Cho con học chữ trước khi vào lớp 1: Nên hay không?

Đây là một trong những băn khoăn được phụ huynh chia sẻ nhiều nhất trên mạng mỗi dịp mùa tuyển sinh, năm học mới.

Nhìn chung, lý do phụ huynh quyết định cho con học chữ trước khi vào lớp 1 có thể là:

1. Lo ngại việc con sẽ thiếu tự tin so với bạn bè. Do rất nhiều bé đều đã biết đọc, viết trước khi vào lớp 1.

2. Nỗi lo này càng tăng thêm khi cha mẹ biết rằng: Nếu trẻ không học trước thì giáo viên sẽ vô cùng vất vả. Cô không thể bao quát được hết do lớp (trường công) ngày càng đông (50-60 em/lớp). Đây là chia sẻ thật từ 1 số giáo viên lớp 1 đã được báo chí phản ánh.

3. Một số cha mẹ chọn cho con đi học chữ trước ở các lớp tiền tiểu học do giáo viên lớp 1 có tiếng mở. Như vậy, việc xin vào lớp giáo viên đó sẽ dễ dàng hơn.

Ảnh: báo Sài Gòn giải phóng
Ảnh: báo Sài Gòn giải phóng

Quan điểm của phụ huynh cho con học chữ trước

Hạnh Đỗ:

Nên cho con đi học trước 1 tháng là ok. Con bắt nhịp nhanh hơn. Vì 1 cô quản lý mấy chục cháu không sát sao được cho con. Sau đó thì không cần học thêm.

Thai Thuy:

Bạn mình chủ trương không học trước. Đến khi đi học trường công thì gần như cả lớp đọc thông viết thạo. Mẹ và con đuổi theo các bạn. Con chán không muốn đi học. Giờ mẹ nó bảo biết thế cho con đi học trước.

Đậu Bộng Bé Xinh:

Học trước túc tắc là vừa. Con mình mình ỉ i ko cho học bất kì cái gì trước. Vào bơi thấy tội luôn. Đuổi thì cũng kịp thôi nhưng việc gì phải khổ vậy. Mất 1 tháng rưỡi con mới hoàn hồn. Mẹ cũng đỡ tự trách bản thân để con vào thế bị động.

Yen Dinh: 

Cháu mình cũng phương châm không học trước. Nhưng vào lớp các bạn học trước hết rồi. Nên nó sợ đi học. Nên cho con học túc tắc 1 ít đi mẹ nó ạ.

Pnt 潘如庄:

Trong trường hợp của mình, thấy may là con biết đọc biết cộng trước. Đầu năm vào học được 1 tháng, họp phụ huynh, cô gọi riêng phụ huynh 2 bé trong lớp khuyên nên cho con học phụ đạo. Vì lớp 56 em, mà chỉ 2 em đó chưa biết gì nên học rất đuối và nản. Cô cũng lực bất tòng tâm vì lớp quá đông, không thể chỉ chú tâm đến 2 em đó được.

Hang Hoang:

Không học trước vào lớp 1 con không học kịp chương trình đâu. Con sẽ sợ học ngay từ đầu, thiếu tự tin và thuộc thành phần đặc biệt trong lớp. Mình bị bé đầu rồi nên giờ bé thứ 2 mình dạy trước. 

Quan điểm của phụ huynh cho con học chữ trước. Nhưng tuỳ thuộc một số điều kiện.

Hien Xinh:

Con mình năm nay cũng lớp 1. Đầu tiên mình cũng hoang mang việc có nên dạy con chữ hay không. Sau đó, mình hỏi con có muốn học chữ cùng mẹ không. Con sẵn sàng thì mình dạy. Nghiên cứu kỹ rồi dạy con. Giờ đã đọc vèo vèo. Mình thấy là dạy con hay không tuỳ vào sự sẵn sàng của con. Nếu không, đi học lớp 1 cũng biết đọc hết ấy mà. Nếu bạn chọn học tư thì lại càng thoải mái.

Hằng Nguyễn:

Con mà biết trước dĩ nhiên sẽ tự tin bắt nhịp hơn. Nhưng dạy trẻ thì phải có phương pháp. Không thì đưa cho cô dạy bạn ạ. Nếu con hợp tác thì mẹ dạy. Còn con thoái thác thì ngừng. Không sẽ thành tra tấn nhau. Về sau bé sợ học đấy. Con mình học đọc học cộng trừ không phải với mục tiêu vào lớp 1. Mà mục tiêu để khám phá thế giới qua trò chơi và đọc sách. Nên mọi chuyện khá nhẹ nhàng. Dù con mình dạng chậm.

Phuong Anh TP:

Mình nghĩ, việc cho con họ ctrước hay không là do NHẬN THỨC và KHẢ NĂNG TIẾP THU của con thế nào. Nếu nhận thức chậm thì nên cho học trước, học từ từ, học dần dần. Con học một tháng bằng các bạn học một tuần thì nên cho con học trước. Còn con nhận thức nhanh nhẹn thì không cần học trước cũng được. Mà nếu bình thường thì chỉ hết học kỳ một thì bạn học trước với học từ tháng 9 theo chương trình cũng sẽ bằng nhau về kiến thức lớp 1 được học mà thôi.

Ảnh: Dân Trí
Ảnh: Dân Trí

Quan điểm của phụ huynh không cho con học chữ trước.

Vu My Binh:

Theo mình cho bé đi học hát, học múa Ballet, MC cho mạnh dạn, dễ hoà đồng. Giai đoạn này, mẹ nên đọc nhiều truyện và thơ cho con nghe. Có thể con sẽ tự biết đọc. Không cần phải cho con đi học trước. Mệt cả mẹ và con.

Dieu Thuong:

Không cần học trước đâu. Trước khi vào năm học tầm hè, e mua cho con 1 quyển tập viết, bút chì, con cá tập cầm đúng tư thế. Đó con thích viết thì viết, không thì thôi. Bé nhà chị làm như thế ổn mà. Thậm chí không tập cũng đc. Đến lớp cô dạy từ đầu mà. Có một số bạn học trước đến lớp vẫn phải theo các bạn thành quậy. Đến cuối kỳ thi cử, chả khác những bạn chưa học trước tí nào.

Hoan Virgo:

Mình thấy không cần học trước đâu. Để cho con vui chơi thoải mái đi. Đó là học rồi. Con nhà mình năm ngoái vào lớp 1, không học trước gì cả ngoài chương trình ở lớp mẫu giáo. Con vào lớp lúc đầu, mình cũng hơi sốt ruột chút. Vì trong khi các bạn hầu hết viết được cả câu dài để chúc mừng sinh nhật nhau rồi thì con mình vẫn còn nhầm chữ loạn xị.

Thế nhưng chỉ sau 3 tháng, con đã đọc thành thạo luôn. Những từ ghép khó chưa được dạy đánh vần, mình vẫn thấy con đọc được, dựa trên những từ đơn mà cô dạy. Giờ mới sang học kỳ 2 ít lâu nhưng đã đọc trôi chảy rồi. Nói chung, không cần học trước đâu ạ. Thay vào đó nên dạy con học những kỹ năng tự lập khi đến trường thì hơn ạ.

Hien Pham:

Việc học là của bé theo đúng tự nhiên đúng lứa tuổi nhận thức. Chả có gì phải hoang mang mẹ nó ạ. Con nhà mình kệ cho chơi thoải mái. Ở trường mẫu giáo, các cô cũng bắt đầu dạy chữ. Mình bảo cô kệ con nhà mình chơi thôi. Cô không cần quan tâm đến việc dạy cho con đâu. Mình để nó bắt đầu học và nhận biết những nét bút, con chữ đầu tiên khi vào lớp 1. Hết kỳ 1 đọc viết vanh vách.

Nguyễn Hà:

Con mình đang học lớp 1 Đoàn Thị Điểm. Lúc bắt đầu đi học chưa biết chữ, gần hết học kỳ 1 đọc truyện được. Mẹ nó không cần quá hoang mang so sánh với con người ta. Tự xem nhu cầu của mình và khả năng của con mình để tìm phương pháp phù hợp thôi.

Ảnh: Trường Mầm non Mỹ Tiến
Ảnh: Trường Mầm non Mỹ Tiến

Chia sẻ của những người làm về giáo dục

1. TS Vũ Thu Hương (giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) thì phản đối việc cho trẻ học trước.

Theo bà Hương, việc biết chữ với trẻ Việt là chắc chắn và chỉ là việc sớm hay muộn nên học trước là không cần thiết.

Nếu cả 6 năm đầu đời của trẻ được rời xa việc học chữ để chú tâm vào quan sát, học hỏi từ môi trường sống, từ thái độ và hành vi của những người xung quanh thì sẽ phát triển khả năng quan sát, liên tưởng và sáng tạo rất tốt.

“Khi trẻ không biết chữ trước, các em sẽ rèn luyện và có khả năng quan sát một cách tinh tế hơn ở những chi tiết nhỏ mà với các bạn biết chữ sẽ ỷ lại vào chữ nên không để ý. Thứ hai, trẻ dưới 6 tuổi “mù chữ” sẽ có khả năng sáng tạo từ những quan sát xung quanh rất tốt. Khi trẻ có sự quan sát tự do, không gò bó bởi các nguyên tắc, trẻ sẽ dễ dàng tìm ra những điểm mới thú vị làm cho người lớn phải ngạc nhiên. Tuy điều đó không phải là mới tinh với người lớn nhưng đó lại là điều mà trẻ lần đầu phát hiện. Đó là sáng tạo của riêng trẻ”, bà Hương nói.

TS Hương nêu ví dụ trong một thí nghiệm thực hành với trẻ 5 tuổi, có 5 trẻ chưa và 5 đã biết đọc chữ.

“Trong số 5 cháu chưa biết chữ thì có 4 cháu đã biết bảng chữ cái và 1 cháu chưa biết gì. Chúng tôi cho trẻ đọc truyện tranh có các bức tranh to và lời thuyết minh ngắn (chừng 2 dòng) ở dưới. Cả 5 cháu biết chữ (biết đọc thành thạo) thì đều đọc khá chính xác câu chuyện. Nhưng 5 cháu chưa biết chữ thì đã kể cho chúng tôi 5 câu chuyện hoàn toàn khác nhau.

Đặc biệt khi chúng tôi yêu cầu đọc lại 1 lần nữa thì 5 cháu biết đọc đã đọc lại câu chuyện như cũ còn 5 cháu không biết chữ thì lại kể cho chúng tôi 5 câu chuyện khác hẳn.

Như vậy, với 5 cháu biết chữ, các câu chuyện lúc nào cũng giống nhau còn với 5 cháu chưa biết chữ, mỗi lần đọc là lại 1 câu chuyện mới rất thú vị theo sự tưởng tượng của các cháu khi quan sát các bức tranh. Đây là sự sáng tạo của trẻ “mù chữ”.

2. Ông Đỗ Hoàng Sơn: “không nên ép trẻ học nhưng cũng nếu trẻ có nhu cầu thì cũng không nên hãm không được học”

Là người nghiên cứu về giáo dục, ông Đỗ Hoàng Sơn cho rằng, không nên ép trẻ học nhưng cũng nếu trẻ có nhu cầu thì cũng không nên hãm không được học.

Theo ông Sơn, quan trọng nhất là các phụ huynh không nên cố nhồi nhét, ép trẻ học sớm nếu con không thực sự hứng thú. Ngược lại khi trẻ có nhu cầu thì cũng không nên ngăn cản, qua đó chọn cách cho tốt với từng đứa trẻ cụ thể.

“Những đứa trẻ sống trong môi trường quan sát thấy người lớn đọc sách, đọc chữ trên tivi, máy tính, chúng phát sinh nhu cầu cần đọc nhưng chúng ta cố gắng kìm hãm, không dạy đọc cho trẻ thì vô lý. Không nên coi tất cả mọi đứa trẻ đều như nhau. Một bộ phận trẻ nhỏ thích thú với việc học từ sớm mà bị kìm hãm thì nguy hiểm”.

