Dạy con làm việc nhà: Hướng dẫn chi tiết cách thực hiện

Tiếp nối bài viết trước về tầm quan trọng của việc nhà cũng như danh sách công việc phù hợp với độ tuổi của trẻ, CTH Edu xin giới thiệu tới phụ huynh từng bước triển khai dự án “Dạy con làm việc nhà”.

6 bước dạy con làm việc nhà

Đây là dự án dài hơi, kéo dài suốt từ thời thơ ấu cho tới khi trẻ trưởng thành (18 tuổi). Vì vậy, việc có một cái nhìn xuyên suốt về toàn bộ quá trình này để đặt ra những mục tiêu và cách thực hiện cụ thể có ý nghĩa quan trọng.

Dựa trên chia sẻ của Bonnie Runyan McCullough và Susan Walker Monson, đồng tác giả cuốn sách “Dạy con cách câu cá, đừng tặng cá cho con”, CTH Edu gợi ý 6 bước sau khi dạy con làm việc nhà:

  1. Đặt ra các mục tiêu
  2. Hiểu về các giai đoạn (mùa) học làm việc nhà của trẻ
  3. Làm cùng nhau
  4. Phân công công việc chi tiết
  5. Hướng dẫn cách làm
  6. Khích lệ và định hướng cho con

    Hướng dẫn chi tiết các bước dạy con làm việc nhà (Ảnh: kemembe)
    (Ảnh: kemembe)

Bước 1: Đặt ra các mục tiêu

  • Tham khảo danh sách việc nhà phù hợp với trẻ theo từng độ tuổi trong bài trước.
  • Lập danh sách các việc nhà mà bạn muốn dạy cho con.

Lưu ý: 3 yếu tố cần thiết để đảm bảo mục tiêu đề ra.

  1. Việc nhà bạn muốn con thực hiện là gì?
  2. Thực hiện việc đó khi nào? Dụng cụ để làm?
  3. Tiêu chuẩn thế nào là tốt? Ai sẽ kiểm tra?

Ví dụ:

Bạn muốn đứa con 8 tuổi của mình biết lau dọn phòng khách trong vòng 1 tháng tới. Bạn có thể lập một bảng như sau:

3 yếu tố đảm bảo thành công khi dạy trẻ làm việc nhà

Bước 2: Hiểu biết về các giai đoạn học tập của trẻ

Theo Bonnie Runyan McCullough và Susan Walker Monson, đồng tác giả cuốn sách “Dạy con cách câu cá, đừng tặng cá cho con”, có 3 giai đoạn cần chú ý khi thực hiện dự án “Dạy con làm việc nhà”:

  • Giai đoạn Mùa Xuân: 2-5 tuổi
  • Giai đoạn Mùa Hè: 5-12 tuổi
  • Giai đoạn Mùa Thu: 13-18 tuổi

1. Giai đoạn Mùa Xuân: 2-5 tuổi

Rất nhiều bé háo hức muốn giúp làm việc nhà ở tầm tuổi. Tuy các bé làm sẽ rất chậm, hay sai hỏng và bạn phải hết hơi dọn dẹp “bãi chiến trường” sau đó, nhưng hãy để con làm. Đây là thời điểm tốt để bé hình thành sự tự tin, không ngại làm việc nhà. Chỉ cần bạn kiên trì, tin tưởng ở con, nhẹ nhàng chỉ bảo và tất nhiên là chịu khó dọn dẹp, mọi việc sẽ ổn thoả. Bạn cũng đừng quên sáng tạo việc nhà thành những trò chơi để giúp bé thêm hứng thú.

2. Giai đoạn Mùa Hè: 5-12 tuổi

Đây là giai đoạn bạn dạy con làm việc nhà, tập trung vào 3 điểm:

  • Dạy trẻ từng công việc cụ thể
  • Yêu cầu trẻ thực hiện thường xuyên
  • Giúp trẻ cảm nhận được niềm vui khi hoàn thành công việc

3. Giai đoạn Mùa Thu: 13-18 tuổi

Nếu được chuẩn bị và rèn giũa tốt, tầm tuổi này, tính độc lập và trách nhiệm của trẻ sẽ tăng cao. Bạn có thể không cần yêu cầu quá sát sao đối với trẻ phải thực hiện các việc nhà như trước đây. Bởi trẻ cần tập trung nhiều hơn cho việc học tập của mình. Tất nhiên, vẫn duy trì những công việc cơ bản để trẻ ý thức được trách nhiệm trong gia đình. Bạn cũng có thể giao cho trẻ việc khó hơn: làm vệ sinh một thiết bị nào đó. Thời điểm này, trẻ có thể không cần bạn chỉ bảo nữa. Trẻ sẽ nghiên cứu sách hướng dẫn sử dụng và tự mình làm.

Bước 3: Làm cùng nhau

Nếu ngay từ bé được chứng kiến tất cả thành viên trong gia đình chung sức làm thì ý thức của trẻ sẽ được hình thành một cách vững chắc. Bạn có thể xem xét thành lập một Hội đồng gia đình. Hội đồng sẽ chọn 1 ngày (nên vào cuối tuần) để họp. Tại đây, mọi thành viên đều có thể thoải mái bày tỏ ý kiến, chia sẻ, góp ý.

Khi con còn nhỏ, dạy bé làm một việc nhà nào đó nên có sự tham gia của bố/mẹ hoặc anh/chị lớn. Bé sẽ bắt chước làm, rồi dần dần tự làm. Sự hỗ trợ này có ý nghĩa đặc biệt, giúp bé hình thành thói quen và tự tin khi làm việc nhà.

Tham khảo bảng nội quy gia đình (theo “Dạy con cách câu cá, đừng tặng cá cho con”):

Các quy định chung về quyền và trách nhiệm của gia đình

  1. Chúng tôi đều có quyền với đồ chơi, sách và quần áo của mình. Nên người khác cần phải hỏi trước khi mượn.
  2. Chúng tôi chịu tách nhiệm với phòng của mình cũng như sẽ hoàn thành việc nhà mỗi ngày.
  3. Mọi người sẽ cùng dọn dẹp bữa tối. Trừ những dịp thật đặc biệt, sẽ không ai rời khỏi bếp cho tới khi bếp được dọn sạch sẽ.
  4. Chúng tôi sẽ mặc quần áo gọn gàng và dọn dẹp chỗ ngủ/phòng ngủ của mình trước bữa sáng mỗi ngày.
  5. Sau khi sử dụng đồ vật nào đó, chúng tôi sẽ để về đúng nơi quy định, ngay cả khi chúng tôi lấy nó ở vị trí sai.

Bước 4: Phân công công việc chi tiết

Bảng phân công cụ thể từng việc nhà cần làm giúp mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Nếu bạn có nhiều hơn 1 con, các bé cũng có thể nhìn vào bảng phân công để biết mọi việc được chia sẻ công bằng. Nếu con còn nhỏ, bạn có thể in và điền vào các mẫu bảng có hình minh hoạ dễ thương.

Mẫu bảng phân công việc nhà cho trẻ (Ảnh: Pinterest)
Ảnh: Pinterest
Mẫu bảng phân công việc nhà cho trẻ (Ảnh: Pinterest)
(Ảnh: Pinterest)
Mẫu bảng phân công việc nhà cho trẻ (Ảnh: Pinterest)
(Ảnh: Pinterest)
Mẫu bảng phân công việc nhà cho trẻ (Ảnh: Living Well Spending Less)
Ảnh: Living Well Spending Less
Mẫu bảng phân công việc nhà cho trẻ (Ảnh: rightwasright.us)
(Ảnh: rightwasright.us)
Mẫu bảng phân công việc nhà cho trẻ (Ảnh: resume pdf)
(Ảnh: resume pdf)
Mẫu bảng phân công việc nhà cho trẻ (Ảnh: Flash Design)
Ảnh: Flash Design

Bước 5: Hướng dẫn cách làm

Khi hướng dẫn trẻ cách làm việc nhà, để đảm bảo hiệu quả, bạn nên tiến hành các bước nhỏ sau:

  1. Chia nhỏ công việc thành nhiều phần
  2. Hướng dẫn chi tiết cách làm thông thường kết hợp làm mẫu cho con
  3. Cung cấp dụng cụ cần thiết

Ví dụ: Bạn muốn dạy con cách dọn phòng tắm.

  1. Chia nhỏ công việc dọn phòng tắm thành:

  • Cọ bồn rửa mặt
  • Lau gương
  • Sắp xếp đồ trong phòng tắm (chai nước gội đầu, sữa tắm, tuýp kem đánh răng…)
  • Cọ sàn phòng tắm
  • Cọ bồn cầu (nếu phòng tắm và phòng vệ sinh nhà bạn tách rời nhau, bỏ qua bước này)

2. Hướng dẫn chi tiết cách làm thông thường kết hợp làm mẫu cho con

Ví dụ với phần việc “Cọ bồn rửa mặt”:

  • Con dùng loại giẻ lau này để cọ bồn rửa
  • Để bồn rửa thật sạch, hãy dùng tới chai dung dịch xịt rửa này nhé
  • Con xịt ra một lượng nhỏ thôi lên miếng giẻ lau
  • Bắt đầu cọ bên trong lòng bồn rửa, rồi tới thành bồn rửa, sau đó là vòi nước. Đừng quên cọ cả phần dưới bồn rửa nhé.
  • Xả nước làm sạch bồn.

    Hướng dẫn chi tiết các bước dạy con làm việc nhà (Ảnh: Better Living Products)
    Ảnh: Better Living Products

3. Để trẻ thực hành

  • Bạn sẽ cần hướng dẫn trẻ nhiều lần. Theo tác giả cuốn “Bước đột phá trong việc nuôi dạy con” Merrilee Browne Boyack, trẻ cần tới 7-8 buổi hướng dẫn để làm được một việc nào đó.
  • Sẵn sàng trợ giúp nếu trẻ đề nghị.
  • Chuẩn bị tinh thần để rửa lại bát, dọn lại đồ, thu gom đồ bị vỡ…

Bước 6: Khích lệ và định hướng cho con

Sau khi quan sát trẻ tự làm một công việc nhà nào đó, bạn hãy:

  • Đưa ra nhận xét càng sớm càng tốt
  • Việc đánh giá cần hết sức nhẹ nhàng, không phê phán, chỉ trích trẻ
  • Tập trung vào điểm tích cực trong công việc của trẻ, ghi nhận nỗ lực dù là nhỏ nhất.
  • Có thể đề nghị trẻ tự đánh giá việc mình làm.
  • Gợi ý để trẻ rút ra kinh nghiệm cho lần làm việc tiếp theo.

Gợi ý một số câu nói tích cực giúp khích lệ trẻ làm việc nhà:

  • Việc không hề ít mà con vẫn cố gắng hoàn thành. Con đúng là chú ong chăm chỉ!
  • Mẹ thích cách con làm việc này đấy!
  • Vòi nước con chùi sáng bóng cả lên rồi này. Soi gương được nhé!
  • Thật thoải mái khi được bước vào căn phòng gọn gàng của con.
  • Nếu lần tới con lau sàn kỹ hơn một chút, cảm giác đi lên sẽ mát lắm đó.

Về việc có nên trả công cho trẻ khi làm việc nhà:

Theo ý kiến của một số chuyên gia tâm lý, giáo dục, không nên trả tiền để con làm việc nhà. Tiến sĩ Vũ Thu Hương chia sẻ trên tờ VnExpress: “Việc nhà là công việc chung. Con cần đóng góp công sức vào đây. Công việc đó phải được chia đều cho mọi thành viên trong gia đình. Ai cũng cần có trách nhiệm.

Nếu bạn trả công cho con khi con làm việc nhà, con sẽ mặc định việc đó là của bố mẹ. Khi con thích hoặc cần tiền thì con sẽ làm, không thì thôi. Càng về sau, khi cơn lười biếng dâng lên, con sẽ càng tức tối, khó chịu khi phải làm việc nhà. Đến lúc đó mọi lời dạy bảo trở nên đã quá muộn”.

Tuy nhiên, bạn vẫn có thể cân nhắc trả thù lao cho con bằng tiền khi con giúp bạn làm một số việc khó, vượt với sức bình thường của trẻ. Những việc này có thể bạn phải mất tiền nếu đem ra hàng hoặc thuê người khác làm. Ví dụ:

  • Sơn tường
  • Rửa xe ô tô
  • Phụ làm đồ để kịp trả cho khách dịp cao điểm (nếu gia đình bạn buôn bán gì đó).

Lưu ý: Bạn chỉ nên trả con một khoản tiền vừa phải và không áp dụng tuỳ tiện.

Tổng hợp

> Phần 1: Tầm quan trọng của việc nhà và Danh sách việc nhà phù hợp với tuổi của trẻ

> Phần 3: Mẹo giúp trẻ luôn hứng thú với việc nhà