Mọi điều cần biết về 2 phương pháp đọc: Intensive reading và Extensive reading

Đây là 2 phương pháp đọc rất phổ biến, được nhà ngôn ngữ học Harold Palmer nghiên cứu và giới thiệu lần đầu vào năm 1921. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đọc chuyên sâu – intensive readingđọc mở rộng – extensive reading cũng như ứng dụng của chúng trong quá trình đọc và học tiếng Anh.

A. Intensive reading – đọc chuyên sâu

1. Intensive reading – đọc chuyên sâu là gì?

Intensive reading (IR) – đọc chuyên sâu là phương pháp đọc thật kỹ các văn bản khó (thường ngắn) với mục đích hiểu được càng nhiều chi tiết càng tốt.

Như vậy, trọng tâm của đọc chuyên sâu chính là ngôn ngữ. Bạn cần hiểu được chính xác ngữ nghĩa của các từ, cụm từ có trong văn bản. Để làm được điều này, bạn sẽ cần:

  • tập trung cao độ khi đọc hiểu văn bản
  • chú ý tới mọi chi tiết có trong văn bản
  • phân tách câu thành cụm từ để nắm được cấu trúc câu
  • có thể cần tra từ điển để biết nghĩa chính xác của những từ và lối diễn đạt mà bạn chưa biết
  • xử lý các câu hỏi đọc hiểu – thường là phần không thể thiếu sau khi thực hiện đọc chuyên sâu văn bản.

2. Lợi ích của phương pháp đọc chuyên sâu – Intensive reading

Phương pháp đọc chuyên sâu giúp làm giàu các kiến thức ngôn ngữ như vốn từ vựng, cấu trúc ngữ pháp,… cho bạn nhưng theo cách chủ động hơn. Do đó, bạn có thể chủ động kết nối những điều mình học lại với nhau.

Ngoài lợi ích cơ bản trên, phương pháp đọc chuyên sâu còn có những tác dụng khác như sau:

  • Ngoài những chủ điểm kiến thức, bạn còn có cơ hội tiếp xúc sâu hơn với văn phong đặc trưng, sự vận dụng các biện pháp nghệ thuật hay thái độ hoặc ngụ ý của tác giả,… trong các bài viết.
  • Đọc chuyên sâu giúp bạn rèn luyện khả năng chú ý và tập trung, tương quan với yêu cầu về tính chính xác trong phương pháp này.
  • Các hoạt động post-reading kèm theo giúp bạn phát triển những kỹ năng khác ngoài ngôn ngữ. Ví dụ:
    • tư duy logic (logical thinking), 
    • tư duy phản biện (critical thinking)
    • kỹ năng làm nhóm (collaboration) nếu hoạt động này có nhiều người tham gia.

Tóm lại, phương pháp đọc chuyên sâu, ngoài vai trò chính là phát triển kiến thức ngôn ngữ, thì song song đó, phương pháp này còn còn cải thiện các kỹ năng làm việc có liên quan.

3. Vận dụng phương pháp đọc chuyên sâu – Intensive reading trong học tiếng Anh

Có thể nói, đọc chuyên sâu – Intensive reading chính là phương pháp “đọc để học”.

Bạn đọc một đoạn văn với mục đích học ngoại ngữ – có thể là một vài từ mới hay một điểm ngữ pháp nào đó. Chúng ta có thể gọi dạng đọc này là ‘đọc nghiên cứu’ (study reading). Đây là dạng đọc điển hình mà rất nhiều bạn áp dụng khi đọc sách giáo khoa. Các đoạn văn trong sách thường ngắn nhưng lại có nhiều từ ngữ mà bạn không biết.

Ngoài ra, các bài đọc trong sách còn được thiết kế kèm với những hoạt động trước khi đọc và sau khi đọc, cũng như câu hỏi đọc hiểu. Mục tiêu chính của dạng đọc này là giúp dạy ngoại ngữ hoặc một kỹ năng đọc nào đó. Ví dụ:

  • đoán chủ đề của bài đọc từ tiêu đề
  • hoặc đưa ví dụ về thì quá khứ đơn mà bạn sẽ học sau bài đọc.

