Dùng bản đồ tư duy cải thiện kỹ năng đọc hiểu

Đọc hiểu là quá trình đa diện. Theo “Literacy in the Early Grades” của tác giả Gail E. Tompkins, nó tuỳ thuộc vào:

  • sự phát triển nhận thức,
  • trải nghiệm,
  • kiến thức nền về một chủ đề,
  • khả năng suy luận…

Đó có thể là lý do khi bạn tra mạng “cách cải thiện đọc hiểu”, bạn sẽ bị dội bom bởi vô số bài chỉ dẫn. Thật may khi có một kỹ thuật vừa đơn giản vừa hiệu quả bạn có thể áp dụng: lập bản đồ tư duy Mind Maps.

Dùng bản đồ tư duy Mind Maps cải thiện kỹ năng đọc hiểu (Ảnh: Whooo's Reading)

Bản đồ tư duy là gì?

Bản đồ tư duy là một sơ đồ, một cách tổ chức thông tin bằng hình ảnh – graphic organizers. Nó giúp trẻ:

  • hình ảnh hoá những gì mình đọc
  • và phát hiện mối liên hệ giữa các mẩu thông tin riêng lẻ.

Trong bản đồ tư duy điển hình, bạn luôn tìm thấy chủ thể (ở đây là tựa đề cuốn sách “Tiếng gọi nơi hoang dã”) nằm nổi bật ở vị trí trung tâm. Từ đó, tỏa ra các nhánh thể hiện các ghi chú, ý tưởng, từ khoá.

Bản đồ tư duy cải thiện khả năng đọc hiểu như thế nào?

Trước hết, hãy xem xét một phương pháp giúp cải thiện đọc hiểu truyền thống: ghi chú trong khi đọc. Quá trình ghi chú này rất đơn điệu. Trẻ lại phải viết cả câu, vốn không cần thiết, tốn thời gian.

Trong khi đó, bản đồ tư duy có rất nhiều lợi ích trong việc giúp trẻ hiểu và ghi nhớ thông tin đã đọc. Đó là:

  1. Bản đồ tư duy giúp trẻ sắp xếp, tổ chức suy nghĩ của mình. Ý tưởng hay chủ đề có lớn hay phức tạp đến đâu, bản đồ tư duy vẫn sẽ đưa chúng vào trật tự.
  2. Bản đồ tư duy giúp có cái nhìn toàn cảnh rõ ràng về một chủ đề. Trẻ có thể nhận ra bức tranh lớn hơn, tìm thấy các kết nối và phát hiện quan hệ tầng bậc giữa các thông tin đơn lẻ.
  3. Bản đồ tư duy củng cố khả năng ghi nhớ bằng cách tận dụng những yếu tố kích thích thần kinh như màu sắc, hình ảnh, cấu trúc 2 chiều. Với bản đồ tư duy, trẻ dùng các từ khoá riêng lẻ thay cho cả câu. Nhờ đó, trẻ có thể xem xét các khái niệm, ý tưởng cốt lõi chỉ trong nháy mắt.

5 khía cạnh chủ chốt của một bản đồ tư duy áp dụng khi đọc hiểu

1. Thông tin tổng quát

Trẻ sử dụng phần này để thu thập:

  • thông tin về tác giả,
  • thời điểm tác giả sống,
  • tiểu sử của tác giả
  • và tất cả những yếu tố này có thể ảnh hưởng tới cuốn sách ra sao

Những mối liên hệ giữa cuộc đời của tác giả và các phần trong sách có thể được hình ảnh hoá bằng các mũi tên.

Bối cảnh câu chuyện cũng sẽ được thể hiện. Tuỳ thuộc từng cuốn sách, có thể cần xem xét tổng quan về tất cả các chương rồi tạo bối cảnh cho từng chương.

2. Nhân vật

Hiểu các văn bản hư cấu phần lớn là hiểu về nhân vật; động cơ của họ, điều họ quan tâm, cách họ kết nối với nhau.

Sử dụng bản đồ tư duy, trẻ có thể hình ảnh hoá mối quan hệ giữa các nhân vật, cả trên bề mặt (VD: Mercedes là chị của Hal) và cấp độ văn chương (VD: Buck là nhân vật chính, Spitz là đối thủ của nhân vật chính).

3. Cốt truyện

Bạn có thể giúp trẻ nhận diện các điểm trong cốt truyện, sử dụng các mẫu bản đồ tư duy. Trẻ sẽ điền thông tin vào các phần để trống.

4. Từ mới

Trở ngại chính trong đọc hiểu là từ mới. Để đảm bảo trẻ hiểu và ghi nhớ mọi từ mới (thay vì đơn giản là lướt qua chúng), hãy nói với trẻ thêm vào bản đồ tư duy các thuật ngữ trẻ không hiểu. Có thể dùng 1 nhánh riêng đặt tên là Từ mới hoặc như một phần của nhánh về chủ đề, chủ điểm, chương, nhân vật mà từ đó liên quan.

5. Chủ đề, mô-típ và biểu tượng

Với việc phân tích văn chương chuyên sâu hơn, hướng dẫn trẻ tạo ra 1 nhánh cho chủ đề, mô-típ và biểu tượng. Bổ sung định nghĩa để nhắc trẻ về ý nghĩa của các thuật ngữ.

Lưu ý khi dạy trẻ áp dụng bản đồ tư duy, cải thiện khả năng đọc hiểu

  1. Hướng dẫn trẻ các nguyên tắc lập bản đồ tư duy tại Mind Mapping 101.
  2. In ra các mẫu bản đồ tư duy đọc hiểu cho trẻ. Bạn có thể tự sáng tạo hoặc tham khảo các mẫu tại đây.
  3. Khích lệ trẻ tự tạo bản đồ tư duy hoặc tuỳ chỉnh mẫu của bạn để phục vụ nhu cầu của riêng mình.
  4. Đề nghị trẻ chia sẻ bản đồ tư duy của trẻ cho bạn để đưa ra những nhận xét kịp thời. Sử dụng phần mềm lập bản đồ tư duy như MindMeister, bạn có thể xem toàn bộ lịch sử những thay đổi của một bản đồ tư duy. Từ đó, biết được, nó đã được điều chỉnh như thế nào và mức độ hiểu của trẻ thay đổi như thế nào qua từng cuốn sách.
  5. Đề nghị trẻ dựa trên bản đồ tư duy để thuyết trình về cuốn sách mình đã đọc.
  6. Khích lệ trẻ áp dụng bản đồ tư duy vào các môn học khác.

* Xem phiên bản kích cỡ lớn hơn của các bản đồ tư duy áp dụng khi đọc hiểu “Tiếng gọi nơi hoang dã” tại đây.

Theo Blog Whooo’s Reading

Tham khảo các kỹ năng, phương pháp đọc hiểu