Hướng dẫn cách giúp bé đặt mục tiêu năm mới

Năm mới 2019 đang tới rất gần. Đây chính là thời điểm để bạn dạy con cách lập danh sách mục tiêu năm mới. Chúng có thể đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển sự tự tin lành mạnh cho trẻ.

Lời khuyên của chuyên gia

Theo Tiến sĩ Kristen Eastman, nhà tâm lý học lâm sàng nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Cleveland: “Cha mẹ có thể bắt đầu bằng cách giải thích cho con mục tiêu năm mới là gì. Sau đó, đưa ra những ví dụ về mục tiêu năm mới mà trẻ từng đặt ra trước đây. Hỏi con về ý tưởng của trẻ, giúp con đánh giá các lựa chọn đóng vai trò thiết yếu”.

Hướng dẫn chi tiết cách giúp bé đặt mục tiêu năm mới (Ảnh: JustMommies)
Ảnh: JustMommies

Cha mẹ cần lưu ý, luôn thảo luận về mục tiêu năm mới theo cách tích cực với trẻ.

Thay vì nói: “Con sẽ KHÔNG làm việc này…”, hãy nói: “Con sẽ làm việc này…”. “Bạn không muốn con cảm thấy mình đang phạm sai lầm, đang gặp rắc rối”, Tiến sĩ Eastman giải thích. “Tính chất cuộc trò chuyện giữa bạn với con nên là: ‘Nếu chúng ta làm việc này, việc kia có thể tốt hơn lên’”.

Hãy nhớ rằng, với các mục tiêu năm mới, cha mẹ rất cần làm gương cho con.

Nói cách khác, trẻ có thể đạt mục tiêu nhiều hơn nếu quan sát cha mẹ kiên trì tới đích. Cũng đừng sợ hãi, ngần ngại điều chỉnh mục tiêu trong quá trình thực hiện. Mỗi thuận lợi hay bất lợi nảy sinh đều là cơ hội để dạy con bài học ý nghĩa.

Và giờ là một câu hỏi có tính quyết định tới thành công của việc đạt được các mục tiêu năm mới: Làm thế nào giúp con kiên trì vươn tới mục tiêu?

Tiến sĩ Eastman khẳng định: “Hãy tìm cách biến việc đó trở nên thật vui!”. Bạn có thể sử dụng những viên bi sắc màu cho vào một bình thuỷ tinh mỗi lần con hoàn tất mục tiêu nào đó. Bạn cũng có thể tổ chức một cuộc thi gia đình nho nhỏ để xem ai là người kiên trì, bản lĩnh nhất trên hành trình đạt mục tiêu.

Phương pháp SMART – phác thảo mục tiêu năm mới

Nhưng đạt được mục tiêu nào đó không đơn giản là vấn đề chăm chỉ và quyết tâm. Tất cả bắt đầu từ việc biết cách đặt mục tiêu năm mới. Phụ huynh có thể tham khảo phương pháp SMART để giúp con thực hiện hiệu quả việc này:

SMART là cụm từ viết tắt của Specific – Cụ thể, chi tiết; Motivating – Tạo động lực; Attainable – Có thể đạt được; Relevant – Phù hợp, tương xứng và Trackable – Có thể theo theo dõi, cập nhật tiến độ.

Hướng dẫn cách giúp bé đặt mục tiêu năm mới (Ảnh: Super Mommy)
Ảnh: Super Mommy

S = Specific: Cụ thể, chi tiết

Xem xét mục tiêu: con bạn muốn đạt điểm tốt hơn trong năm mới này. Dù đây là một mục tiêu rất tốt để hướng tới, nó lại quá rộng và có nhiều cách diễn giải khác nhau. Vì thế, hãy giúp trẻ làm rõ mục tiêu bằng cách thu hẹp nó về một số môn học nhất định. Như vậy, trẻ sẽ không có cảm giác choáng ngợp, quá tải, hạn chế nguy cơ mau nản mà từ bỏ mục tiêu.

Ví dụ: Nếu con bạn gặp khó khăn với môn Toán và Khoa học, trẻ có thể tập trung học và giành điểm tốt trong 2 môn này.

M = Motivating:  Tạo động lực

Liệu con bạn có hào hứng, thích thú với việc hoàn thành mục tiêu này không? Nếu không, tiến độ công việc của trẻ sẽ phản ánh điều đó. Trường hợp trẻ không thích môn Toán hay Khoa học, hãy thử liên hệ mục tiêu năm mới với thứ trẻ yêu thích.

Ví dụ: Nếu con bạn mơ ước trở thành vận động viên chuyên nghiệp, hãy đảm bảo trẻ hiểu tầm quan trọng của việc học tốt ở trường để có thể xin học bổng vào đại học. Đạt mục tiêu trở nên dễ dàng hơn khi con có động cơ phù hợp.

