10 thói quen học tập siêu hiệu quả

Chìa khoá nằm ở chỗ học tập thông minh hơn chứ không phải
theo kiểu “cày cuốc” miệt mài hơn. Và điều này sẽ càng đúng khi trẻ học lên các
bậc cao. 1-2 giờ học/ngày thường là đủ để vượt qua cấp phổ thông. Nhưng khi trẻ
bước vào đại học, nếu không biết cách học thông minh thì nguy cơ cao là con bạn
luôn trong trạng thái thiếu thời gian.

Dưới đây là 10 thói quen học tập thường thấy ở những học
sinh có khả năng học tập hiệu quả cao. Nếu bạn muốn con thành công, hãy động viên
con đừng từ bỏ mà kiên trì áp dụng ccs thói quen này. Kết quả sẽ là:

  • điểm số tăng lên
  • kiến thức tăng lên
  • khả năng học và xử lý thông tin cũng được cải thiện
10 thói quen của những học sinh học tập siêu hiệu quả  (Ảnh: Mind Power Hypnosis)
Ảnh: Mind Power Hypnosis

Đừng cố gắng nhồi nhét việc học vào trong một buổi

Con bạn thường phải thức tới khuya, nỗ lực hết sức để mắt không
díp lại và hoàn thành bài tập? Đã đến lúc cần thay đổi. Học sinh học tập hiệu
quả thường chia tách việc học thành từng phần để hoàn thành theo các khoảng thời
gian ngắn hơn. Họ hiếm khi ôm đồm mọi việc học vào chỉ trong 1-2 buổi. Như vậy,
bí quyết chính là các quãng học ngắn nhưng đều đặn và tập trung.

Lên kế hoạch học tập

Đây là kỹ năng vô cùng cần thiết để học tập và làm nhiều công
việc khác thành công. Những bạn giỏi học luôn biết lên lịch cho các hoạt động học
tập trong tuần và tuân thủ thời khoá biểu đó. Những bạn học hành ngẫu hứng, không
duy trì đều đặn thường không đạt kết quả mong muốn. Một lưu ý nhỏ: ngay cả khi đã
thành thạo việc lên lịch học mỗi tuần, hãy dành một khoảng thời gian để xem xét
lại lịch học này. Như vậy, trẻ có thể đảm bảo đưa ra những điều chỉnh cần thiết
sao cho hiệu quả học tập không bị giảm sút.

Ảnh: John McKenzie Hypnotherapist

Học vào cùng một thời điểm mỗi ngày

Việc lặp đi lặp lại này giúp biến việc học tập trở thành một
phần đều đặn trong cuộc sống thường ngày. Cả về cảm xúc lẫn tinh thần, trẻ sẽ sẵn
sàng hơn cho mỗi buổi học. Nếu phải thay đổi lịch trình do có sự kiện đột xuất,
hãy đưa trẻ trở về lịch học thường ngày sớm nhất có thể.

Mỗi buổi học nên có một mục tiêu cụ thể

Học mà không có định hướng thì không hiệu quả. Trẻ cần biết chính xác mình cần hoàn thành điều gì trong mỗi buổi học. Trước khi học, đặt ra một mục tiêu cụ thể. Ví dụ: ghi nhớ 10 từ tiếng Anh mới chủ đề môi trường. Nhờ đó, việc học dễ đi đúng hướng và đạt kết quả như ý hơn.

Không bao giờ trì hoãn buổi học đã lên lịch từ trước

Do thiếu cảm hứng với môn học, có những việc khác phải làm
hay đơn giản là bài khó quá, trẻ thường bỏ qua buổi học đó. Nhưng học sinh thành
công KHÔNG BAO GIỜ trì hoãn việc học. Sự trì hoãn thường đi kèm với hậu quả “nước
đến chân mới nhảy”. Và rõ ràng, khi vội vã, sự chỉn chu không còn nữa. Nguy cơ
mắc lỗi là rất cao.

Ảnh: Information Studies

Bắt đầu bằng môn học khó nhất trước

Ly do là bài tập/môn học khó nhất đòi hỏi nỗ lực và sự tập
trung nhiều nhất. Một khi đã hoàn thành, việc làm phần bài tập còn lại trở nên
dễ dàng hơn nhiều. Tin hay không tuỳ bạn nhưng bắt đầu học từ bài khó nhất sẽ cải
thiện hiệu quả học tập rất nhiều.

Luôn xem lại kiến thức trước khi bắt tay làm bài

Những ghi chép về bài học cần được xem lại một cách kỹ lưỡng.
Nhờ đó, trẻ sẽ biết cách hoàn thành bài tập đúng hướng, tránh tình trạng phải
giở lại lý thuyết để đọc và điều chỉnh cách giải bài.

Đảm bảo trẻ không bị xao nhãng trong lúc học

Mọi người đều có thể bị thứ gì đó làm cho phân tán tư tưởng.
Tivi hoặc các thành viên khác trong gia đình. Không gian quá tĩnh lặng cũng có
thể là “thủ phạm” khiến trẻ thiếu tập trung. Thực tế, một số người học “vào” hơn
với một chút tiếng ồn phù hợp (tiếng ồn trắng). Khi trẻ cảm thấy thiếu tập
trung, hiệu quả học tập chắc chắn không thể cao. Vì vậy, trước khi bắt đầu học,
hãy chọn nơi phù hợp để không dễ dàng bị xao lãng.

Ảnh: theIndusparent

Tận dụng lợi ích của học nhóm

Học nhóm có thể giúp trẻ nhận được sự trợ giúp từ các bạn với
một vấn đề khó. Từ đó, tăng khả năng hoàn thành bài học tốt hơn. Không phải vô
cớ mà có câu nói: “Học thày không tày học bạn”. Tuy nhiên, nếu không có tổ chức
tốt, các thành viên không có tâm thế sẵn sàng thì học nhóm dễ dàng thất bại.

Xem lại các kiến thức đã học, các bài tập, dự án được giao vào
cuối tuần

Thời điểm kết thúc mỗi tuần làm việc không chỉ để dành cho
việc thư giãn, giải trí. Người học tập hiệu quả luôn biết dành một khoảng thời
gian cuối tuần để xem xét, nhìn nhận lại toàn bộ quá trình học trong tuần qua.
Nhờ đó, trẻ sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho việc học trong tuần mới, vốn được xây đắp
từ các kiến thức vừa tích luỹ được.

Theo Education Corner

> 4 bước của quá trình tự học

> 7 thói quen của người có khả năng tự học tuyệt vời

> Tham khảo bài viết về các Kỹ năng học tập