12 phương pháp tạo động lực học tập cho trẻ

Phần lớn học sinh giỏi không phải sinh ra đã là người học tốt.
Tính cách cá nhân đóng vai trò lớn trong tâm thế sẵn sàng học tập và khuynh hướng
của trẻ đối với học vấn và giáo dục nói chung. Quan trọng hơn, bất cứ học sinh
nào sở hữu thái độ và động lực đúng đắn, đều có thể trở thành người học tốt.

Một trong những sai lầm lớn nhất mà giáo viên và phụ huynh
thường mắc phải là giới hạn việc học hỏi của trẻ chỉ trong lớp học. Dù là nguồn
cung cấp chỉ dẫn chính yếu, sự phát triển học vẫn, xã hội, trí tuệ của một đứa
trẻ nên nên vượt ra ngoài không gian lớp học. Nhất là trong trường hợp bạn muốn
thực sự củng cố khao khát và khả năng học hỏi nơi con.

Để tạo động lực học tập vững bền cho trẻ, cha mẹ có thể tham
khảo những phương pháp dưới đây:

Phát triển môi trường đọc sách

Trẻ yêu thích đọc sách sẽ phát triển tình yêu học tập. Trẻ gặp khó khăn với việc đọc sách, cũng sẽ gặp khó khăn với việc học.

Đọc sách không chỉ giúp trẻ phát triển vốn từ vựng phong phú hơn nhiều, nó còn giúp não bộ học cách xử lý các khái niệm và giao tiếp chính thống. Nhờ những kỹ năng tích luỹ được từ đọc sách, trẻ học tập tốt hơn các môn nghệ thuật ngôn ngữ, cả các môn kỹ thuật như Toán và Khoa học.

Để trẻ đắm chìm trong thế giới sách và đọc sách là cách giúp con bạn phát triển kỹ năng đọc cũng như tình yêu đọc.

  • Đề nghị con đọc to các câu chuyện.
  • Dành thời gian nhất định trong ngày để cả gia đình cùng đọc sách (20 phút/ngày).
  • Làm gương cho con
  • Chuẩn bị nhiều nguyên liệu đọc trong nhà (tiểu thuyết, poster, báo, tạp chí…)

Chìa khoá để phát triển những người đọc giỏi là biến việc đọc sách trở nên vui vẻ, chứ không phải áp lực.

Nếu một đứa trẻ thấy đọc sách là nhàm chán hay bị bắt đọc, trẻ sẽ không muốn duy trì thói quen hữu ích này. Khả năng học tập vì thế mà bị suy giảm. Hãy để trẻ tự chọn sách, giúp trẻ đọc và sáng tạo hoạt động đọc sách để trẻ hiểu kỹ, nhớ sâu.

Ảnh: ScienceAlert

Tạo điều kiện để trẻ giữ vai trò chủ động trong việc học càng
nhiều càng tốt

Khi trẻ cảm thấy không thể kiểm soát việc học của mình trẻ
thường chọn cách rút lui khỏi việc học. Vì vậy, cho phép trẻ kiểm soát quá trình
học tập của chính mình cũng quan trọng không kém việc bạn chỉ dẫn trẻ đi qua quá
trình đó. Cụ thể, cha mẹ hãy đưa ra các lựa chọn cho trẻ. Ví dụ: khi giao bài tập
viết, bạn để trẻ tự lựa chọn chủ đề mình muốn viết.

Tương tự với các hoạt động ngoại khoá. Việc tự chọn hoạt động
yêu thích sẽ tăng khả năng gắn bó và sự chăm chỉ luyện tập, vốn rất cần thiết để
trẻ thành thạo hoạt động đó.

Khích lệ sự trao đổi cởi mở và chân thành

Động viên con bạn bày tỏ ý kiến của mình về việc học tập. Tạo
ra môi trường cởi mở, nơi trẻ cảm thấy thoải mái khi diễn tả cảm xúc, suy nghĩ,
lo ngại, băn khoăn. Khi trẻ chia sẻ, không bao giờ phán xét, chỉ trích cảm xúc
của trẻ – ngay cả khi bạn không đồng tình. Nếu cảm thấy ý kiến mình đưa ra chẳng
có nghĩa lý gì, trẻ sẽ cảm thấy chán nản việc học.

Ảnh: Pure Flix Insider

Tập trung vào sở thích của trẻ

Khi được học những lĩnh vực, chủ đề yêu thích, việc học với
trẻ trở nên đặc biệt vui thích. Nếu bạn thực sự muốn con học giỏi, học tốt, hãy
khích lệ con khám phá những điều gây hứng thú cho con. Bé thích khủng long? Hãy
tìm cho con thật nhiều cuốn sách, câu chuyện hay về khủng long. Sau đó, thử thách
con xác định 5 loài khủng long con yêu thích và lý giải tại sao con chọn như vậy.

Giới thiệu và khích lệ nhiều phong cách học tập khác nhau

Mỗi đứa trẻ có một sở thích và phong cách học tập riêng, phù
hợp với mình. Một số trẻ có phong cách học nổi trội. Những trẻ thích thích kết
hợp nhiều phong cách. Không có đúng, sai ở đây. Nhưng nếu giúp con tìm ra được
cách học tốt nhất, hợp nhất, tốc độ và chất lượng học của con chắc chắn tăng lên.