A = Attainable: Có thể đạt được

Không thực tế khi đặt mục tiêu năm mới là nguyên nhân chính dẫn tới sự thất vọng, chán nản. Điều tối kị là trẻ cảm thấy mục tiêu quá lớn, khả năng của mình không đủ vươn tới.

Ví dụ: Nếu hiện tại, con bạn hay bị điểm kém với môn Toán và Khoa học, đòi hỏi bé phải đạt điểm giỏi khi kết thúc năm học này có thể quá sức với bé. Thay vào đó, hãy chọn mục tiêu đạt điểm trung bình trở lên. Bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh, cập nhật danh sách mục tiêu một khi bé đạt được mức độ mong muốn.

R = Relevant: Phù hợp, tương xứng

Mục tiêu đặt ra có hỗ trợ sự phát triển, trưởng thành của trẻ? Hay nó tương đối vô nghĩa? Dự định ăn suất bánh kẹp lớn hơn trong năm mới cũng vui. Nhưng nó không phải là đạt được một thứ gì ý nghĩa. Hãy đảm bảo con tận dụng cơ hội lên danh sách mục tiêu năm mới để vươn tới điều ý nghĩa và bổ ích.

T = Trackable

Việc có thể theo dõi, đo đếm được quá trình thực hiện mục tiêu góp phần lớn vào thành quả cuối cùng. Nhìn thấy bằng chứng của sự tiến bộ giúp trẻ thêm tự tin để về đích. ngược lại, nếu trẻ vấp phải chướng ngại vật trên đường, trẻ có thể nhận ra mình phạm sai lầm từ đâu. Nhờ đó, trẻ có thể đưa ra những điều chỉnh cần thiết.

Ví dụ: Con bạn muốn cải thiện điểm số môn Toán và Khoa học. Trẻ có thể biết mình đã làm được những gì qua quá trình:

  • Làm bài tập về nhà
  • Khả năng giải các bài toán khó
  • Điểm kiểm tra trên lớp

Khi đó, trẻ sẽ không còn bất ngờ khi mang về nhà kết quả cuối năm học.

Hướng dẫn chi tiết cách giúp bé đặt mục tiêu năm mới (Ảnh: jinxykids)
Ảnh: jinxykids

8 gợi ý về những mục tiêu năm mới tốt trẻ có thể đặt ra

1. Thay vì: “Con sẽ ăn uống lành mạnh hơn”

Gợi ý: “Con sẽ uống 2 cốc sữa mỗi ngày thay vì nước ngọt hay nước ép” hoặc “Con sẽ ăn 2 trái cây vào bữa trưa mỗi ngày”.

Đây chỉ là 2 ví dụ của các mục tiêu lành mạnh trong năm mới. Tiến sĩ Eastman khuyên phụ huynh: “Hãy hướng vào những vấn đề mà bạn và con bạn cần cải thiện. Cùng thảo luận với con xem tại sao vấn đề đó lại quan trọng”. Nếu con bạn muốn ăn ít đồ ăn nhanh hơn, hãy giúp con đặt mục tiêu ăn ít loại đồ ăn nhanh nào. Nếu con muốn ăn nhiều rau hơn, hãy giúp con đưa ra số lượng cụ thể trong tuần…

2. Thay vì: “Con sẽ tập thể dục thể thao nhiều hơn”.

Gợi ý: “Con sẽ tham gia câu lạc bộ bóng đá” hoặc “Con sẽ tham gia lớp yoga với mẹ vào chủ nhật hàng tuần”.

Tăng cường vận động thể chất luôn là một mục tiêu năm mới tuyệt vời. Nhưng theo Tiến sĩ Eastman, từ “tập thể dục thể thao” có thể gây cảm giác nhàm chán. “Nếu bạn có thể biến việc tập luyện trở nên vui hơn, khả năng trẻ kiên trì theo đuổi hoạt động đó cũng sẽ cao hơn”.

3. Thay vì: “Chúng ta sẽ giảm thời gian xem màn hình nhé”.

Gợi ý: “Chúng ta sẽ đọc sách 30 phút trước khi đi ngủ thay vì xem tivi”.

Nói chung chung về việc giảm xem màn hình không giúp gì cho việc thực hiện. Hãy cùng con đưa ra thời lượng cụ thể và chỉ ra việc thay thế.

4. Thay vì: “Con sẽ giúp mẹ việc nhà”.

Gợi ý: “Con sẽ dọn bàn mỗi bữa tối” hoặc “Con sẽ dọn phòng của con 1 lần/tuần”.

Tham gia làm việc nhà luôn là mục tiêu năm mới khôn ngoan. Bởi nó có thể khiến trẻ cảm thấy mình có ích, là một phần của gia đình.

Hướng dẫn chi tiết cách giúp bé đặt mục tiêu năm mới (Ảnh: Jinxykids)
Ảnh: Jinxykids

5. Thay vì: “Con sẽ cư xử tốt hơn với mọi người”.

Gợi ý: “Con sẽ làm một việc tốt ngẫu nhiên mỗi tuần” hoặc “Mỗi tuần, con sẽ nói chuyện với một người con chưa quen ở trường”.

Tương tự mục tiêu 1, mục tiêu liên quan giao tiếp xã hội cần được điều chỉnh cho phù hợp với con. Nó cũng cần thuộc về vấn đề mà trẻ muốn cải thiện. Một đứa trẻ tính nhút nhát sẽ đặt mục tiêu năm mới khác đứa trẻ vốn đã hoạt ngôn và giỏi giao tiếp.

6. Thay vì: “Chúng ta sẽ sống thân thiện với môi trường hơn”.

Gợi ý: “Chúng ta sẽ khởi động chương trình tái chế trong nhà” hoặc “Chúng ta sẽ tắm vòi hoa sen bớt đi 5 phút để tiết kiệm nước”.

Những mục tiêu dành cho cả gia đình xen lẫn với mục tiêu cá nhân của trẻ là cách lựa chọn hợp lý. Nhờ đó, với mục tiêu chung, trẻ sẽ có được sự hỗ trợ từ cả nhà. Và việc đạt mục tiêu không còn quá khó.

7. Thay vì: “Con sẽ học thứ gì đó mới”.

Gợi ý: “Con sẽ học cách làm bánh socola” hoặc “Con sẽ học thổi sáo”.

Học kỹ năng mới luôn là mục tiêu năm mới cực kỳ thú vị và gợi cảm hứng. Tất nhiên, hãy xem xét các điều kiện thời gian, tài chính… để đảm bảo tính khả thi của mục tiêu.

8. Thay vì: “Chúng ta sẽ dành nhiều thời gian bên nhau hơn”.

Gợi ý: “Chúng ta sẽ cùng chơi một trò chơi mỗi tối thứ 6” hoặc “Chúng ta sẽ cùng đi xem phim mỗi tháng 1 lần”.

Có thể không hề dễ dàng để thực hiện mục tiêu này vì cuộc sống ngày càng bận rộn. Nhưng hãy coi đây là mục tiêu ưu tiên. Lớn lên trong sự gắn kết, yêu thương của gia đình, trẻ sẽ trưởng thành với những ký ức đẹp và nền tảng vững vàng.

Một số mẫu danh sách mục tiêu năm mới cho trẻ

Hướng dẫn chi tiết cách giúp bé đặt mục tiêu năm mới (Ảnh: Reward Charts 4 Kids)Hướng dẫn chi tiết cách giúp bé đặt mục tiêu năm mới (Ảnh: Reward Charts 4 Kids)Hướng dẫn chi tiết cách giúp bé đặt mục tiêu năm mới (Ảnh: Reward Charts 4 Kids)

Hướng dẫn chi tiết cách giúp bé đặt mục tiêu năm mới (Ảnh: Reward Charts 4 Kids)
Ảnh: Reward Charts 4 Kids

Gợi ý mục tiêu năm mới cho trẻ theo từng độ tuổi

1. Với trẻ mầm non

  • Con sẽ đánh răng mỗi sáng sau khi thức dậy và mỗi tối trước khi đi ngủ.
  • Con sẽ rửa tay sau mỗi lần đi vệ sinh và trước khi ăn bất cứ thứ gì.
  • Con sẽ làm vệ sinh đồ chơi và dọn gọn phòng.
  • Con sẽ gấp chăn màn sau khi ngủ dậy.
  • Con sẽ nghe lời bố và mẹ.
  • Con sẽ không đánh ai.

2. Với trẻ Tiểu học

  • Con sẽ làm bài tập về nhà hàng ngày
  • Con sẽ dọn bàn ăn, thu quần áo, giúp mẹ rửa bát mỗi tối.
  • Con sẽ đi ngủ đúng giờ mỗi ngày.
  • Con sẽ không bắt nạt các bạn khác.
  • Con sẽ tham gia câu lạc bộ bóng đá và học 2 buổi/tuần.
  • Con sẽ ăn ít nhất 3 loại trái cây và rau mỗi ngày.

3. Với teen

  • Con sẽ ăn ít nhất 5 loại trái cây và rau mỗi ngày.
  • Con sẽ tự dọn phòng mình hàng ngày.
  • Con sẽ chạy bộ mỗi buổi sáng.
  • Con sẽ không thử hút thuốc, uống rượu.
  • Con sẽ xem tivi và điện thoại trong vòng 1 tiếng mỗi ngày.
  • Con sẽ tôn trọng cha mẹ, thầy cô, người lớn tuổi.
  • Con sẽ giúp em học bài.
  • Con sẽ viết nhật ký hàng ngày khi cảm thấy buồn bực, căng thẳng.

Tổng hợp từ Parents, Activekids và Reward Charts 4 Kids

10 cuốn sách tiếng Anh thú vị chủ đề năm mới

Tham khảo các bài viết Hiểu, dạy, chơi cùng con