Tuyển sinh lớp 6: “Kiểm tra, đánh giá năng lực” khác với “kiểm tra, đánh giá kiến thức”

Một trong các tin được quan tâm nhiều nhất trong tháng 12/2017 là dự thảo ảnh hưởng đến việc tuyển sinh lớp 6 của các trường “nóng”: Bộ Giáo dục – Đào tạo công bố dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18.4.2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo. Trong đó có sửa đổi, bổ sung khoản 2, điều 4 của thông tư hiện hành. Cụ thể: thông tư hiện hành chỉ quy định: “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển”, thì dự thảo mới bổ sung: “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, sở giáo dục và đào tạo hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.
Như vậy, với những trường không thực hiện nhiệm vụ phổ cập, tuyển sinh học sinh theo đúng tuyến tuyển sinh được phân công (tức là không “phải bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn”) thì được phép có hình thức tuyển sinh kiểm tra, đánh giá năng lực.
Nhiều dư luận đồng tình với việc bỏ lệnh “cấm thi” này, nhưng cũng băn khoăn về cách thi: “kiểm tra, đánh giá năng lực” để tuyển sinh lớp 6 vào một số trường đặc thù khác gì thi tuyển ngày trước?

Theo báo Thanh Niên ngày 21/12:

“Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), cho rằng có nhiều cách để kiểm tra đánh giá năng lực HS và nên để mỗi trường chủ động lựa chọn một cách thức phù hợp với mong muốn về đối tượng đầu vào của trường mình, chứ không phải chỉ có cách thức duy nhất như bài thi của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM).
Bà Thúy cho biết, ý tưởng ban đầu là trường sẽ áp dụng hình thức tuyển sinh không gây căng thẳng nhưng vẫn đạt được mục tiêu chọn lọc HS, đó là một ngày trải nghiệm làm HS THCS dành cho thí sinh đăng ký dự tuyển vào trường. HS sẽ có một ngày trọn vẹn ở trường, tham gia các hoạt động trải nghiệm, những cuộc trao đổi nhẹ nhàng để thể hiện sự hiểu biết của bản thân về cuộc sống, về lịch sử, về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên… Những giáo viên tham gia trải nghiệm cùng các em sẽ là những người lặng lẽ quan sát, đánh giá và lựa chọn những HS phù hợp.”
Ông Nguyễn Xuân Thành (ảnh) , Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) đã trao đổi với PV Báo Thanh Niên làm rõ thêm một số thắc mắc về việc “Kiểm tra, đánh giá năng lực” để tuyển sinh lớp 6. Ông Thành cho biết:
“Kiểm tra, đánh giá năng lực khác với kiểm tra, đánh giá kiến thức. Đánh giá năng lực HS là đánh giá việc thực hành giải quyết các tình huống thực tiễn mà ở đó đòi hỏi HS phải huy động kiến thức tổng hợp để xử lý thông tin, phát hiện và giải quyết vấn đề.
Để đánh giá một hay một nhóm năng lực nào đó, cần phải giao cho HS thực hiện giải quyết những tình huống cụ thể qua đó đánh giá được khả năng huy động và sử dụng kiến thức của HS… Để đánh giá năng lực toán học thì không thể chỉ ra đề kiểm tra kiến thức toán qua các bài toán có sẵn mà phải giao cho HS những vấn đề đòi hỏi HS phải sử dụng thêm kiến thức của các môn học khác mới giải quyết được…
Năng lực của HS chỉ có thể được hình thành và phát triển trong thời gian dài cùng với quá trình dạy học trong các nhà trường, ở đó HS không chỉ được trang bị kiến thức mà quan trọng hơn là được tạo điều kiện để vận dụng kiến thức vào các tình huống trong thực tiễn học tập và cuộc sống. Nghĩa là năng lực của HS phải được hình thành thông qua “cách học” và “cách vận dụng” kiến thức mà HS được thực hiện trong cả quá trình dạy học chứ không thể luyện trong một thời gian ngắn thông qua “cách làm bài đánh giá năng lực” trên giấy. Hơn nữa, việc kiểm tra, đánh giá năng lực HS sẽ được nhà trường thực hiện theo nhiều phương thức đa dạng, đòi hỏi các em phải thực hiện nhiệm vụ thực tế chứ không chỉ là bài đánh giá năng lực trên giấy. Việc kiểm tra, đánh giá năng lực HS trong tuyển sinh vì thế sẽ không làm phát sinh tình trạng dạy thêm, học thêm gây ra những áp lực không cần thiết đối với HS.
Quy định của Bộ là để các trường được chủ động xây dựng phương án tuyển sinh theo phương thức kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực HS. Đánh giá năng lực là đánh giá việc “thực hiện” nên các trường cần lựa chọn phương thức kiểm tra, đánh giá năng lực một cách phù hợp, bao gồm việc yêu cầu HS phải thực hành, trải nghiệm, thuyết trình, trả lời phỏng vấn… chứ không phải và không nên chỉ là các bài kiểm tra trên giấy. Vì vậy, cần các trường xây dựng và thực hiện phương án tuyển sinh phù hợp với mục tiêu của trường.”

>> Xem thêm bài viết của cô giáo Trần Mai Phương: Vào lớp 6: Thế nào là KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ?

1835 Share