Dự đoán – phương pháp đọc hiểu chủ động

Dự đoán trong quá trình đọc là gì?

Dự đoán liên quan tới việc suy nghĩ và đưa ra những dự đoán về thông tin, sự kiện sẽ xảy ra tiếp theo trong quá trình đọc. Sau đó, trẻ sẽ đọc tiếp văn bản, xem xét và điều chỉnh các dự đoán của mình.

Người biết cách đọc hiệu quả sẽ sử dụng hình ảnh, tiêu đề cuốn sách, các đề mục và văn bản, cũng như vận dụng kiến thức nền, để đưa ra dự đoán trước khi bắt đầu đọc.

Việc đưa ra dự đoán thu hút trẻ một cách chủ động và kết nối trẻ với văn bản thông qua việc đặt câu hỏi: Trẻ nghĩ chuyện gì có thể xảy ra trong cuốn sách? Nhờ đó, trẻ sẽ chú tâm hơn và hứng thú hơn với quá trình đọc và các hoạt động sau đọc.

Tại sao phương pháp này lại quan trọng?

Dự đoán kích hoạt vốn tri thức có sẵn ở trẻ về văn bản và giúp trẻ tìm ra mối liên hệ giữa điều mình đã biết với những thông tin mới, chuẩn bị tiếp nhận.

Snow (1998) đã phát hiện ra rằng, trong suốt giai đoạn các lớp đầu tiểu học, chương trình giảng dạy đọc nên bao gồm các hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về những phương pháp được dùng để đọc hiểu văn bản, dù theo cách trẻ tự đọc hoặc được đọc cho nghe. Những phương pháp này bao gồm tóm tắt ý chính, dự đoán thông tin/sự kiện tiếp theo, đưa ra suy luận và kiểm tra những chỗ hiểu nhầm.

Phương pháp đọc hiểu Dự đoán
Hướng dẫn thực hiện dự đoán trong khi đọc (Ảnh: MPM School Supplies)

Làm thế nào để trẻ thực hành Dự đoán?

Làm mẫu việc dự đoán khi đọc cùng trẻ

Cha mẹ nên bắt đầu với việc làm mẫu kỹ thuật Dự đoán một cách thường xuyên cho trẻ nhỏ. Cho tới hết cấp 2, vẫn nên sử dụng kỹ thuật này, cho tới khi trẻ vận dụng nhuần nhuyễn vào quá trình đọc độc lập của mình.

Để làm mẫu cách thức đưa ra dự đoán cho những trẻ mới làm quen với việc đọc, phương pháp “nghĩ và nói ra suy nghĩ của mình” (think-aloud) sẽ đặc biệt có ích.

Phương pháp đọc hiểu Dự đoán
Các cụm từ dùng trong Dự đoán: Tôi đoán là; Tôi có hình dung ra; Tôi có một câu hỏi là; Điều này nhắc tôi nhớ đến; Điều này giống như; Tôi cảm thấy bối rối về; Ý tưởng lớn ở đây là; Tôi tin rằng…(Ảnh: TES)
  • Suy nghĩ và nói ra suy nghĩ của mình trước khi đọc một cuốn sách cho trẻ, làm mẫu quá trình dự đoán trước khi đọc.

“Mẹ tìm thấy một cuốn sách rất hay trong thư viện. Nhìn vào bìa sách, mẹ đoán câu chuyện sẽ kể về… và…”. Con thấy đấy, khi chúng ta sử dụng những gì mình biết để đưa ra dự đoán trước khi đọc, việc này gọi là kỹ thuật Dự đoán”.

  • Suy nghĩ và nói ra suy nghĩ của mình trong lúc đọc một cuốn sách cho trẻ, làm mẫu quá trình dự đoán trong khi đọc.

“Hmmm, dự đoán của mẹ về câu chuyện sẽ xảy ra theo hướng… vậy là đúng rồi. Nhưng mẹ không nghĩ điều dự đoán thứ hai sẽ xảy ra đâu. Mẹ sẽ đưa ra một dự đoán mới, dựa trên những gì mẹ con mình đã đọc, rằng, … sẽ xảy ra”.

  • Suy nghĩ và nói ra suy nghĩ của mình sau khi đọc, làm mẫu quá trình dự đoán sau khi đọc.

