về nó.

Tuần 5: Tận hưởng hoạt động ngoài trời

1. Ngắt những bông hoa dại và ép nó vào một cuốn sổ cho tới cuối mùa hè.

2. Nếu có thể, hãy lên kế hoạch cho một chuyến dã ngoại. Có thể mời bạn thân của con cùng tham gia. Liệt kê tất cả những món đồ con cần mang theo.

3. Sắp xếp một buổi dã ngoại với sách ở nơi mà cả gia đình đều yêu thích: công viên, bãi biển… Chuẩn bị sẵn đồ ăn và nhiều sách hay để đọc dịp này.

Ảnh: meaningfulmama.com
Ảnh: meaningfulmama.com

4. Sưu tầm vỏ sò, vỏ ốc trên bãi biển.

5. Tìm thứ gì đó nho nhỏ, đủ để nhét vào túi quần. Viết hoặc kể một câu chuyện về món đồ đó.

6. Tìm kiếm các hình dáng và kiểu mẫu khác nhau mà những đám mây tạo ra. Vẽ lại chúng ra giấy.

7. Cùng con lên danh sách những từ dùng để mô tả pháo hoa.

Tuần 6: Thăm thú những nơi thú vị

1. Một con thú vừa trốn thoát khỏi vườn thú! Đề nghị con tạo nên một câu chuyện từ đó. Kể chuyện cho bạn bè/người thân hoặc viết vào sổ. Kèm theo hình minh hoạ nếu con thích.

2. Gần nơi bạn ở có những bảo tàng nào? Có toà nhà nào cổ kính, là di tích quan trọng ở địa phương không? Hãy tìm những nơi này trên bản đồ. Cùng con tìm hiểu lý do tại sao chúng lại có ý nghĩa đến thế.

3. Quay ngược thời gian và cùng con vờ như đang sống hoặc kinh doanh trong toà nhà cổ nhất nơi bạn ở. Đề nghị con viết một câu chuyện về cuộc sống/công việc kinh doanh đó.

4. Lên danh sách các bạn thú trong vườn bách thú. Phân loại theo màu sắc, độ hung dữ, loài…

5. Đưa con tới vườn thú và tìm những con vật có trong danh sách.

Ảnh: John Ball Zoo
Ảnh: John Ball Zoo

6. Đưa con ghé thăm bảo tàng hoặc di tích lịch sử. Viết danh sách những điều mắt thấy tai nghe mà con chưa từng biết trước đây.

7. Đề nghị con nghĩ về con vật mềm nhất và thứ gì cổ xưa nhất mà con từng chạm vào. Viết một bài thơ về nó. Nhưng không được sử dụng những từ như mềm mại, cổ xưa…

Tuần 7: Trở thành nhà xuất bản

1. Sáng tạo cuốn sách những câu chuyện tiếu lâm của riêng con. Thu thập các câu chuyện hài từ người thân/bạn bè và ghi chép lại.

2. Cắt hình ảnh từ các cuốn catalog hay tạp chí cũ. Viết một câu chuyện về chúng.

Ảnh: DIY Adulation
Ảnh: DIY Adulation

3. Tạo ra một câu chuyện chỉ sử dụng hình ảnh tượng trưng cho từ ngữ. Bạn cũng có thể hướng dẫn con viết một truyện ngắn rồi thay thế một số từ bằng hình ảnh tương ứng.

4. Khởi động dự án viết truyện tiếp nối. Con mở đầu truyện, bạn viết phần sau đó, những thành viên còn lại trong nhà tiếp tục. Có thể đề nghị bạn của con tham gia.

Tuần 8: Ngắm nhìn bầu trời

1. Tìm hiểu về những loài chim sống trong khu vực của bạn. Dậy sớm để cùng con tìm kiếm, lắng nghe tiếng chim hót. Hỏi xem con có nhận ra loài chim nào mà mình từng tìm hiểu không.

2. Con có thể nhận ra chòm sao nào vào một buổi tối mùa hè trời trong? Hãy chuẩn bị một cuốn hướng dẫn ngắm sao trời để cùng con tận hưởng những khoảnh khắc ngước lên vũ trụ bao la, ẩn chứa bao bí mật này.

Ảnh: TripSavvy
Ảnh: TripSavvy

3. Suốt bao thế hệ qua, con người vẫn luôn hướng tới bầu trời. Gợi ý con hỏi chuyện ông/bà hoặc một người lớn tuổi về thời thơ ấu của họ.

4. Vật thể lạ không xác định (UFO, hay còn gọi là đĩa bay) được ghi nhận xuất hiện lần đầu năm 1947. Cùng con đọc một cuốn sách khoa học nói về UFO.

5. Bóng rổ cũng lướt qua bầu trời mùa hè. Đề nghị con lên danh sách những đội bóng rổ nổi tiếng. Sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái.

Tuần 9: Thiết kế thứ gì đó lớn lao

1. Đề nghị con đọc to tên của một số hãng xe trên thế giới. Tự thiết kế một mẫu xe mới và đặt tên cho nó.

2. Đi dạo quanh khu phố nơi bạn ở với con. Đề nghị con quan sát các ngôi nhà. Gợi ý con thiết kế ngôi nhà hợp với phong cách của mình nhất.

Ảnh: YouTube
Ảnh: YouTube

3. Hướng dẫn con tự thiết kế trò chơi board game và đưa ra luật chơi.

4. Mọi thứ chúng ta sử dụng đều do ai đó thiết kế. Hãy đề nghị con bắt đầu bộ sưu tập những thứ con thích hoặc bổ sung hiện vật vào bộ sưu tập có sẵn.

Tuần 10: Tạm biệt mùa hè

1. Gợi con nhớ đến những cánh hoa dại mà con đã ép khô từ đầu kỳ nghỉ hè. Hướng dẫn con sáng tạo với chúng như tự làm thiệp, làm bookmark (đánh dấu trang)…

2. Xem lại biểu đồ để biết con đã đọc được những cuốn sách nào. Chọn sách mới để tiếp tục hành trình đọc.

3. Lên danh sách những thứ cần chuẩn bị cho năm học mới. Cùng con đi mua sắm.

4. Viết 10 điều tuyệt nhất mà con đã làm trong hè này. Tự thiết kế thực đơn gồm những món ăn mà con yêu thích.

5. Ngày hè là những ngày dài nhất trong năm. Đề nghị con liệt kê những từ dài nhất mà con biết.

Ảnh: Pinterest
Ảnh: Pinterest

Tham khảo từ Reading Rocket

> Xem thêm cách chọn sách, lập tủ sách, đọc sách cho con

> Các hoạt động đi kèm với việc đọc sách giúp nâng cao khả năng đọc hiểu và rèn kỹ năng cho trẻ

> Tham khảo danh mục sách tiếng Anh hay cho trẻ hè này của Teacher Vision

> Tổng hợp các trò chơi thích hợp cho bé vào mùa hè