Tóm tắt (Summarize) – kỹ năng đọc hiểu được sử dụng thường xuyên

Kỹ năng tóm tắt là gì?

Khái niệm về kỹ năng đọc hiểu Tóm tắt
(Ảnh: Mrs. Warner’s 4th Grade Classroom)

Đó là sáng tạo phiên bản ngắn gọn của một văn bản dạng nói hoặc dạng viết, sử dụng ngôn từ của bạn, nhấn mạnh những ý chính và loại bỏ mọi thứ không cần thiết. Tóm tắt còn hơn cả kể lại câu chuyện: kỹ năng tóm tắt liên quan tới việc phân tích thông tin, phân biệt những yếu tố quan trọng và không quan trọng, biến đổi những mảng thông tin lớn trở thành những câu ngắn gọn kết nối với nhau.

Các văn bản hư cấu và phi hư cấu, phương tiện truyền thông, các cuộc đối thoại, cuộc họp và sự kiện đều có thể được tóm tắt.

Ví dụ: Để tóm tắt bộ phim “Memento”, bạn có thể khẳng định: Bộ phim là dòng hồi ức ngược thì gian của một người đàn ông đang cố gắng truy tìm kẻ đã giết hại vợ mình nhưng lại bị mất trí nhớ ngắn hạn. Ông theo dấu sự việc bằng cách chụp ảnh và tự xăm các thông tin quan trọng lên người.

Một số từ khóa gợi ý để thực hành kỹ năng tóm tắt
Một số từ khóa gợi ý cấu trúc tóm tắt câu chuyện (Ảnh: A cupcake for the Teacher)

Tại sao kỹ năng Tóm tắt lại quan trọng?

  • Tóm tắt cho phép cả trẻ và cha mẹ (học sinh và giáo viên) giám sát việc đọc hiểu tài liệu.
  • Tóm tắt giúp trẻ hiểu cấu trúc tổ chức của bài học hoặc văn bản.
  • Kỹ năng tóm tắt là kỹ năng đọc hiểu mà phần lớn người trưởng thành đều thành thạo nếu muốn thành công.

Tóm tắt và xem xét hợp nhất và củng cố việc học những ý chính. Những thành tố cấu trúc này không chỉ hỗ trợ việc ghi nhớ thông tin mà còn cho phép lĩnh hội thông tin dưới dạng một thể thống nhất dựa trên mối quan hệ giữa các phần. (J.E. Brophy và T. L. Good, 1986).

Tổng hợp các nghiên cứu về kỹ năng Tóm tắt, Rosenshine và đồng nghiệp phát hiện ra rằng, các phương pháp nhấn mạnh khía cạnh phân tích của Tóm tắt có tác động mạnh mẽ tới việc học sinh có khả năng tóm tắt tốt đến đâu (1996).

Làm thế nào để thực hành kỹ năng Tóm tắt?

  • Giới thiệu kỹ năng Tóm tắt cho trẻ bằng cách chỉ ra rằng, trên thực tế, trẻ vẫn tóm tắt bằng miệng mỗi ngày.
  • Làm mẫu một phần tóm tắt bằng miệng khi tóm tắt thứ gì đó bạn đã xem trên tivi hoặc một cuộc đối thoại giữa bạn với người khác. Chỉ ra rằng, tóm tắt không bao gồm các ý kiến cá nhânVí dụ:

Tối hôm qua, Việt Nam đã giành chiến thắng trước Thái Lan trong trận chung kết Tiger Cup diễn ra trên sân vận động Mỹ Đình. Đội tuyển Việt Nam thắng với tỷ số 2-0. Công Phượng là người ghi cả 2 bàn thắng cho tuyển Việt Nam.

  • Giải thích cho trẻ cách bạn quyết định sẽ nhớ và kể lại điều gì trong phần tóm tắt này.

Kết quả, tỷ số, cầu thủ ghi bàn đã được nhắc đến nhưng không phải là các chi tiết từng cầu thủ chơi ở vị trí, diễn biến mỗi hiệp ra sao…Ý chính được bắt đầu ngay từ câu đầu tiên, hay còn gọi là câu chủ đề. Chỉ ra rằng, phần tóm tắt này không bao gồm bất cứ ý kiến nào về trận bóng (Ví dụ: Đội Việt Nam đã chơi rất hay, đội Thái Lan thì chơi cực kỳ mờ nhạt…).

