Sách hay “Bà ngoại thời @” theo cảm nhận của một học sinh lớp 7

Bà ngoại thời @ và các cuốn sách nổi tiếng cùng tác giả
Bà ngoại thời @ và các cuốn sách nổi tiếng cùng tác giả

Các bạn đã bao giờ nghe thấy tên của nữ tác giả nổi tiếng Susie Morgenstern chưa? Bà Morgenstern là tác giả của cuốn truyện “Những lá thư không gửi” đã đạt được hơn 20 giải thưởng danh tiếng. Bà còn có những tác phẩm văn học khác như “Yêu là cưới” rất được ưa thích. Những cuốn truyện của bà có thể lôi cuốn độc giả ở bất kì lứa tuổi nào, tạo nên những tiếng cười cho người đau buồn nhất và đưa ra những bài học cho những kẻ lạnh lùng nhất. Những câu chuyện của bà luôn có nhiều bất ngờ, đầy hóm hỉnh đồng thời ngầm truyền đạt những bài học có ý nghĩa. Lần này, tôi sẽ giới thiệu cho các bạn cuốn sách “Bà ngoại thời @” – cuốn sách đã gây cho tôi những ấn tượng mạnh mẽ.

Cuốn sách Bà ngoại thời @

Trong cuốn sách này, Susie Morgenstern đã nhập vai vào nhân vật chính trong truyện: một người bà giản dị nhưng tâm huyết. Người bà đó – Martha phải nhận nuôi đứa cháu 16 tuổi Sam bị nghiện màn hình máy tính và điện thoại. Cách bố mẹ thằng bé đối phó với chuyện này là gửi nó sang nhà bà ngoại – nơi không có ti vi, điện thoại, máy tính hay bất cứ đồ điện tử nào. Nhà của Martha như từ 5 thế kỉ trước. Đúng là việc này có ảnh hưởng lớn đến Sam, nó bắt đầu thay đổi. Và thật không ngờ, cả bà ngoại nó cũng thay đổi. Martha biến thành một bà già chuyên lọ mọ máy tính, chùm chăn vào giữa đêm. Bà bắt đầu khám phá chiếc máy tính laptop nhỏ bé mà cốt mua về để giấu Sam. “Không bao giờ là quá muộn để học một thứ gì đó mới!

Mục lục phần 3 cuốn sách Bà ngoại thời @

Trong truyện, Martha là một người bà tâm huyết, sẵn sàng hi sinh về con cháu. Bạn cứ nghĩ thử xem, nếu con bạn nhờ bạn nuôi suốt cả năm trời một đứa cháu 16 tuổi tham ăn trong khi bạn đã gần 60 tuổi, bạn cảm thấy thế nào? Bạn hẳn sẽ từ chối rồi, nhất là khi bạn là người ưa thích sự im lặng, bình yên trong căn nhà ấm cúng của mình. Nhưng Martha thì khác. Tình yêu bao la của Martha với con cháu của bà không gì sánh nổi. Thay vì một tuần đi chợ một lần, mỗi ngày phải đi chợ một lần. Thay vì có một bữa sáng bình yên lúc 6h, bữa sáng sang trọng tại những  nhà hàng ồn ào lúc 10h. Thay vì những tối im lặng đọc sách, lại phải tính toán xem những gì mai sẽ làm…. Nói chung, bà phải thay đổi tất cả các thói quen lâu năm của mình để gần gũi, thích nghi được với đứa cháu của mình. Bà đã có những khoảng thời gian khó khăn, nhưng bà vẫn chấp nhận với thái độ vui vẻ, hóm hỉnh. Martha chính là hình mẫu của một người bà hoàn hảo, tâm huyêt nhất mà tôi từng biết, chí ít là phần đầu của câu chuyện. Ai ai cũng sẽ có lúc phạm sai lầm, quan trọng là họ biết cái sai và chỉnh sửa. Martha cũng vậy. Bà đã không làm phụ lòng con mình bằng cách giúp cháu mình cai nghiện máy tính. Tuy nhiên, bà lại bị cái màn hình máy tính nuốt chửng, y như cháu bà trước đây. Sau cùng, bà cũng hiểu được những tác dụng cũng như tác hại của máy tính. Bà đã chỉnh sửa kịp thời. Câu chuyện này cũng là một cảnh báo về thời đại công nghệ thông tin ngày nay: đôi lúc ta nên bỏ cái điện thoại xuống và dành thời gian cho gia đình thân thương.

Đan xen cùng với những ý nghĩa thầm kín, “Bà ngoại thời @” mang lại những tiếng cười sảng khoái cho bất kì lứa tuổi nào. Tác giả cũng muốn nói về những khác biệt giữa các thế hệ khi sử dụng Internet. Dù là ai, đôi lúc, chúng ta nên để cái máy tính sang một bên, và dành thời gian cho những người mà mình yêu thương. Câu chuyện cũng nói về tình cảm sâu đậm của người bà đối với những người cháu. Không có ai là hoàn hảo, nhưng sẽ có người thân hoản hảo, không ai sánh bằng trong mắt những người thân yêu của mình.

Phòng khách nhà này trông có giống một phòng chờ không? Hãy bỏ các thiết bị xuống để SỐNG cùng gia đình. Ảnh minh họa: phoneaway.com

Tôi cũng là người thích công nghệ thông tin và những tính năng hữu ích của máy tính và Internet. Nhưng đương nhiên là tôi không chùm chăn lên chiếc máy tính và gõ gõ hàng đêm như Martha đâu! Máy tính tuy vô cùng hữu ích, giúp đỡ rất nhiều cho con người, nhưng ta không nên quá lệ thuộc vào máy tính, cụ thể là Mạng xã hội – Internet. Ta có thể dùng máy tính để giải trí đôi lúc, nhưng không nên ôm cái điên thoại và máy tính để chơi game hay xem phim cả ngày. Ta nên dùng Internet để học tập, tra cứu tài liệu,.. Dù sao chăng nữa, dù là làm việc hay giải trí, ta cũng chỉ nên dùng máy tính trong khoảng thời gian nhất định để tránh cận thị. Đó là những lời khuyên và trải nghiệm của bản thân tôi. Từ cuốn sách này, tôi nhận ra cả một khoảng trời tri thức, tình cảm qua những trang sách.

Cuốn sách “Bà ngoại thời @” gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ về sự dí dỏm mà ý nghĩa của câu chuyện. Sự hài hước của Susie Morgenstern được thể hiện rõ nét, nhưng ý nghĩa sâu xa của nó lại được che giấu một cách cẩn thận, khéo léo. Tôi yêu cuốn sách này là vì mỗi khi đọc nó, dù tâm trạng có buồn hay giận, tôi đều có thể vui vẻ trở lại. Tôi hi vọng các bạn cũng có thể cảm nhận được sự hài hước cùng với ý nghĩa sâu xa của cuốn sách. Mỗi trang sách là một bầu trời, bạn không thể nào đo đạc được nó, mà bạn chỉ cảm nhận được sự trong lành mà thôi!

S.M – Học sinh lớp 7, năm học 2017-2018

2594 Share