3. Trẻ cần bàn tay vững để cầm bút chứ không phải cầm bút sớm – TS Chu Cẩm Thơ (giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Về việc này, TS Chu Cẩm Thơ (giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nhìn nhận không phải học chữ trước, học tính trước sẽ giúp trẻ vững vàng vào lớp 1 mà cần chuẩn bị hơn về những điều khác.

Theo TS Thơ, việc đầu tiên là chuẩn bị cho trẻ nền nếp sinh hoạt cá nhân tốt.

“Vào 5 tuổi, trẻ cần có thói quen: thức – ngủ, ăn uống điều độ, tự phục vụ được như tự ăn, tự dọn dẹp, tự đánh răng, tự rửa mặt, tự xếp đồ, tự quản,… Nếu trẻ chưa có nề nếp, thì khi đi học sẽ rất khổ cho chính trẻ. Trẻ sẽ thấy khó khăn khi hòa nhập, thấy sợ trước những yêu cầu của nhà trường, thấy ngợp trước sự trưởng thành của các bạn. Trẻ đã quen tự do, quen được chăm bẵm sẽ thấy chán, nản khi đi học. Đây cũng là nguyên nhân khiến bé khó hòa nhập và không thích đến trường”.

Thứ hai, cần chuẩn bị cho trẻ sức khỏe, kĩ năng vận động tốt.

“Bé không cần cao lớn hay quá mập. Trẻ khỏe chính là không ốm vặt, không ngại ăn đồ đa dạng, vận động tốt. Tôi từng tiếp xúc với nhiều bé ốm và còi. Không phải do thể chất của bé, mà do cha mẹ quá tập trung vào trí não, khiến bé không có cơ hội được rèn luyện. Vì vậy cần giúp trẻ có đôi tay vững để cầm bút chứ không phải cầm bút sớm, khiến tay bé không vững. Tôi thường khuyên cha mẹ mua cho con những quả trứng (gỗ hoặc đá) để tập tay, rồi tập dùng kéo, dùng dao (an toàn) ,… để khiến vận động tinh xảo hơn”.

Thứ ba, cần tập cho bé tư duy và chịu khó suy nghĩ chứ không phải biết thật nhiều.

“Tôi thấy việc đi học trước rất sai lầm nếu chúng ta chăm chú dạy cho bé kiến thức. Hãy cho bé thói quen có hứng thú, khám phá học tập cho bản thân, chịu khó quan sát, tìm tòi, suy nghĩ chứ không phải là thuộc lòng hay làm các phép tính tốt. Hơn nữa, các chuyên gia đã khuyến cáo rằng, học trước kiến thức khiến bé có cảm giác chán học giống như chán ăn nếu phải ăn lại, từ đó lười suy nghĩ”.

Cuối cùng cần dạy trẻ cách tôn trọng người khác.

“Vào tiểu học, bé không thể được chiều, được chăm như ở nhà hay ở trường mẫu giáo. Trẻ cần được học cách sống trong cộng đồng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, chấp nhận và tự đấu tranh. Cha mẹ cần chuẩn bị cho con hiểu biết và tập tôn trọng người khác. Không phải ý kiến của mình, đòi hỏi của mình là trên hết và cũng không phải mình cần im lặng vì mình là kẻ yếu”.

4. Thầy Nguyễn Quốc Vương: “Với tôi thì chuyện biết đọc sớm hay muộn ở độ tuổi đó là…vô vị”

Tỉ lệ trẻ biết đọc, viết trước khi vào lớp 1 có lẽ đang tăng lên ở cả Nhật và Việt Nam.
Có một thời những đứa trẻ biết đọc và viết sớm được coi là thần đồng và rất được kì vọng. Nhưng sau đó người ta nhận ra về sau không nhiều em trong số đó có khả năng trí tuệ gì đặc biệt.

Với tôi thì chuyện biết đọc sớm hay muộn ở độ tuổi đó là… vô vị.

Không có ý nghĩa gì nhiều. Nếu trẻ có trí tuệ bình thường, chuyện đọc viết tiếng mẹ đẻ không phải là công việc khó khăn khi đi học và giáo viên hướng dẫn.

Nhà tôi bốn chị em đều không biết đọc trước khi học một thời gian ở lớp 1 dù bố tôi là giáo viên và rất quan tâm chuyện học hành của con.

Chuyện biết đọc, viết sớm không quan trọng bằng chuyện trẻ có cảm thấy sung sướng, háo hức khi nhìn thấy sách vở và thích đọc hay không.

Hài hước ở chỗ bố mẹ nào cũng háo hức cho con học đọc, viết sớm để rồi sau khi biết đọc rất ít học sinh tự giác, sung sướng sờ lấy sách và ngấu nghiến đọc!?

Sợ con mình không bằng con người khác hay người ta thế nào mình thế ấy là một lối tư duy ngớ ngẩn!

Con mình là con mình con nhà người ta là con nhà người ta!

Giáo dục là làm cho cá nhân phát huy tối đa những gì cá nhân đó có chứ không phải thi đấu trên võ đài. Chưa kể cuộc đua đó là vô bổ hay không rõ mục tiêu.

Có một điều này có lẽ phụ huynh cần lưu ý nếu bố mẹ có năng lực tiếng Việt không tốt hay viết chữ xấu thì chớ dại dạy cho con sớm trước cả cô vì sẽ làm trẻ học theo cái xấu của mình.

Bà Kubota Kayoko, một tác giả có tiếng ở Nhật về giáo dục trẻ em có nói rằng trẻ em thường viết xấu nhất những chữ cái có trong tên của mình. Lý do là cha mẹ thường hay dạy trẻ viết những chữ đó sớm trong khi cha mẹ không phải là người chuyên nghiệp. Từ cách cầm bút, tư thế ngồi cũng tương tự.

Đừng lo con mình không theo kịp vì nếu là một cuộc hành trình chạy nhanh đến một… bãi đất hoang hay không biết chạy đến đâu thì có cần thiết bạn phải thúc vào lưng con cho con chạy nhanh cùng các bạn?

Nói thêm, trong thực tế tôi nhận ra có rất nhiều phụ huynh lúng túng khi dạy con học môn Văn, tiếng Việt.

Vì bản thân bố mẹ trước kia cũng không đọc sách và xao nhãng chuyện quan tâm tới tiếng mẹ đẻ.

Đừng đùa! Các giáo sư toán hay lý ở Nhật đều là các bậc thầy tiếng mẹ đẻ đó. Không tin đọc các sách họ viết cho đại chúng hay viết về cuộc đời nghiên cứu của họ thì rõ.

Nên dạy cho con tình yêu với tiếng mẹ đẻ thật cẩn thận.

Lời kết

Chúng tôi tin rằng sau khi tham khảo những quan điểm trên, phần lớn các phụ huynh đều muốn không phải bận tâm đến việc con biết chữ biết làm toán sớm, mà chú tâm làm cho con:

  • có “nền nếp sinh hoạt cá nhân tốt. “
  • có “sức khỏe, kĩ năng vận động tốt. “
  • “biết tư duy và chịu khó suy nghĩ chứ không phải biết thật nhiều.”
  • “biết tôn trọng người khác”.
  • “cảm thấy sung sướng, háo hức khi nhìn thấy sách vở và thích đọc”

Và trong trường hợp thấy con thuộc nhóm trẻ khát khao biết đọc sớm, hoặc thấy mình cần chia sẻ nỗi vất vả với giáo viên lớp 1- đặc biệt là ở khối trường công – khi cùng lúc phải dạy cầm bút, viết chữ cho 30-60 em, mà quyết định cho con học chữ trước, thì phụ huynh hãy nhớ “cũng phải chọn người có chuyên môn chứ không thể dạy theo cảm tính” và nhất định không gò ép, thúc bách con học đến mức làm cho con ghét học chữ, ghét tập viết.

Tổng hợp từ FB Group Con Tự Học, VietnamNet