Có 7 phong cách học tập cơ bản:

  1. Học qua thị giác: Bạn thích dùng tranh ảnh và có sự hiểu biết sâu sắc về không gian
  2. Học qua thính giác: Bạn thích sử dụng âm thanh và âm nhạc để học
  3. Học hỏi bằng lời nói: Bạn thích sử dụng ngôn từ, kể cả những bài phát biểu và bài viết
  4. Học hỏi qua hoạt động thể chất: Bạn thích sử dụng cơ thể, các hoạt động thể chất
  5. Học hỏi bằng logic: Bạn thích sử dụng logic, suy luận và sự hệ thống
  6. Thiên hướng xã hội: Bạn thích hoạt động trong các nhóm, với người khác
  7. Định hướng cá nhân: Bạn thích làm việc một mình
Ảnh: eLearning Infographics

Chia sẻ với con đam mê học tập của bạn

Nếu bạn thích học, say học thì khả năng cao con bạn cũng sẽ
như vậy. Cho dù là lịch sử, khoa học, đọc, viết hay toán, hãy giúp trẻ nhận thấy,
học tập là quá trình của những khám phá mới thú vị. Tận dụng mọi cơ hội – mà không
gây quá tải – để khám phá thông tin mới với con.

Làm cho trẻ vui học thông qua các trò chơi

Học qua chơi không phải khái niệm mới. Nó có thể mang lại nhiều lợi ích. Sử dụng trò chơi như một công cụ giáo dục không chỉ tạo cơ hội để trẻ học sâu hơn và phát triển các kỹ năng, nó còn tạo động lực cho trẻ. Khi trẻ chủ động tham gia một trò chơi, tâm trí trẻ trải nghiệm niềm hứng khởi khi học về một hệ thống mới. Điều này đúng, bất kể trò chơi đó được xếp loại “chỉ để “giải trí” (video game) hay “nghiêm túc” (trò chơi giáo dục).

Học qua chơi là cách tuyệt vời để cha mẹ/thầy cô giới thiệu ý tưởng, ngữ pháp, khái niệm và khái niệm mới khiến trẻ say mê.

Ảnh: The Speechies

Tập trung vào những gì trẻ học được chứ không phải kết quả bài
kiểm tra

Thay vì hỏi con làm bài kiểm tra toán thế nào ngay khi con về
nhà, hãy để con dạy bạn kiến thức Toán mà con vừa học hôm nay. Tất nhiên, không
thể phủ nhận vai trò của điểm số, tập trung vào trải nghiệm học tập giúp trẻ hiểu
rằng:

  • học tập thực chất quan trọng hơn điểm bài kiểm tra/bài thi
  • kết quả không phải thứ quan trọng nhất
  • bạn quan tâm tới con nhiều hơn tới điểm của con

Và một điều tuyệt vời nữa: bạn mang đến cơ hội để trẻ diễn
giải lại bằng khả năng hiểu của mình những điều đã được học.

Giúp trẻ biết cách sắp xếp gọn gàng, có tổ chức

Lộn xộn, bừa bãi là đặc điểm chung của nhiều trẻ độ tuổi tới
trường. Nhưng nó có thể dẫn tới hậu quả là cảm giác choáng ngợp, từ đó, khiến
trẻ dễ chản nản và không hào hứng với việc học. Hãy thật kiên trì khi giúp con
rèn luyện tính ngăn nắp, cẩn thận với việc sắp xếp đồ dùng học tập, bài tập… Một
khi có thể kiểm soát việc học, trẻ sẽ giảm cảm giác choáng ngợp và có động lực
học hơn.

Nhận diện và chúc mừng thành tựu của trẻ

Dù thành tựu đó có nhỏ bé thế nào, quan trọng là bạn nhận ra
và chia sẻ niềm vui với con. Điều này đặc biệt quan trọng khi trẻ ở độ tuổi Tiểu
học. Lúc này, trẻ vẫn cần được củng cố tích cực một cách thường xuyên để có thể
duy trì động lực học tập và thử thách bản thân làm tốt hơn. Tất nhiên, bạn không
cần và cũng không nên khen thưởng con vô tội vạ. Hoàn thành một dự án khó xứng đáng
để con nhận được một phần thưởng đặc biệt. Làm tốt bài kiểm tra toán có thể đồng
nghĩa với một chuyến đi ăn kem.

Ảnh: Kids In Transition To School

Tập trung vào ưu điểm của trẻ

Việc này có thể không hề dễ dàng đối với các bậc cha mẹ. Nhất
là khi con còn quá nhiều thiếu sót. Nhưng tập trung vào điểm mạnh có ý nghĩa
thiết yếu với sự phát triển cảm xúc, học vấn lành mạnh của trẻ. Đây là một dạng
củng cố tích cực khác, giúp tạo động lực học tập cho trẻ. Ngược lại, nếu chăm
chăm soi xét điểm yếu của con không giúp ích gì ngoài huỷ hoại niềm vui thích học
tập. Con bạn vừa bị điểm kém bài kiểm tra Toán sao? Ngoài việc trợ giúp con để điều
chỉnh lại việc học Toán, hãy nhớ chúc mừng vì con đã làm rất tốt với bài kiểm
tra Khoa học.

Biến mỗi ngày thành một ngày học hỏi

Nghe có vẻ quá nhiều nhưng thực sự không đến nỗi vậy, nếu bạn
làm đúng cách. Bất cứ khi nào có thể, hãy động viên con khám phá thế giới quanh
mình, đặt câu hỏi và tạo sự kết nối. Giúp con phân loại, chọn nhóm và tư duy phản
biện về những gì nhìn thấy và trải nghiệm. Biến mỗi ngày thành một ngày học hỏi
giúp trẻ phát triển động cơ bên trong để học ở lớp, ở nhà, ở bất cứ nơi đâu.

Theo Education Corner

> Cha mẹ Ấn tạo động lực cho con như thế nào?

> 7 thói quen của người có khả năng tự học tuyệt vời

> Khen thưởng tạo động lực cho trẻ như thế nào?

> Tham khảo các bài viết chủ đề Tạo động lực cho con