17 cách xây dựng kiến thức nền, giúp trẻ thuần thục kỹ năng đọc

Biết nhiều hơn về một chủ đề chắc chắn sẽ giúp trẻ đọc về chủ đề đó một cách dễ dàng hơn. Sau đây là những cách để trẻ sở hữu kiến thức nền vững chắc, vận dụng vào việc đọc sách và học tập nói chung.

Kiến thức nền được xếp trên cả mức độ đọc thành thạo khi đề cập tới khả năng suy luận về một văn bản. Đây là kết quả một nghiên cứu. Dựa vào kiến thức nền không phải để thay thế cho đọc kĩ nghĩ sâu – close reading. Nhưng rõ ràng, việc thiếu kiến thức về bối cảnh/ngữ cảnh làm suy yếu trải nghiệm đọc của trẻ.

17 cách xây dựng kiến thức nền, giúp trẻ thuần thục kỹ năng đọc (Ảnh: We Are Teachers)

Giáo viên Mỹ từ cấp mầm non tới THPT đưa ra lời khuyên về các cách xây dựng kiến thức nền cho trẻ:

Kết nối ảo với chuyên gia

Skype a Scientist mang tới cơ hội để trò chuyện với một chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Đó cũng có thể là phòng thí nghiệm ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.

Những chuyến dã ngoại ảo

Chúng sẽ giúp bối cảnh trong các cuốn sách của trẻ trở nên sống động. Chẳng cần vé ô tô, máy bay. Trang Common Sense Media đã tổng hợp nhiều nguồn khác nhau để trẻ trải nghiệm dã ngoại trên màn hình truyền thống và thực tế ảo.

Cung cấp liên tiếp các tác động về giác quan cho trẻ

Để thấu hiểu trọn vẹn hành trình của James vào tâm quả đào khổng lồ, trẻ cần thực sự chạm, nếm, ngửi một trái đào thật. Hãy tạo thật nhiều cơ hội để trẻ trải nghiệm thế giới qua các giác quan. Cho trẻ nghe nhiều bài hát khác nhau, để trẻ hít thở nhiều mùi hương khác nhau, chạm vào thiên nhiên hay ngắm nhìn một bức tranh đẹp. Kiến thức nền sẽ dần được tích luỹ bên trong trẻ.

Những chuyến đi thực tế

Thăm quan bảo tàng, triển lãm, thư viện, di tích lịch sử, thắng cảnh… chắc chắn là những hoạt động giúp tích luỹ kiến thức nền hiệu quả. Và đặc biệt, phần lớn trẻ đều thích những hoạt động này.

17 cách xây dựng kiến thức nền, giúp trẻ thuần thục kỹ năng đọc (Ảnh: Still Waters Learning Center)
Ảnh: Still Waters Learning Center

Dùng sách tranh cho trẻ mọi lứa tuổi

Bất kể trẻ lớn thế nào, những cuốn sách tranh vẫn luôn hấp dẫn. Đó là cách hữu hiệu để xây dựng kiến thức nền của trẻ về thế giới xung quanh.

Đừng bỏ qua những phần thông tin bổ sung

Rất nhiều cuốn sách nhanh có cả phần lời nhắn của tác giả, bản đồ, công thức, gợi ý hoạt động, dòng thời gian. Hãy thử chia sẻ thông tin này trước khi đọc sách. Sau đó, đọc lại cuốn sách với những thông tin đã ghi nhớ đó.

Sử dụng các chùm văn bản

Nhiều văn bản đa dạng về cùng một chủ đề sẽ giúp tích luỹ vốn từ vựng và kiến thức nền. Các thể loại, định dạng khác nhau như sách tranh, thơ, bài báo và tiểu thuyết có minh hoạ mang tới các cơ hội này. Newsela là trang web thích hợp để bạn áp dụng lời khuyên này.

Liên hệ thông tin và các câu chuyện với sách tiểu sử

Nhân dịp một ngày lễ, một tháng đặc biệt hay chỉ bởi con bạn mê bóng rổ, tiểu sử cung cấp kiến thức tuyệt vời về nhiều khía cạnh lịch sử và nhân vật liên quan.

17 cách xây dựng kiến thức nền, giúp trẻ thuần thục kỹ năng đọc (Ảnh: The Best Children's Books!)
Ảnh: The Best Children’s Books!