“Dự đoán đầu tiên của mẹ là… Sau khi đọc một phần câu chuyện, mẹ đoán… Giờ thì mẹ đã đọc xong cuốn sách rồi. Mẹ nghĩ, dự đoán của mẹ gần đúng/không gần đúng lắm với những gì thực sự xảy ra bởi vì…”.

  • Khi trẻ dần quen với việc thực hành kỹ thuật đọc này, cha mẹ nên tạo điều kiện để trẻ tự đưa ra dự đoán, xem xét lại và xác nhận dự đoán của chính mình trước, trong, sau khi đọc.
Phương pháp đọc hiểu Dự đoán
Đưa ra dự đoán là làm gì (Ảnh: Clip Art Library)

Dưới đây là một vài gợi ý:

  • Lựa chọn trước và đánh dấu vào các điểm cần dừng lại trong cuốn sách. Sử dụng giấy nhắn để đánh dấu cuốn sách của trẻ nếu trẻ tự mình đọc.
  • Với một nhóm đọc, đề nghị trẻ đưa ra dự đoán và cùng thảo luận. Để trẻ nói ra suy nghĩ của mình khi chia sẻ dự đoán với bạn cùng nhóm.
  • Đề nghị trẻ viết hoặc vẽ dự đoán của mình vào sổ, nhật ký học hoặc tờ giấy có in bảng biểu, để tiện theo dõi trong quá trình đọc.
  • Ở điểm dừng đã được cha mẹ lựa chọn và đánh dấu từ trước, đề nghị trẻ chọn lọc, xem xét, xác nhận dự đoán của mình. Thay đổi những gì đã viết/vẽ trong sổ hoặc bảng biểu nếu cần.
  • Vào phần cuối câu chuyện, đề nghị trẻ nhớ lại những dự đoán của mình trong mối quan hệ với toàn bộ câu chuyện. Để trẻ vẽ bản phác hoạ cuối cùng hoặc viết phản hồi vào nhật ký học về dự đoán mà trẻ đã đưa ra. Khích lệ trẻ nghĩ về lý do tại sao dự đoán của trẻ lại sai/đúng và thông tin nào trẻ đã dùng để đưa ra quyết định đó.

Ví dụ thực hành

Bạn hãy thử cho con tập kỹ năng dự đoán với câu chuyện dễ thương The Little Mouse, The Red-Ripe Strawberry and the Big Hungry Bear:

Xem và nghe cuốn The Little Mouse, The Red-Ripe Strawberry and the Big Hungry Bear trên youtube

Bạn hãy cùng con dừng video ở 5 điểm sau để cùng làm dự đoán:
– Điểm dừng số 1: trang bìa.
– Điểm dừng số 2: Trang đọc “But, little Mouse, haven’t you heard about the big hungry bear?”
– Điểm dừng số 3: Trang đọc “BOOM! BOOM! BOOM!”
– Điểm dừng số 4: Trang đọc “Quick!”
– Điểm dừng số 5: cuối clip.

Tại mỗi điểm dừng, bạn hãy làm như đang nói to lên suy nghĩ trong đầu, ví dụ như sau, để con hiểu cách đưa ra dự đoán và cùng tham gia:
– Cho điểm dừng số 1: “Nhìn trang bìa và xem tên sách, mẹ đoán là câu chuyện này nói về một bạn chuột, một bạn gấu và một quả dâu tây. Có thể là bạn chuột lấy trộm quả dâu tây của bạn gấu không nhỉ?”.
– Cho điểm dừng số 2: “Đúng là chuyện này nói về một bạn chuột, một bạn gấu và một quả dâu tây, nhưng mẹ đã không nghĩ là bạn chuột hái quả dâu tây ở ngay gần nhà. Giờ với những gì vừa xem, mẹ lại đoán là bạn gấu sẽ tới nhà bạn chuột để lấy quả dâu tây.”
– Cho điểm dừng số 3: “Mẹ đã không nghĩ là bạn chuột lại sợ sệt đến vậy. Giờ mẹ đoán là bạn ấy sợ quá, không dám ăn quả dâu tây và chạy biến đi.”
– Cho điểm dừng số 4: “Mẹ đã không nghĩ là người kể chuyện cũng muốn ăn một miếng dâu tây. Con có nghĩ là mẹ nên đoán khác đi không?”. Hãy nghe và hỏi thêm để con diễn giải các khả năng con nghĩ đến nhé.
– Cho điểm dừng số 5, tổng kết lại: “Đầu tiên mẹ đoán là câu chuyện kể về một bạn chuột, một bạn gấu và một quả dâu tây mà bạn chuột lấy từ chỗ bạn gấu đang đói. Đọc xong phần đầu, mẹ đoán là bạn chuột quá sợ, không dám ăn quả dâu và chạy biến đi. Giờ đọc xong mẹ thấy là mẹ chỉ đoán trúng về chuyện có chú chuột và quả dâu tây. Dự đoán của mẹ không đúng ở chỗ chẳng có chú gấu nào ra để chiếm quả dâu tây, mà chính người kể chuyện lại muốn chú chuột chia cho ăn một nửa. Con nghĩ ai là người đang kể chuyện? Liệu đó có phải là chú gấu? Hay là một người đang cố lừa chú chuột để chiếm nửa quả dâu tây. Hay là ai khác, theo con nghĩ?”.

Nâng cao cấp độ của phương pháp Dự đoán

Khi đã thành thạo trong việc đưa ra dự đoán, trẻ có thể bắt đầu sử dụng phương pháp Hoạt động Đọc – Nghĩ trực tiếp (DR-TA: Direct Reading-Thinking Activity). Phương pháp này hướng dẫn trẻ trong việc đưa ra dự đoán về một văn bản, sau đó, đọc văn bản để xác nhận hoặc phủ nhận dự đoán của mình. Trẻ sẽ làm rõ dự đoán của mình, thảo luận hoặc viết ra lời giải thích, đưa ra những dự đoán mới dựa trên bằng chứng cụ thể trong văn bản. Trẻ cũng có thể xác định liệu dự đoán đến từ kiến thức đã biết từ trước của mình hay dựa trên tình tiết trong truyện.

Một số graphic organizers phù hợp cho hoạt động viết ra dự đoán của trẻ:

Phương pháp đọc hiểu - Phần 1: Kỹ thuật Dự đoán (Predicting)

Phương pháp đọc hiểu - Phần 1: Kỹ thuật Dự đoán (Predicting)

Phương pháp đọc hiểu - Phần 1: Kỹ thuật Dự đoán (Predicting)
Ảnh: Pinterest

Sử dụng phương pháp Dự đoán khi nào?

  • Khi đọc

Sử dụng kỹ thuật dự đoán khi bạn giới thiệu những cuốn sách tranh mới cho trẻ trong độ tuổi tiểu học hoặc một chương mới cho trẻ đã lớn hơn.

– Với trẻ nhỏ, đọc to tiêu đề cuốn sách, đưa ra dự đoán theo nhóm rồi đọc hết cuốn sách để kiểm chứng dự đoán đúng/sai.

– Với sách có chương/hồi, đề nghị trẻ đưa ra dự đoán trước khi bắt đầu từng chương, dựa trên những gì đã xảy ra trong các chương trước đó.

Đề nghị trẻ đưa ra dự đoán dựa trên các cuốn sách khác, của cùng tác giả hoặc cùng thể loại mà trẻ từng đọc. Sau khi đọc, thảo luận về cuốn sách và bất cứ thông tin nào giúp trẻ kiểm chứng hoặc khiến trẻ phải xem xét lại dự đoán của mình.

  • Khi viết

Sau khi trẻ đọc một văn bản hoặc một đoạn trích văn bản và đã áp dụng phương pháp Dự đoán, đề nghị trẻ viết tóm tắt về những dự đoán ban đầu của trẻ, lý do tại sao chúng chính xác hoặc cần phải thay đổi, bổ sung. Trẻ có thể làm rõ ý tưởng của mình dựa trên bằng chứng có trong văn bản.

Một hoạt động khác có thể áp dụng khi dạy trẻ phương pháp này là đề nghị trẻ viết phần đầu tiên của câu chuyện rồi trao đổi với bạn cùng nhóm và tiếp tục câu chuyện của người bạn đó, dự đoán các sự kiện tương lai và kết thúc câu chuyện.

> Danh mục sách tiếng Anh trong Raz-kids mở rộng được thiết kế cho trẻ vận dụng phương pháp này

> XEM THÊM CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐỌC HIỂU KHÁC

> Tìm hiểu tổng quan về kỹ năng đọc và các kỹ năng đọc hiểu

Tài liệu tham khảo: