Một cuốn sách hay có thể biến một cảm xúc trừu tượng, một vấn
đề, một tình huống thành cụ thể, gần gũi và quan trọng nhất, đi kèm với giải pháp.
Nếu muốn tạo cho con những hành vi tích cực, bạn có thể lựa chọn những cuốn sách
dưới đây:
Growing Heart
Đây là một bộ sách tranh ngọt ngào, minh hoạ các cảm xúc, tìm kiếm niềm vui và sự can đảm. Rất thích hợp để đọc cho con nghe trước giờ đi ngủ.
Rookie Toddler
Một số tập trong bộ sách này đề cập tới những hành vi tích cực phổ biến ở trẻ. Ví dụ, cuốn “Brush, Brush Your Teeth” đặc biệt hữu ích cho gia đình nào có bé 2 tuổi từ chối đánh răng. Còn có những phần lời để hát được. Líu lo những giai điệu ấy khi đánh răng, rửa tay, đi ngủ chắc chắn sẽ giúp bé không còn ngại những việc này.
Learning about Me and You
Các cuốn sách được thiết kế để hỗ trợ sự phát triển của ý thức xã hội ở trẻ mầm non. Bao gồm những chủ đề: cảm xúc, chia sẻ, sở hữu, giúp đỡ. Còn có thông tin thêm và bí quyết để khai thác sách cho cha mẹ.
Best Behavior
Bộ sách của Elizabeth Verdick rất chân thật và có cách truyền tải nhẹ nhàng. Thông điệp thật đơn giản: “Bàn tay không phải để đánh. Bàn tay để làm gì? Nói xin chào, vẽ và xây dựng”. Với trẻ nhỏ, thông điệp như thế này rất tuyệt vời. Chúng đơn giản, trực tiếp, cụ thể và tập trung vào việc phải làm thay vì việc không được làm để giúp trẻ có được hành vi tích cực. Ví dụ, cuốn “Hands are not for Hitting”, có các gợi ý để chuyển hướng nguồn năng lượng giận dữ; mẹo nhỏ để hạ hoả và ví dụ cách can thiệp khi trẻ nhỏ dùng bạo lực.
Toddler Tools
Thêm một bộ sách nữa của tác giả Elizabeth Verdick khuyến khích hành vi tích cực. Ví dụ: biết lắng nghe, giữ bình tĩnh… Nếu bé 2 tuổi nhà bạn từ chối ngủ trưa, bạn có thể hỏi con: “Con nhớ lý do vì sao chúng ta phải nghỉ ngơi chứ?”. Đây là một câu trong cuốn “Naptime” thuộc bộ sách trên. Và con có thể trả lời: “Con dừng chơi để nghỉ, như thế mới cảm thấy tốt nhất”.
Little Dinos
Bộ sách của Michael Dahl được minh hoạ vô cùng rực rỡ. Lời văn ngắn gọn và tràn ngập sự tích cực. Nói cách khác, vừa đủ dài để đi vào vấn đề chính nhưng vẫn đủ sức níu giữ sự chú ý của trẻ nhỏ. Ví dụ, cuốn “Little Dinos Don’t Push”, lời văn như sau: “Em đừng đẩy chị ngã. Hãy đẩy xích đu nào. Đừng đẩy anh ngã. Hãy đẩy xe đồ chơi”. Mặc dù bạn có thể thích cách nói “Bàn tay không phải dùng để đánh” thay vì “Đừng đánh” hơn, bộ sách này vẫn rất hợp để bắt đầu một cuộc trò chuyện với các bé mà quãng chú ý chưa dài bằng độc giả bộ “Best Behavior”.
Daniel Tiger
Những bộ sách trên rất tuyệt nhưng lại chưa đưa ra những chỉ dẫn cụ thể về việc điều hoà cảm xúc. Ngoại trừ “Calm-Down Time”. Trong khi đó, bộ sách với nhân vật chú Hổ đáng yêu Daniel lại làm xuất sắc nhiệm vụ này. Tác giả đã tham khảo ý kiến các nhà tâm lý học trẻ em khi đưa ra những giải pháp trong bộ sách này.
Theo Nurture and Thrive