Một vài gợi ý về nguồn luyện tập cho phương pháp đọc chuyên sâu – Intensive reading:

  • Những bản tin, trang báo chính thống (Washington Post, New York Times,…)
  • Những trang thông tin với lượng kiến thức lớn và cập nhật (Wikipedia)
  • Truyện ngắn (short stories)
  • Blog: là dạng website thông tin riêng hoặc nhật ký trực tuyến, có thể thuộc về một cá nhân hay một tổ chức nhỏ. Đặc điểm của những bài viết trên blog là thuộc một vài chủ đề nhất định mà chủ nhân blog đó ưa thích, mang ý kiến cá nhân, đồng thời cấu trúc và ngữ pháp cũng mang tính bản xứ, tự nhiên. Những chủ đề của blog post nhắm tới những thị trường nhất định (được gọi là niche), nên những bài viết thường chuyên sâu hơn so với những trang báo tổng hợp thông thường. [Techradar.com, Theverge.com (công nghệ); Healthline.com (sức khỏe và dinh dưỡng); Childmode.com (mẹ và bé); Investopedia.com (tài chính);…]
  • Những bài đọc của các kì thi chứng chỉ, ví dụ như TOEFLIELTS, chứng chỉ tiếng Anh Cambridge

B. Extensive reading – đọc mở rộng

1. Extensive reading – đọc mở rộng là gì?

Extensive reading (ER) – đọc mở rộng là phương pháp đọc nhanh nhiều văn bản, thường có độ khó tương đương hoặc thấp hơn so với trình độ của người đọc, phần lớn với mục đích giải trí.

Như vậy, trọng tâm của đọc mở rộng là ý nghĩa văn bản chứ không phải ngôn ngữ trong văn bản. Bạn không cần phải biết rõ mọi từ vựng, mọi cấu trúc câu trong đó nhưng vẫn hiểu được nội dung chính và có thể liệt kê được một số ý khiến bạn tâm đắc.

2. Lợi ích của phương pháp đọc mở rộng – Extensive reading

Tác giả Christine Nuttall (1996) trong cuốn “Teaching reading skills in a foreign language” đã nhận định: Đây là một trong hai cách tốt nhất, sau cách sống chung với người bản ngữ, để làm giàu kiến thức và phát triển khả năng sử dụng một ngoại ngữ. 

Cụ thể như sau:

  • cho phép bạn tiếp xúc với ngôn ngữ tự nhiên và hiểu được cách ngôn ngữ này vận hành trong các bối cảnh thực tế ngoài sách vở.
  • giúp xây dựng và tích lũy vốn từ vựng. Khi đọc nhiều sách, bạn sẽ nhiều lần gặp lại các từ và cấu trúc từ, nhờ đó, bạn hiểu rõ hơn chức năng từ và đoán từ vựng hoặc điểm ngữ pháp nào có thể xuất hiện tiếp theo.
  • giúp rèn luyện tốc độ đọc và khả năng đọc lưu loát. Kết quả, bạn có thể xử lý ngôn ngữ một cách tự động hơn và dành bộ nhớ xử lý những thông tin khác.
  • tăng sự tự tin, động lực, sự thích thú và niềm yêu thích đọc sách, giúp bạn trở thành người học ngoại ngữ hiệu quả hơn. Khi đó, cảm giác lo âu về việc học ngoại ngữ sẽ dần dần biến mất và không còn là trở ngại nữa.
  • cho phép bạn đọc hoặc nghe rất nhiều tiếng Anh ở đúng (hoặc trong khoảng) trình độ ngoại ngữ của mình, góp phần cải thiện các thói quen tốt về kỹ năng đọc và nghe.
  • giúp bạn hiểu được cách sử dụng văn phạm trong ngữ cảnh. Các cấu trúc ngôn ngữ thường được trình bày trong sách giáo khoa và những tài liệu học khác. Nếu không đọc mở rộng, bạn sẽ không nắm bắt được các ngữ cảnh đa dạng mà cấu trúc đó xuất hiện, dẫn đến việc không thể hiểu sâu cũng như không thể vận dụng tốt ngôn ngữ trong thực tế. 