Những điểm dừng có chủ ý trong quá trình đọc sách

Thay vì tải sẵn thông tin về mọi thứ trẻ cần biết để hiểu về một văn bản, hãy tạo cơ hội để trẻ thu thập kiến thức khi đọc. Trung tâm Nghiên cứu Đọc Iowa gợi ý biện pháp cung cấp “vừa đủ” thông tin nền tại một số điểm ngừng đọc.

Phân công và chinh phục

Thay vì để một mình trẻ nỗ lực lấp đầy mọi lỗ hổng để xây dựng kiến thức nền, bạn hãy chia nhỏ công việc ra. Đề nghị anh/chị/em của trẻ giúp sức. Việc này cũng có thể được thực hiện bởi cả gia đình bạn. Mỗi người một nhiệm vụ tìm hiểu về chủ đề được chọn. Sau đó, cùng chia sẻ những gì mình tìm kiếm được. Kiến thức nền sẽ được xây dựng trên cơ sở vững bền. Không chỉ cho một mình trẻ. Mà còn cho cả nhà.

Truyền dạy kinh nghiệm

Hãy đề nghị trẻ lớn hơn chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các em bé. Đó có thể là kinh nghiệm tiến hành một thí nghiệm, giải thích một khái niệm quan trọng…

Tận dụng giá trị của video

Video clip về nhiều chủ đề khác nhau sẽ gây ấn tượng sâu đậm cho trẻ trong quá trình đọc. Bạn có thể tham khảo video thuộc mục Watch and Learn của Scholastic. Chúng đều ngắn gọn và miễn phí.

17 cách xây dựng kiến thức nền, giúp trẻ thuần thục kỹ năng đọc (Ảnh: Scholastic)
Ảnh: Scholastic

Xây dựng kiến thức nền về cảm nhận, cảm giác, cảm xúc

Đôi khi, kiến thức nền để hiểu một cuốn sách không thuộc chủ đề cụ thể nào. Mà nó liên quan tới các trải nghiệm cảm xúc của nhân vật. Trẻ được giáo dục để tích luỹ nhiều cảm xúc sẽ tiếp cận sách ở mức độ sâu sắc hơn.

Tự đánh giá kiến thức nền trước khi đọc

Việc này giúp trẻ xác định những lỗ hổng trong kiến thức của mình. Bạn có thể giúp con nhận ra những gì mình còn chưa biết, từ đó, trẻ sẽ chủ động hơn khi đọc sách.

Đánh giá tài liệu đọc trong mối liên hệ với phông văn hoá của trẻ

Kiến thức nền mà trẻ tích luỹ được có liên quan tới phông văn hoá. Đừng quên đề nghị trẻ xem cuốn sách mình đọc tương thích thế nào với đời sống thực của trẻ. Nếu phát hiện có nhiều điểm cần bổ sung, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc lên kế hoạch củng cố kiến thức nền cho con.

Mời gọi sự trợ giúp từ bạn bè chuyên gia

Mỗi người có thế mạnh và chuyên môn riêng. Nếu có thể, hãy đề nghị bạn bè của mình trợ giúp trong quá trình tích luỹ kiến thức nền cho con bạn. Ví dụ, khi đọc seri Track của tác giả Jason Reynold, sẽ tuyệt vời biết bao nếu bạn mời được một người quen là vận động viên điền kinh tới chia sẻ thực tế. Trẻ sẽ tận mắt, tận tai được chứng kiến, được nghe về những điều hữu ích liên quan trực tiếp tới cuốn sách.

Những cuộc phỏng vấn

Đề nghị trẻ thực hiện phỏng vấn người thân trong gia đình, bạn bè… về các cuốn sách trẻ đã đọc. Những thông tin, chia sẻ thú vị mà trẻ thu thập được trong quá trình phỏng vấn đều rất hữu ích. Chúng chính là một phần trong tổng thể kiến thức nền mà trẻ sẽ dần tích luỹ.

Theo We Are Teachers

Xây dựng kiến thức nền cho trẻ như thế nào?

Vận dụng kiến thức nền và liên tưởng, kết nối – Phương pháp đọc hiểu cần thực hành liên tục

> Cách chọn sách giúp trẻ mở rộng kiến thức nền

Hướng dẫn chi tiết các phương pháp, kỹ năng đọc hiểu quan trọng