7 thói quen của người có khả năng tự học tuyệt vời

Duy trì những thói quen như quy tắc 5 giờ của Benjamin Franklin, quy tắc 80/20 và phương pháp đặt mục tiêu SMART giúp bạn tự học thành công.

Mọi người dễ bị thu hút bởi câu chuyện về những cá nhân đã từ bỏ giáo dục truyền thống nhưng vẫn trở thành những tượng đài trong lĩnh vực của mình. Bill Gates, Ellen DeGeneres, Anna Wintour, Henry Ford, John D. Rockefeller – không ai trong số họ từng có bằng đại học. Nhưng họ vẫn đạt được mọi danh tiếng và mức độ thành công thì chỉ ít người mới bì kịp. Họ đã làm thế nào? Câu trả lời nằm ở chỗ: Họ chính là những người có khả năng tự học.

7 thói quen của những người có khả năng tự học tuyệt vời (Ảnh: Happiness is here)
Ảnh: Happiness is here

Ngày nay, tự học đã bớt đi tính chất của một giá trị văn hoá mà thêm nhiều hơn tính chất của một tài sản kinh tế. Tri thức mới dồn dập đến mà các ngành nghề thì thay đổi chóng mặt. Con đường giáo dục truyền thống không thể nào theo kịp. Trừ khi chuyên môn của bạn là nghệ thuật gốm sứ Hy Lạp cổ đại, có khả năng cao là bằng tốt nghiệp của bạn sẽ hết thời trước cả khi ráo mực. Sau đây là bí quyết của những người có khả năng tự học và đã thành công. Nếu hữu ích, bạn hãy áp dụng chúng để nâng cao hiệu quả học tập của mình.

Làm chủ việc học của bạn

Malcolm Knowles là một nhà giáo dục và chuyên gia về giáo dục học người lớn. Ông mô tả tự học là quá trình “mỗi cá nhân giữ vai trò chủ động, có hoặc không có sự trợ giúp từ người khác, xác định nhu cầu học tập của mình, hình thành mục tiêu học tập, nhận biết các nguồn lực vật chất và con người cho việc học, lựa chọn và triển khai các phương pháp học tập thích hợp và đánh giá kết quả học tập”.

Những thói quen được giới thiệu ở đây đều liên quan tới tất cả những điểm trên. Nhưng bước đầu tiên là luôn giữ vai trò chủ động với việc học.

7 thói quen của những người có khả năng tự học tuyệt vời (Ảnh: Trans4mind)
Ảnh: Trans4mind

Theo lý giải của Salman Khan, người sáng lập Khan Academy, thói quen này không khác nhiều so với việc học tập ở phổ thông hay đại học. Về bản chất, trong hệ thống giáo dục truyền thống, người ta tạo ra một bối cảnh, trong đó, bạn cần phải tiếp cận thông tin và làm tự mình làm chủ thông tin đó.

Với người tự học, họ cần tạo ra bối cảnh cho chính mình. Họ làm việc này bằng cách tiếp cận quá trình học tập bằng tư duy mở. Giáo dục truyền thống có thể vô tình tạo khuôn cho học sinh, khiến họ bị hạn chế trong lối tư duy đóng. Cụ thể hơn, học sinh được cho là giỏi giang bẩm sinh ở một môn học nào đó hoặc không và điểm số sẽ phản ánh điều này. Trong khi đó, học sinh có tư duy mở biết rằng, tiến bộ là hoàn toàn có thể, cho dù nó chẳng hề dễ dàng để đạt được..

Đặt mục tiêu theo phương pháp SMART

Một khi đã có tiền đề trên, bạn cần biết cách đặt mục tiêu. Nếu không, sẽ khó đạt được phần thưởng/thành tựu mà phần thưởng/thành tựu lại cần thiết để duy trì động lực.

