Truyện cười “Trời sinh ra thế” và tư duy phản biện

Truyện cười dân gian “Trời sinh ra thế”:

Xưa có một ông nhà giàu sinh được hai cô con gái, cô chị gả cho người làm ruộng, cô em gả cho người học trò. Một hôm thong thả, bố vợ cùng 2 con rể đưa nhau đi chơi, bố nghe tiếng con ngỗng kêu, mới hỏi:

– Làm sao tiếng nó to thế nhỉ?

Người học trò nói chữ:

– Trường cổ tắc đại thanh.

Người làm ruộng nói:

– Trời sinh ra thế!

Đi được một khoảng, thấy con vịt đang bơi dưới ao, bố lại hỏi:

– Tại sao nó nổi?

Người học trò lại nói chữ:

– Đa mao thiểu nhục tắc phù.

Người làm ruộng lại nói:

– Trời sinh ra thế!

Đến lúc về nhà, 3 bố con ngồi uống rượu, bố khen con rể học trò hay chữ mà chê con rể làm ruộng dốt.

Người con rể làm ruộng tức mình mới tới hỏi người học trò:

– Tôi thì dốt thật! Mà chú nói: “Trường cổ tắc đại thanh” là nghĩa làm sao?

Người học trò đáp:

– Nghĩa là cổ dài thì tiếng to.

Người làm ruộng mới bẻ:

– Thế con ếch, con ễnh ương cổ dài đâu mà tiếng cũng to?

Rồi lại hỏi:

– Chú nói: “Đa mao thiểu nhục tắc phù” nghĩa làm sao?

Người học trò đáp:

– Nghĩa là nhiều lông ít thịt thì nổi.

Người làm ruộng lại bẻ:

-Thế thì con thuyền lông đâu, thịt đâu mà cũng nổi?

Lúc đó, ông bố mới gật đầu nói:

– Ừ, ra dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng.

Không muốn con mặc nhiên tiếp nhận thông tin theo kiểu dốt đặc “Trời sinh ra thế!”, mà cũng không muốn con bừa bãi lý giải kiểu chữ lỏng như trong câu chuyện trên? Mời bạn đọc bài: Tư duy phản biện là gì? Làm gì để giúp con phát triển tư duy phản biện?

2941 Share