3. Vận dụng phương pháp đọc mở rộng – Extensive reading trong học tiếng Anh

Có thể nói, đọc mở rộng – Extensive reading chính là phương pháp “học để đọc”.

Bạn thực hành kỹ năng đọc bằng cách đọc để lấy thông tin. Ví dụ: bạn đọc một cuốn sách với mục đích thưởng thức câu chuyện mà không hề ý thức rằng mình đang học. Mục tiêu của dạng đọc này là giúp bạn:

  • rèn luyện khả năng đọc lưu loát mà không cần phải học những kiến thức mới (mặc dù bạn vẫn có thể học được vài điều)
  • và mở rộng kiến thức ngoại ngữ mà bạn đã từng học qua và hiểu hơn về cách những yếu tố ngôn ngữ kết hợp với nhau trong giao tiếp.

Điều này cho phép bạn xử lý ngôn ngữ nhanh hơn cũng như tăng khả năng đọc hiểu và niềm yêu thích đọc. Bạn còn có thể ‘học để đọc’ bằng cách rèn luyện các kỹ năng đọc và chiến lược đọc, cũng như thực hành những hoạt động đọc nhanh được thiết kế để tăng tốc độ đọc hiểu và đọc lưu loát.

Một số nguồn tài liệu tiếng Anh phù hợp cho việc luyện tập phương pháp đọc mở rộng:

  • Graded Reader: Đây là một loại sách được viết chuyên phục vụ cho phương pháp đọc mở rộng. Sách graded reader còn được phân loại theo các bậc trình đọc khác nhau, nhưng nhìn chung ngôn ngữ trong sách đều rất dễ đọc.
  • Các nền tảng trực tuyến: Ngoài những loại sách phân loại trình độ cụ thể, trên mạng còn có rất nhiều những trang webs, blogs, forums được sinh ra cùng mục đích với sách graded reader nêu trên – phục vụ phương pháp đọc mở rộng.
  • Sách bản ngữ: Một trong những cách cơ bản nhất để tiếp xúc với ngôn ngữ của người bản xứ là đọc sách bản xứ. Tuy nhiên, các nguồn sách và đầu sách thì có rất nhiều và văn phong cũng thuộc nhiều trình độ và đề tài khác nhau. Vì vậy, việc tìm hiểu các đầu sách phù hợp với cả chủ đề ưa thích và khả năng tiếng Anh của bản thân là rất cần thiết. Có rất nhiều diễn đàn được sinh ra với mục đích này.
  • Các nguồn khác: Người đọc có thể tự tham khảo thêm các nguồn đọc khác phù hợp với bản thân như: truyện tranh, tạp chí,… 

C. So sánh 2 phương pháp đọc Intensive reading – đọc chuyên sâu và Extensive reading – đọc mở rộng

1. Điểm khác nhau giữa 2 phương pháp đọc Intensive và Extensive reading

Theo Carrie Purcell và Heather Buchansky, đọc chuyên sâu và đọc mở rộng khác nhau ở những điểm cơ bản sau:

Intensive reading – đọc chuyên sâu

  • hiểu nội dung văn bản 100%
  • văn bản đọc có giới hạn (thường ngắn)
  • văn bản khó
  • đọc kỹ từng từ
  • có sử dụng từ điển để tra nghĩa từ
  • đọc để sáng tạo và phân tích ý nghĩa văn bản

Extensive reading – đọc mở rộng

  • nắm được nội dung chính của văn bản
  • đọc nhiều văn bản (thường dài)
  • văn bản dễ
  • đọc trôi chảy, không chú trọng vào từng từ
  • suy luận nghĩa của những từ chưa biết
  • đọc để giải trí

2. Vai trò của 2 phương pháp đọc Intensive và Extensive reading trong học và đọc sách tiếng Anh

Theo Tiến sĩ Rob Waring, đến từ Notre Dame Seishin University, chuyên gia về Extensive reading, đọc chuyên sâu và đọc mở rộng bổ sung cho nhau.