Những người tự học giỏi nhất cũng sở hữu kỹ năng đặt mục tiêu theo phương pháp SMART. Bất cứ mục tiêu nào của bạn đều phải đáp ứng các tiêu chí:

  • Specific: Cụ thể
  • Measurable: Có thể đo lường được
  • Action-oriented: Định hướng bằng hành động
  • Realistic: Khả thi
  • Time-defined: Có xác định khoảng thời gian
7 thói quen của những người có khả năng tự học tuyệt vời (Ảnh: Brian Tracy)
Ảnh: Brian Tracy

Chú ý thật kỹ tới kỹ năng quản lý thời gian thực tế. Tự học, một cách khái quát, chính là học trong những lúc ngoài giờ ít ỏi và quý giá. Tự học lập trình thật tuyệt. Nhưng cố gắng học lập trình video game trong vòng một năm có vẻ hơi nặng. Vậy hãy chia nhỏ mục tiêu đó thành những nhiệm vụ có thể hoàn thành được và cho mình thời gian để hoàn thành.

Trường hợp bạn tò mò thì đối ngược với mục tiêu SMART là VAPID. Đó là mục tiêu:

  • Vague: Mơ hồ, không rõ ràng
  • Amorphous: Không định hình được
  • Pie-in-the-sky: Viển vông
  • Irrelevant: Không tương xứng, không thích hợp
  • Delayed: Bị trì hoãn

Quy tắc 5 giờ của Benjamin Franklin

Benjamin Franklin là một tác giả, chính khác, nhà phát minh và doanh nhân. Ông cũng bỏ học năm 10 tuổi. Làm thế nào ông có thể tích luỹ được những kiến thức cần thiết để thành công trong nhiều lĩnh vực đến vậy trong khi rất ít đến trường? Bí quyết nằm ở chỗ: Franklin dành riêng 1 giờ mỗi ngày trong tuần để học thật sâu, thật kỹ. Ông thường đọc, viết, nghiền ngẫm hoặc tiến hành các thí nghiệm trong khoảng thời gian này.

7 thói quen của những người có khả năng tự học tuyệt vời (Ảnh: Pinterest)
Ảnh: Pinterest

Tác giả Michael Simmons gọi đây là quy tắc 5 giờ của Franklin. Ông lưu ý thêm rằng, nhiều người có khả năng tự học giỏi nhất đã sử dụng một dạng nào đó của phương pháp này. Bill Gates đọc tầm một cuốn sách mỗi tuần. Còn Arthur Blank dành ra 2 tiếng đọc sách mỗi ngày.

Hãy đảm bảo sẽ dàn đều tổng thời gian 5 tiếng của bạn ra suốt tuần. Não bộ không được thiết kế để cho việc nhồi nhét. Vì vậy, cố gắng dồn cả 5 tiếng học kỹ nghĩ sâu của tuần vào trong một ngày chỉ khiến bạn quên đi phần lớn những thứ định học mà thôi. Bên cạnh đó, hệ thần kinh của não bộ cần thời gian để xử lý thông tin. Đây là lý do mà việc trải đều thời gian học tập ra thành các quãng giúp chúng ta ghi nhớ các tài liệu khó một cách hiệu quả hơn.

Học chủ động

Salman Kahn đã sáng lập Kahn Academy để thu hút người học bằng các bài tập mà họ có thể tự làm. Học chủ động, theo lời ông, giúp học sinh hiểu rõ hơn về tài liệu và biết khi nào thì áp dụng kỹ năng nào.

7 thói quen của những người có khả năng tự học tuyệt vời (Ảnh: Teachonline (ASU) - Arizona State University)
Ảnh: Teachonline (ASU) – Arizona State University

Thật dễ dàng để tiến hành một cách chủ động việc làm vườn hay giải toán. Nhưng còn với những môn học như lịch sử – khi sự tiếp xúc đến chủ yếu qua đọc sách – thì sao? Bill Gates có một giải pháp cho vấn đề này. Ông dùng phương pháp ghi chú bên lề sách để biến việc đọc thành một cuộc đối thoại sống động với tác giả.

“Khi đọc, bạn phải coi trọng việc bạn cần thực sự tập trung”, Gates chia sẻ. “Đặc biệt nếu đó là một cuốn sách phi hư cấu, bạn có lĩnh hội kiến thức mới và gắn nó vào với những kiến thức mà bạn có không? Với tôi, ghi chú giúp đảm bảo rằng tôi thực sự suy nghĩ về những thứ được nói tới trong sách”.

Đặt ưu tiên (quy tắc 80/20)

Đầu thế kỷ 20, nhà kinh tế học Italia Vilfredo Pareto để ý thấy, 20% dân số Ý sở hữu 80% đất đai của quốc gia này. Phân tích của ông sau đó được mở rộng thành nguyên lý Pareto hay còn gọi là quy tắc 80/20. Quy tắc này nhấn mạnh khái quát rằng, 80% kết quả của bạn bắt nguồn từ 20% hành động của bạn.

Những người có khả năng tự học tốt nhất sử dụng quy tắc 80/20 để đặt ưu tiên cho thời gian học của mình. Họ tập trung vào 20% hành động giúp đem lại cho họ kết quả lớn nhất. Nếu một người muốn học thêu móc, họ không cần phải hiểu về lịch sử của ngành dệt thuở xưa. Họ cần đầu tư thời gian học của mình vào các ứng dụng thực tiễn và chỉ dùng thời gian rảnh để tìm hiểu về vải dệt kim mà thôi.

7 thói quen của những người có khả năng tự học tuyệt vời (Ảnh: Hoyes - Michalos Bankruptcy)
Ảnh: Hoyes – Michalos Bankruptcy

Tới thư viện

Thói quen này có thể không áp dụng cho những người học có điều kiện, như Bill Gates chẳng hạn. Nhưng với phần lớn chúng ta, hạn chế về tài chính có thể ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng tiếp cận những nguồn tài nguyên mới. Hãy đến thư viện. Một thư viện tốt có đủ sách cho phần lớn các môn học. Nó cũng cung cấp vô số nguồn tài nguyên trên mạng và có thể kết nối bạn với những chuyên gia hoặc nhóm người chung mối bận tâm.

7 thói quen của những người có khả năng tự học tuyệt vời (Ảnh: Getty Images via Big Think)
Ảnh: Getty Images via Big Think

Tác giả Ray Bradbury không đủ tiền đi học đại học. Thay vào đó, ông đến thư viện địa phương 3 lần/tuần. Ông trở thành một trong những tác giả được ngợi ca nhiều nhất thế kỷ 21.

“Trường đại học không thể giáo dục bạn. Thư viện thì có thể”, Bradbury từng nói. “Bạn tới thư viện để tìm ra chính mình. Bạn lấy những cuốn sách khỏi giá, bạn mở chúng ra và bạn thấy mình trong đó”.

Các thư viện lớn mà những gia đình yêu sách Hà Nội cần biết

Có động lực của riêng bạn

Giáo dục truyền thống trao cho bạn động lực rất rõ ràng: Đạt điểm tốt để kiếm việc tốt. Học tự định hướng thì không có động lực rõ ràng. Do đó, bạn sẽ phải tự tạo ra động lực cho bản thân.

7 thói quen của những người có khả năng tự học tuyệt vời (Ảnh: ClutterBug Podcast)
Ảnh: ClutterBug Podcast

Doanh nhân Mark Cuban thúc giục mọi người không bao giờ ngừng việc học tập. Tỷ phú gần 60 tuổi hiện đang tự học lập trình Python. Lý do ư? Ông tin rằng nghìn tỷ phú đầu tiên của thế giới sẽ tạo dựng gia sản của mình bằng trí tuệ nhân tạo. Và ông không muốn mình tụt hậu.

“Bất cứ thứ gì bạn đang học vào lúc này, nếu bạn không nhanh nhẹn bắt kịp với xu thế về học sâu, về mạng lưới thần kinh…, bạn sẽ thua cuộc”, tỷ phú Cuban chia sẻ trên CNBC. “Càng hiểu về điều này, tôi càng cảm thấy phấn khích hơn”.

Tất nhiên, động lực của bạn không cần phải là tìm ra thương vụ triệu đô tiếp theo. Nó có thể đơn giản là mở rộng hành trình giáo dục khai phóng của bạn để hoàn thiện bản thân, học một kỹ năng mới để nâng cấp chuyên môn của bạn hay giản dị hơn nữa là đọc một cuốn sách để chia sẻ trong các cuộc trò chuyện với mọi người. Dù là gì đi nữa, động lực cần phải xuất phát từ chính bạn.

Theo Big Think

Tham khảo các bài viết về kỹ năng học tập

Tham khảo các bài viết Hiểu, dạy, chơi cùng con