Tóm tắt buổi chia sẻ về hướng nghiệp: Nói với con về nghề nghiệp

Tiếp nối hướng dẫn về cách định hướng nghề nghiệp và chọn Ban học ở bậc THPT cho nhóm Con Tự Học năm 2020, vào Chủ Nhật ngày 9/5 vừa rồi, các bố mẹ trong nhóm Con Tự Học đã tham gia buổi hướng dẫn về chủ đề “Cùng con hướng nghiệp – Nói với con về nghề nghiệp”.

Khách mời của chương trình là hai chuyên gia rất nhiều kinh nghiệm trong giáo dục cũng như hướng nghiệp: Chị Phạm Thị Cúc Hà, Thạc sỹ Giáo dục – thành viên Hội đồng chuyên môn trường PT liên cấp HAS (Hanoi Adeleide School) , nhà sáng lập SACE Colleage Việt Nam và chị Phạm Chi – chuyên viên tư vấn hướng nghiệp, nhà sản xuất chương trình hướng nghiệp tại VTV7.

NGHỀ NGHIỆP TRONG TƯƠNG LAI: BỐI CẢNH XÃ HỘI VÀ GIÁO DỤC TOÀN CẦU
Phần đầu tiên, chị Hà đã đưa ra bức tranh tổng quan về nghề nghiệp trong tương lai từ bối cảnh xã hội và giáo dục toàn cầu, đồng thời đưa ra những kết quả nghiên cứu về nguyện vọng, tâm tư của bố mẹ và học sinh trên toàn cầu.
Trong phần trình bày, chị Hà đã chỉ ra những điểm khác biệt lớn về thị trường lao động cũng như môi trường giáo dục của thế kỷ mới này đối với thế hệ Z và thế hệ Alpha – những thế hệ được tiếp nhận nhiều thông tin, có thể tự học nhờ thông tin và kết nối toàn cầu.
Sự khác biệt lớn thể hiện ở việc: các công dân trong tương lai có thể sống và làm việc tại bất cứ nơi đâu trên thế giới, thay đổi công việc của mình để bắt kịp mối quan tâm và khả năng bản thân.
Với thế giới đã và vẫn đang thay đổi rất nhiều như vậy, đòi hỏi các con trong tương lai cần kỹ năng nghề nghiệp thế nào? Trả lời cho câu hỏi này, chị Hà đã trao đổi về những KỸ NĂNG THIẾT YẾU của con người trong thị trường lao động của thế kỷ 21 – đó là 4C: Communication (Giao tiếp), Collocation (hợp tác), Creativity (Sáng tạo), Critical Thinking (Tư duy phản biện).

Ngoài ra, các bạn học sinh còn phải có kỹ năng học tập cho những công việc chưa từng có, học tập để giải quyết vấn đề và đặc biệt phải có kỹ năng học tập trọn đời. Một nghiên cứu đã chỉ ra, chỉ trong năm 2022, con người cần dành 101 ngày dành cho việc học thêm để có thể đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Một thông tin quan trọng nữa mà chị Hà có cung cấp để các bố mẹ thấy bức tranh thế giới, theo nghiên cứu gần đây, là mong muốn của phụ huynh toàn cầu đối với con mình thì việc trở nên độc lập chiếm tỷ lệ cao nhất (86%), sau đó lần lượt là có trách nhiệm về tài chính (84%) và tự tin trong xã hội (83%).
Theo nghiên cứu của Đại Học Havard năm 2015, ngành học của tương lai bao gồm các ngành học liên quan đến Stem, Tâm lý, Giáo dục, Y học, Nghệ thuật… Đây là những ngành mà công nghệ, robot khó thay thế con người trong tương lai.