  • Đề nghị trẻ thực hành việc tóm tắt bằng miệng những chủ đề quen thuộc hoặc thú vị, như “Những việc em đã làm cuối tuần trước” hay “Một ngày đến trường” trước khi tiến hành tóm tắt văn bản dạng viết.
  • Để giới thiệu các cách khác nhau trong tóm tắt văn bản hư cấu và phi hư cấu, xem xét lại các khác nhau cơ bản giữa hai thể loại này.
Bảng gợi ý thực hành kỹ năng Tóm tắt với văn bản hư cấu
Bảng gợi ý thực hành kỹ năng Tóm tắt với văn bản hư cấu (Ảnh: Cruisin’ Through 4th Grade)

Văn bản hư cấu

Để giúp trẻ tóm tắt văn bản hư cấu, giới thiệu với trẻ bản đồ câu chuyện (story map) hoặc công cụ hình ảnh hoá văn bản (Graphic Organizer).

  • Đề nghị trẻ điền các thông tin về một văn bản hư cấu mà trẻ vừa đọc hoặc tóm tắt một chương trong cuốn sách mà trẻ yêu thích.
  • Trẻ cũng có thể tóm tắt phần lời trong một bài hát/bài thơ yêu thích.
  • Với trẻ nhỏ hơn, đọc to một câu chuyện rồi đề nghị cả nhóm trẻ cùng điền vào bản đồ câu chuyện.
  • Khi trẻ đã hoàn tất bản đồ câu chuyện, đề nghị trẻ dùng bản đồ đó để tóm tắt bằng miệng văn bản hư cấu.
  • Sau đó, để trẻ sử dụng bản đồ câu chuyện, viết một đoạn tóm tắt văn bản. Đảm bảo rằng phần tóm tắt của trẻ có đề cập tới các nhân vật chính mâu thuẫn và cách giải quyết mâu thuẫn.
Mẫu bản đồ cho kỹ năng tóm tắt một câu chuyện
Một mẫu bản đồ câu chuyện (Ảnh: Strategy)

 

Mẫu bản đồ cho kỹ năng tóm tắt chuyện
Một mẫu bản đồ câu chuyện khác (Ảnh: Pinterest)

 

Bảng cấu trúc gợi ý để thực hành kỹ năng Tóm tắt
(Ảnh: We are Teachers)
Tóm tắt bằng các mẫu 1 câu cho từng ý.
Tóm tắt bằng các mẫu 1 câu cho từng ý. (Ảnh: Pinterest)

 

Một số mẫu Graphic Organizer dùng trong kỹ năng Tóm tắt
Một số mẫu Graphic Organizer dùng trong kỹ năng Tóm tắt (Ảnh: Edraw)

Văn bản phi hư cấu

Trẻ cần thực hiện các bước sau:

  • Đọc lướt văn bản để nắm được ý chung của chủ đề
  • Loại bỏ những tư liệu thừa hoặc không cần thiết
  • Tìm ý chính trong văn bản
  • Tìm hoặc tạo ra một câu chủ đề
  • Sử dụng thay thế những thuật ngữ chung khi thích hợp (ví dụ, “cây” thay cho cây phong, cây thông…)

Minh hoạ cách sử dụng những bước trên để tóm tắt một bài báo chứa thông tin hoặc một văn bản phi hư cấu.

Để trẻ sử dụng các bước tóm tắt thứ gì đó trẻ đọc được trên một tờ báo địa phương hoặc một cuốn tạp chí, một phần của cuốn sách hướng dẫn quy định trong trường, một đoạn ngắn trong sách giáo khoa.

Với trẻ nhỏ, đề nghị trẻ làm việc theo nhóm để tóm tắt một bản tiểu sử hoặc bất cứ tài liệu thực tế nào mà bạn có.