Intensive reading giới thiệu các yếu tố ngôn ngữ mới, trong khi Extensive reading giúp bạn thực hành các yếu tố ngôn ngữ đó và hiểu sâu hơn về chúng. Có thể so sánh Intensive reading với việc học lái xe ở trường, còn Extensive reading được xem như lái xe thật sự trên đường. Cả hai đều cần thiết như nhau và Extensive Reading thường được thực hành với dòng sách graded readers

Còn theo cô Nguyễn Thanh Thúy, giảng viên Lý thuyết tiếng, khoa tiếng Anh (Đại học Hà Nội), Extensive reading đóng vai trò chủ chốt trong việc giúp học sinh/sinh viên đọc sách nguyên bản tiếng Anh mà thấy hay.

“Có 3 kiểu đọc chính: đọc lấy ý chính, đọc nhặt thông tin và đọc để tận hưởng. Từ ba kiểu đọc này dẫn tới hai dạng dạy đọc: Intensive reading và Extensive reading. Intensive là skimming, scanning và tất tần tật các mẹo để đọc hiểu với tốc độ; trong đó Extensive thì thư giãn, nhẩn nha và chả có cái mẹo gì cả.

Vấn đề là Intensive chẳng giải quyết cái gì ngoài điểm số và tiết kiệm thời gian. Trên thực tế, người ta chỉ dùng nó khi muôn tra cứu nhanh thông tin – nhưng nếu muốn làm nghiên cứu thực sự ở cấp học cao thì cũng không thể sử dụng cái này cái này vì nó chả giúp hiểu sâu được cái gì cả!

Thực tế là Extensive reading mới là cái quyết định – vì đó mới là cách con người đọc hiểu trong cuộc sống.

Các em có thể dùng skim và scan để chọn đọc phần tin mình muốn – nhưng cuối cùng vẫn phải dành thời gian mà đọc nó. Các em có thể dùng các chiến thuật đọc nhanh để lựa gáy sách, nhưng nếu đọc mà không hiểu, không tư duy cùng được với tác giả thì có muốn học cao cũng không học nổi. Vì thế, với Extensive reading, cái cần phát triển là Speed Reading để dần dần nâng tốc độ đọc + nhớ (tư duy bằng tiếng Anh) và grouping words/collocations khi đọc. Thiếu hai cái này, việc đọc mà không hiểu sẽ là chuyện thường thấy.

Quay trở lại câu hỏi, vấn đề chính là các em chưa biết cách đọc cho Extensive reading và tư duy vẫn theo kiểu hiểu tiếng Việt (theo đơn vị từ và ghép nghĩa theo cách xử lý ngôn ngữ trong tiếng Việt).

Bản chất trong tiếng Anh, từ thường tồn tại theo các cụm cùng với những đơn vị đi cùng với nó (ví dụ: get ready chứ ít khi nói là become ready mặc dù nghĩa không xa nhau là mấy), khi trong quá trình học, các em vẫn cố tìm từ tương đương trong tiếng Việt + dịch nghĩa từ tiếng Việt sang tiếng Anh thì đến giai đoạn đọc và viết sẽ gặp chính khó khăn này. Học kiểu ấy khiến trình độ thấp mà cầm quyển sách tiếng Anh lên sẽ thấy mệt mỏi và ngại, còn trình độ cao thì là cản trở rất lớn cho việc bật xa hơn (đây là chỉ số cho việc phân biệt trình độ upper với advanced, và advanced với native speaker).

Sách dịch không bao giờ đặt ngang tầm được với nguyên bản, dù dịch giả có là ai. Đấy là chưa kể có bao nhiêu vấn đề liên quan tới chuyển ngữ xuất phát từ trình độ của người dịch (đâu có dễ mà chuyển dịch ngôn ngữ và văn hoá!). Thế nên, các em có thể rèn luyện việc này bằng cách quay trở lại graded readers ở những trình độ cuối. Sau một thời gian khi vốn từ của em tăng đủ (không nên tra từ điển nếu vẫn đoán được nghĩa), lúc ấy mới quay lại sách nguyên bản. Nên tiếp tục với sách cho trẻ em trước rồi mới đọc dần lên. Các em cố rèn luyện cho mình thói quen mỗi ngày đọc vài trang, sau một thời gian, em sẽ cảm nhận được nụ cười của tác giả!”.

(Nguồn tham khảo: ĐH Vinh, ĐH Sư phạm Nghệ thuật TƯ, Zim)