Một trong những điều mà bố mẹ và các con cần biết về xu hướng của thị trường lao động tương lai, đó là: sẽ có rất nhiều những ngành nghề đang bị thay thế bằng máy như các ngành nghề có yêu cầu kỹ năng giao tiếp và kỹ năng tính toán thấp như kế toán kiểu cũ hay thu ngân siêu thị. Hoặc những ngành nghề yêu cầu kỹ năng xã hội thấp mà kỹ năng toán cao cũng dễ bị thay thế bởi máy tính và trí tuệ nhân tạo.
Đối với ngành nghề có kỹ năng xã hội cao, kỹ năng tính toán thấp như tâm lý, giáo dục, nghệ thuật có xu hướng nhiều lên. Đặc biệt, ngành nghề cần kỹ năng tính toán cũng như giao tiếp cao chính là ngành nghề của tương lai.
Tuy nhiên, một điều mà chị Hà nhấn mạnh nhiều lần là việc, các ngành nghề trong tương lai mà chị vừa nêu cũng chỉ là tham khảo, không có sự ổn định của các ngành nghề tương lai bởi thế giới đang biến đổi không ngừng. Chúng ta sẽ không thể biết trước được những ngành nghề mới nào sẽ được tạo ra trong tương lai. Do đó, việc của bố mẹ và con cái nên làm, đó là cùng đồng hành để định hướng, trang bị cho con cái kỹ năng HỌC TẬP CẢ ĐỜI – một kỹ năng sẽ giúp các công dân tương lai trong thời đại số thích ứng với thế giới.

CÙNG CON ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP
Về phần chia sẻ của mình, chị Chi đã nhấn mạnh rằng: việc đồng hành cùng con không phải là tại một thời điểm, mà sẽ là một giai đoạn dài, QUAN SÁT và HƯỚNG DẪN từ lúc con còn bé (mẫu giáo) đến giai đoạn trưởng thành. Quá trình này có hai điểm cần lưu ý, đó là phát triển theo điểm mạnh của con và nuôi dưỡng con theo tự nhiên.
Trong phần lớn thời gian, chị Chi đã chia sẻ về QUY TRÌNH trong định hướng nghề nghiệp: từ THẤU HIỂU đến KHÁM PHÁ và đến TRẢI NGHIỆM và cách bố mẹ đồng hành cùng con trong từng bước nêu trên.
Những điều cần nhớ khi cùng con định hướng nghề nghiệp: thứ nhất phải giúp con hiểu bản thân, thứ hai giúp con chọn nghề không sai; thứ ba giúp con lập kế hoạch nghề nghiệp và thứ tư, cùng con tìm hiểu, trải nghiệm thực tế về các nghề nghiệp mà con lựa chọn. Có một lưu ý mà chị Chi đã nhấn mạnh trong khi bố mẹ cùng con thực hiện các bước nêu trên là, nên chọn ít nhất là hai nghề và nhiều nhất là năm nghề để cùng con tìm hiểu, trải nghiệm.
Các bước của một quy trình như trên có thể lặp đi lặp lại theo từng nghề nghiệp trong danh sách bố mẹ và con đã đưa ra.
Vậy các bố mẹ BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU để cùng con lựa chọn nghề nghiệp? Việc lựa chọn nghề nghiệp sẽ bắt đầu từ mô hình “cây nghề nghiệp” từ gốc rễ với các giá trị đó là: sở thích, năng lực học tập, khả năng, cá tính, giá trị nghề nghiệp.
Tiếp theo, chị Chi Phạm đã hướng dẫn các bố mẹ sử dụng Lý thuyết Mật mã Holland để hiểu con, nhận biết khả năng của con cũng như những ưu nhược điểm để từ đó giúp con chọn nghề tương ứng trong các nhóm: Kỹ thuật, Nghiên cứu, Nghệ thuật, Xã hội, Quản lý hay Nghiệp vụ.
Vậy làm thế nào để hiểu con, để biết rõ cá tính của con? Bố mẹ cũng có thể dùng lý thuyết MBTI với 4 cặp cá tính: hướng nội – hướng ngoại, giác quan – trực giác, lý tính – cảm tính, nguyên tắc – linh hoạt. Việc hiểu con rất quan trọng, vì sau đó, bố mẹ có thể giúp con hiểu chính bản thân mình, có thể điều chỉnh, thay đổi một phần tính cách của con thông qua nuôi dưỡng, đồng hành cùng con.
Hiểu con rồi, các bố mẹ hãy HƯỚNG DẪN CON VIẾT NHẬT KÝ HƯỚNG NGHIỆP: Các con viết nhật ký về các hoạt động hàng ngày, ghi lại những cảm xúc của con, nhất là những hoạt động khiến con hứng thú được tiếp thêm năng lượng. Việc ghi chép trong khoảng thời gian 3 – 4 tuần, cuối mỗi tuần hãy ghi lại những chiêm nghiệm (hoạt động, cảm xúc, tương tác trong môi trường đó, ….), đặc biệt các hoạt động có/ không khiến con cảm thấy được tiếp thêm năng lượng.

Trong bài chia sẻ, chị Chi cũng đã hướng dẫn lần lượt trả lời 7 câu hỏi để HIỂU NGHỀ NGHIỆP đối với nghề cụ thể mà mình đã chọn cũng như các câu hỏi định hướng giá trị nghề nghiệp.
Các bố mẹ cũng có thể cho con hiểu được về CÔNG THỨC TUYỂN DỤNG, công việc sẽ đến từ kỹ năng/ kiến thức, mạng lưới quan hệ và nhu cầu thị trường. Các nhà tuyển dụng sẽ cần kiến thức, kỹ năng và đặc biệt là thái độ trong công việc. Các bố, mẹ cũng có thể giúp con hiểu về mô hình học tập: chỉ 10% đến từ trường lớp, các khóa học và sách vở; 20% đến từ những người có sức ảnh hưởng, những người hướng dẫn, cố vấn. Còn 70% việc học đến từ công việc thực tế.
Ngoài ra, chị Chi cũng phân tích những ngộ nhận của bố mẹ trong khi giúp con hướng nghiệp. Điều này đã giúp các bố mẹ nhận ra để tránh những ngộ nhận, xảy ra rất thường xuyên trong thực tế đời sống.
Kết thúc phần chia sẻ, chị Chi đã dành thời gian cuối của buổi trao đổi dài hơn ba tiếng đồng hồ để giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của cha mẹ, cũng như có đề cập đến một buổi “làm mẫu” về việc cho các con trải nghiệm thực tế về các nghề liên quan đến truyền thông.
Nếu có một lúc nào đó bố mẹ muốn uốn nắn con theo mong muốn nghề nghiệp của mình hơn là sự phát triển tự nhiên của con, hãy nhớ đến cảm giác khi thực hiện bài tập nhỏ của chị Chi: ký chữ ký bằng tay không thuận. Đó chính là cảm giác của con khi phải làm những việc trái với cá tính của mình, không khác gì như đang ký bằng tay không thuận.

Lời cuối cùng, xin nhắn nhủ tới các bố mẹ đã đang và sẽ cùng con định hướng nghề nghiệp, đó là hãy quan sát con, hiểu con, sẵn sàng chấp nhận con như con vốn có. Từ đó, đồng hành để giúp con có được kỹ năng phát triển bản thân, rèn luyện phát huy tốt nhất tiềm năng của mình trong nghề nghiệp con chọn, chứ không phải chọn một nghề tốt nhất trong mắt bố mẹ.
CTH Edu tự hào được kết nối các cha mẹ tâm huyết với nhau và với các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, để tổ chức chuỗi hoạt động cho các con tìm hiểu và khám phá các nghề nghiệp, bắt đầu từ hè 2021 này:

  • Nếu muốn tham gia chương trình (ngoài việc cha mẹ tìm hiểu thêm các thông tin về chủ đề hướng nghiệp, các con sẽ được nghe các buổi nói chuyện về các ngành nghề cụ thể mà mình quan tâm, còn cha/mẹ cũng sẽ sẵn sàng chia sẻ với các con khác về nghề nghiệp mình làm), thì đăng kí chương trình Cùng nhau giúp con hướng nghiệp – Tìm hiểu các ngành nghề trong hè 2021.
  • Nếu chưa thấy tới lúc thích hợp để con tìm hiểu, khám phá các ngành nghề, nhưng muốn nhận email cung cấp bản ghi chi tiết của buổi hướng dẫn rất bổ ích mà CTH Edu vừa tóm tắt ở trên (đồng thời được mời đăng kí các hội thảo tiếp theo về hướng nghiệp, khi có, nếu còn chỗ sau khi ưu tiên cho các cha mẹ tham gia chương trình trên), thì xin vui lòng đăng kí tại đây.

Trân trọng!

235 Share