  1. Bắt đầu bằng việc đọc lướt văn bản để nắm được ý chính của văn bản (văn bản nói về điều gì?).
  2. Khoanh những câu không cần thiết hoặc câu thừa để giúp trẻ nhận ra thông tin nào có ý nghĩa then chốt trong việc truyền tải thông điệp của văn bản.
  3. Đánh dấu các từ và cụm từ khoá, vạch ra các ghi chú về ý chính của văn bản. Hướng dẫn trẻ tìm kiếm các từ tín hiệu như Do đó (Therefore), Tóm lại (In conclusion/ In summary).
  4. Để trẻ tóm tắt bằng miệng văn bản phi hư cấu cho một trẻ khác.
  5. Sau đó, để trẻ đọc lại văn bản và viết một đoạn tóm tắt. Trong bản toám tắt này, trẻ phải chỉ ra được ý chính của văn bản ngay trong câu đầu tiên và bổ sung thông tin quan trọng nhất. Đảm bảo rằng trẻ không đưa ra bất cứ ý kiến nào của mình hoặc câu chuyển thẳng từ văn bản gốc sang.

Chi tiết về phương pháp đọc hiểu - Phần 4: Tóm tắt (Summarizing)

(Ảnh: Wiki How)

Làm thế nào để gợi mở suy nghĩ của trẻ?

Sau đây là một số câu hỏi chung để giúp trẻ xem xét khi tóm tắt văn bản hư cấu hoặc phi hư cấu:

  • Chuyện gì đã xảy ra?
  • Những ai có liên quan trong đó?
  • Kết quả là gì?
  • Thông tin quan trọng nào nên có mặt trong phần tóm tắt?
  • Ai đó đọc được phần tóm tắt này của mình có thực sự hiểu các ý chính trong văn bản không?

Một số trẻ có thể nhầm lẫn giữa tóm tắt và diễn giải lại văn bản. Giải thích cho trẻ rằng:

  • Tóm tắt giống với diễn giải lại văn bản bởi cả hai phương pháp này đều yêu cầu trẻ phải tìm ra được ý chính của câu chuyện hoặc bài báo và diễn đạt ý chính đó bằng ngôn từ của mình.
  • Tuy nhiên, khác biệt chủ yếu giữa tóm tắt với diễn giải văn bản nằm ở chỗ: Tóm tắt thường kể lại một bài báo hoặc câu chuyện trọn vẹn. Còn diễn giải lại văn bản tập trung vào các thông tin cụ thể nằm trong một bài báo hoặc câu chuyện.

Ví dụ: bạn có thể đề nghị trẻ diễn giải lại một đoạn trong một chương của sách giáo khoa và tóm tắt lại toàn bộ chương đó.

Chi tiết về phương pháp đọc hiểu - Phần 4: Tóm tắt (Summarizing)

(Ảnh: RILINK Schools)

Sử dụng kỹ năng Tóm tắt khi nào?

  • Đọc/Học tiếng Anh

Đề nghị trẻ tóm tắt các câu chuyện, 1 chương trong cuốn tiểu thuyết, 1 hồi trong vở kịch, 1 bài thơ hoặc 1 câu chuyện ngắn.

Đề nghị trẻ tóm tắt cuộc đời của tác giả hoặc một văn bản khoa học giả tưởng hoặc giả tưởng mang tính lịch sử.

  • Viết

Đề nghị trẻ dùng bản đồ câu chuyện (story map) để tóm tắt một tác phẩm hư cấu hoặc phi hưu cấu trong một đoạn ngắn.

Đề nghị trẻ viết một đoạn tóm tắt phong cách viết mà tác giả trẻ yêu thích đã sử dụng.

  • Toán học

Đề nghị trẻ tóm tắt một định lý quan trọng trong môn hình học như định lý Pitago, công thức phương trình bậc hai…

Đề nghị trẻ tóm tắt cuộc đời của một nhà toán học nổi tiếng như Pitago.

  • Các môn nghiên cứu xã hội

Tóm tắt các sự kiện dẫn tới một sự kiện lịch sử như cuộc Nội chiến.

Đề nghị trẻ tóm tắt cuộc đời của một nhân vật lịch sử quan trọng như Martin Luther King hay Abigail Adams.

  • Khoa học

Đề nghị trẻ tóm tắt quá trình quang hợp, một thí nghiệm khoa học mới đây hay cuộc đời của một nhà khoa học quan trọng như Marie Curie, Thomas Edison…

> Danh mục sách tiếng Anh trong Raz-kids mở rộng được thiết kế cho trẻ phát triển kỹ năng này

> XEM THÊM CÁC KỸ NĂNG ĐỌC HIỂU KHÁC

> Tìm hiểu tổng quan về kỹ năng đọc và các kỹ năng đọc hiểu

Tài liệu tham khảo: