Tư duy phản biện là gì? Làm gì để giúp con phát triển tư duy phản biện?

Ngày càng có nhiều phụ huynh nhận thức rõ về tầm quan trọng của tư duy phản biện (critical thinking) – một trong những kỹ năng tư duy thiết yếu của thế kỉ 21. Bài viết này trả lời những câu hỏi sau đây:

  • Tư duy phản biện là gì?
  • Tại sao trẻ em Việt Nam kém phát triển tư duy phản biện?
  • Quá trình tư duy phản biện như thế nào?
  • Làm thế nào để cha mẹ giúp trẻ phát triển tốt tư duy phản biện?

Tư duy phản biện là gì?

Tư duy phản biện không đơn thuần chỉ là khả năng đưa ra những ý kiến “phản biện”, càng không phải là việc đưa ra những ý kiến chống đối hay phê bình tiêu cực.

Tư duy phản biện
Ảnh minh họa, nguồn: Internet
 Tư duy phản biện chính là khả năng chủ động của một người trong việc suy nghĩ và giải quyết các vấn đề. Việc thiết lập tư duy phản biện dựa trên 4 yếu tố cơ bản:
  • Suy nghĩ logic và chủ động nghiên cứu: sử dụng phương pháp khoa học để tiếp cận vấn đề, loại bỏ tác động của cảm xúc. Người có khả năng tư duy phản biện không đón nhận thông tin một cách thụ động (tiếp nhận, tin ngay mà không đặt câu hỏi về tính chính xác) hay để phụ thuộc vào cảm xúc, mà ngược lại:
    • biết đánh giá, phân tích nó một cách chủ động, dựa trên những sự kiện, sự vật có thật, có minh chứng khoa học, từ đó đưa ra câu trả lời chính xác. Ví dụ như đặt câu hỏi thông tin có chính xác hay không? đến từ nguồn nào ? tại sao chính xác ? tại sao không chính xác, phải tìm sự thực ở đâu,…
    • đồng thời có cái nhìn tổng quan, có khả năng so sánh, liên hệ với vấn đề khác (Vấn đề chính đặt ra là gì? Tác động của nó? Cần làm gì để hạn chế nguy cơ hoặc để khai thác lợi ích).
  • Tự nhận thức: khả năng nhận thức dựa trên kinh nghiệm và phân tích những điều đã từng xảy ra, học cách loại bỏ các phán đoán cá nhân bị tình cảm chi phối.
  • Tư duy “ bên ngoài hộp” : Thách thức bản thân bằng những câu hỏi, có khả năng nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh, tìm hiểu toàn bộ sự thật chứ không chỉ đứng trên một góc nhìn, sau đó chọn cách giải quyết hợp lí nhất.

Thiếu tư duy phản biện, con người sẽ cứ đi theo lối mòn dập khuôn, không am hiểu bản chất của những việc mình đang chấp thuận hay đang làm, và mất đi khả năng sáng tạo.

Tư duy phản biện, hiểu theo nghĩa thông thường nhất, là khả năng suy nghĩ, lập luận, đánh giá vấn đề thay vì chấp nhận như một điều hiển nhiên.

Ở  cấp tiểu học và thậm chí ở các cấp học còn lại tại Việt Nam, học sinh quen đọc một đoạn kiến thức, đơn thuần chấp nhận nó là đúng và học theo để nhắc lại trong các kỳ thi. Tuy nhiên tại các nước có nền giáo dục phát triển, học sinh cần sử dụng kỹ năng tư duy phản biện với những kiến thức đó, có nghĩa là không dừng lại ở việc bị động đọc và học thuộc kiến thức, mà phải chủ động tự đặt ra những câu hỏi xoay quanh và đi sâu vào chủ đề đó như về nguyên nhân, hệ quả, các mối liên hệ, quan điểm, so sánh, thuận lợi và hạn chế.

Ví dụ, trong giờ học kinh tế, giáo sự đưa một ý sau trong bài giảng: An open-market system is the best. (Hệ thống thị trường mở là tốt nhất)

Việc cần làm không chỉ là ghi lại câu đó và đưa nguyên vào bài thi. Câu nói trên hoàn toàn có thể chỉ là một quan điểm chủ quan của giáo viên. Bạn cần cân nhắc kỹ và đặt ra cho mình những câu hỏi như:

  • Why is an open-market economic system the best?(vì sao hệ thống thị trường mở lại tốt nhất)
  • How do you know it’s the best? What research do you have to prove this?(từ đâu mà bạn cho rằng đâu là hệ thống tốt nhất? Bạn đã làm những nghiên cứu nào để chứng minh điều này?)
  • Is an open-market system the best for every country?(hệ thống thị trường mở có phải là tốt nhất cho mọi quốc gia không?)
  • What problems does an open market cause? (những mặt hạn chế của thị trường mở là gì?)

Tại sao trẻ em Việt Nam kém phát triển tư duy phản biện?

Chúng tôi đồng ý với tác giả Thiên Kim/TNO  về bốn lý do quan trọng như sau:

Thứ nhất là hệ thống giáo dục hiện nay mới chỉ tập trung trong việc truyền đạt kiến thức cho trẻ, chứ chưa tạo điều kiện để các em phát triển tư duy phản biện.

Các thầy cô giáo phải dạy theo khuôn mẫu, trẻ em học theo một khuôn mẫu, với những kiến thức khuôn mẫu.
Cách giảng dạy này tạo ra những đứa trẻ thụ động trong suy nghĩ. Từ thụ động trong suy nghĩ sẽ dẫn đến thụ động trong hành động.

Thứ hai là xã hội truyền thống Việt Nam chưa đánh giá cao việc trẻ … lập luận với người lớn.

Nhiều người vẫn cho rằng trẻ cần phải nghe lời, còn lí luận, phản đối quan điểm của ông bà, cha mẹ, người lớn hơn tuổi là dấu hiệu của … hỗn hào.
Đơn giản như việc trẻ tuyên bố rằng ‘bố mẹ không có quyền đánh con’ – điều khá bình thường ở nước ngoài thì đối với nhiều người Việt hành vi này thể hiện sự … coi thường, chống đối, và lại càng đáng … đánh.

Thứ ba là toàn xã hội Việt Nam còn thiếu cái nhìn … mở.

Những ý tưởng mới thường bị đánh giá là điên rồ, khác người, làm thui chột mong muốn “phá cách” của cá nhân. Cái nhìn hẹp của xã hội cũng làm cho con người không dám bứt phá, sáng tạo.
Ngược lại, tại nhiều nước phát triển, hệ thống giáo dục đặt trọng tâm vào việc nâng cao khả năng lập luận của học sinh.
Ví dụ như ở Pháp, học cách đánh giá sự việc, nâng cao cảm giác gắn bó của cá nhân với xã hội, tích cực tham gia vào cải thiện chất lượng cuộc sống cộng đồng là ba mục tiêu mà trường học có nhiệm vụ đạt được trong việc giảng dạy học sinh.

Thứ tư là ở Việt Nam, triết học bị “coi thường”

Nhiều người vẫn coi triết học là… quá cao siêu mà lại … vô tích sự. Còn hệ thống giáo dục thì chỉ có mô này cho sinh viên cấp đại học.
Trong khi đó, nhiều nước phát triển đang có “mốt’ là cho trẻ em học triết học từ rất sớm, vì đây là một cách hướng trẻ tới việc học khả năng lập luận logic và độc lập. Triết học đã nằm trong chương trình giáo dục từ cuối cấp 2 hoặc từ đầu cấp 3 ở nhiều nước, như ở Pháp, Italia, Bồ Đào Nha (bắt buộc), hay ở Đức, Thụy Điển, Thụy Sĩ (lựa chọn không bắt buộc).
Ở Pháp – đất nước được mệnh danh là “ai cũng thích suy nghĩ, và suy nghĩ cho cả thế giới’ – môn triết học là môn chính, và bắt buộc phải thi đậu nếu muốn có bằng tú tài.
Tất nhiên, ở cấp trung học, chương trình triết học không hề có mục đích tạo ra các cá nhân uyên thâm, “từ điển sống”. Mục đích quan trọng nhất của chương trình này là khuyến khích trẻ tư duy logic và tự do, không giới hạn.
Đặc biệt nhất là từ cách đây hơn chục năm, Pháp đã thí điểm phát triển một số lớp học thí điểm môn triết học ở … cấp 1. Các em được hướng dẫn thảo luận chủ đề “các câu hỏi lớn về cuộc sống” – mà các nhà triết học lớn như Kant, Rousseau đã tìm cách trả lời.
Bộ sách của Pháp ‘Những Platons tí hon” (Les Petits Platons) cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới, để hướng sự quan tâm của các bạn nhỏ vào triết học.
Rất đáng tiếc là ở Việt Nam, tư duy phản biện chưa được coi là yếu tố quan trọng tạo nên người công dân có ích cho xã hội. Chính vì thế, việc giảng dạy trong nhà trường vẫn là để các em “tiêu thụ kiến thức” chứ chưa là “suy nghĩ kiến thức”.
Lí do của vấn đề này một phần nằm trong chương trình giáo dục, phần khác nằm trong năng lực cũng như tầm nhìn hạn chế của nhiều giáo viên và các bậc phụ huynh – không đánh giá cao cũng như “ngại” trao đổi một cách “bình đẳng” với trẻ.

Quá trình tư duy phản biện như thế nào?

Mô hình sơ đồ tư duy phản biện của đại học Plymouth:

Những hoạt động trong quá trình tư duy phản biện thường bao gồm:

  • Tìm hiểu, đánh giá thực trạng: trả lời 5 câu hỏi Wh, sử dụng những bằng chứng phù hợp,
  • Phân tích:  tạo mối liên hệ giữa các ý, tổng hợp, phân loại, so sánh, nêu quan điểm và bảo vệ quan điểm,
  • Chỉ ra vấn đề, đánh giá lựa chọn giải pháp.

Một quá trình tư duy phản biện được coi là tốt khi đạt được những tiêu chí: rõ ràng, mạch lạc, chính xác, thống nhất, ngắn gọn, phù hợp, có những giải thích và lý do phù hợp, khách quan, toàn diện và có chiều sâu.

Áp dụng trong học tập:

  • Khi đọc những chương dài của tài liệu, sách giáo khoa, bạn nên lấy giấy bút ghi lại những ý chính để tiện theo dõi. Hãy chọn và ghi các ý theo một phương pháp khoa học ví dụ như viết các quan điểm và kết luận ở cột bên trái và các bằng chứng, giải thích và những ý hỗ trợ ở cột bên phải tương ứng.  Sau đó nhìn vào bảng tổng kết để ghi bổ sung thêm những ý kiến của mình bằng một màu mực khác.  Bên cạnh đó để có được cái nhìn khách quan hơn bạn có thể thảo luận với bạn bè hay những người cùng hứng thú, am hiểu về lĩnh vực đó để có được những cách nhìn khác nhau.
  • Một kỹ năng quan trọng không kém là liên hệ với những tài liệu khác trong cùng lĩnh vực, những nghiên cứu về cùng một vấn đề của các tác giả khác để có được những cái nhìn đa chiều và sau đó so sánh các quan điểm với nhau. Sau đó bạn có thể nghĩ đến những ý kiến đối lập trái chiều, đặt ra câu hỏi liệu có thể đưa ra những lý do thuyết phục để phản bác quan điểm đó không. Quan trọng nhất là kỹ năng đặt ra các câu hỏi sâu và rộng quanh chủ đề của bài đọc, những câu hỏi phức tạp đòi hỏi thời gian và quá trình suy nghĩ nhất định để tìm câu trả lời như: Bài đọc được viết nhằm đến đối tượng độc giả nào, những điểm yếu mạnh, logic suy luận của bài đọc, mối quan hệ giữa các ý, những điều thừa nhận và ý nghĩa giá trị của bài đọc.

Làm thế nào để cha mẹ giúp trẻ phát triển tốt tư duy phản biện?

Bạn không cần bất kì một công thức bí mật nào để có thể giúp cho con bạn phát triển kĩ năng mềm này của bản thân. Điều duy nhất bạn cần phải làm chính là tạo ra những bài học về giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày và cho con tham gia vào đó.

1. Hãy hỏi con “ Tại sao? ”

4 cách nâng cao khả năng tư duy phản biện cho trẻ nhỏ

Hãy nhớ lại những lúc bạn dường như phát điên lên với những câu hỏi “tại sao” của con, bởi chúng thực sự khiến bạn cảm thấy bế tắc và phải bắt bản thân suy nghĩ để đưa ra câu trả lời. Tại sao bầu trời có màu xanh? Tại sao quả bóng lại hình tròn? Những câu hỏi như vậy luôn khiến bạn phải động não, và bây giờ chính là lúc bạn phản công, hãy hỏi con những câu hỏi tại sao nhiều nhất có thể.

Khi con bạn đối diện với một vấn đề nào đó, chẳng hạn như đứa trẻ muốn một món đồ chơi điện tử mới, hãy hỏi tại sao. Câu trả lời có thể là bởi nó rất phổ biến và đó là thứ mà mọi đứa trẻ đều có. Tiếp đó, hãy đào sâu vấn đề, hỏi chúng tại sao nó lại nổi tiếng đến vậy. Dựa vào những câu trả lời tiếp sau, hãy đào sâu hơn, sâu hơn nữa. Đó là cách để đứa trẻ hiểu được nhiều hơn về những thứ xung quanh và cũng là cơ hội để chúng có thể tự nhìn nhận cái lợi và cái hại của những gì chúng đang yêu cầu.

2. Tạo cơ hội cho những cuộc tranh luận

4 cách nâng cao khả năng tư duy phản biện cho trẻ nhỏ

Nếu như con bạn muốn đòi hỏi quyền lợi hay muốn tranh luận về một vấn đề gì đó, hãy tạo cơ hội cho chúng. Nếu như con muốn được thức khuya hơn, hãy cho chúng cơ hội để giải thích về lí do chúng muốn làm điều đó. Thay vì nói cho chúng lí do vì sao bạn không ủng hộ việc làm này, hãy để chúng tự đặt mình vào tình huống, để chúng tự suy nghĩ xem tại sao bạn lại làm vậy.

Hãy nghĩ về giải pháp. Có thể nguyên nhân mà bạn không muốn chúng ngủ muộn chỉ là vì chúng không thể dậy sớm cho kịp giờ học. Hãy tạo cơ hội cho con được thử nghiệm với phương án của mình trong khoảng một tuần để xem xem liệu chúng có thể thích nghi với điều đó hay không. Hãy cho con tự tổng hợp dữ liệu thu được mỗi ngày, về mức độ mệt mỏi khi thức dậy vào buổi sáng và khả năng tập trung ở trường. Sau đó, hãy cùng trao đổi vấn đề này với con, thức muộn hơn 1 giờ đồng hồ có thể không hiệu quả, nhưng 30 phút có lẽ sẽ ổn. Nếu như con đồng ý, hãy thử lại quá trình áp dụng thử nghiệm trên một lần nữa.

3. Để con tự tìm hiểu mọi thứ

4 cách nâng cao khả năng tư duy phản biện cho trẻ nhỏ

Việc nâng cao tư duy phản biện bắt nguồn từ chính những thử thách hàng ngày mà bạn bắt con phải tự tìm hiểu về thế giới xung quanh. Nếu như con muốn đi xem phim, hãy để chúng tự tìm hiểu về thời gian và giá cả ở các rạp phim. Với những đứa trẻ lớn hơn, hãy để con tự mua bỏng ngô và đồ uống, tự bắt xe để đi tới rạp. Cùng với đó, hãy bảo chúng tìm hiểu về những phản hồi của những người đã từng xem để biết được liệu mình có đang tiêu tốn tiền một cách lãng phí hay không.

Đây chính là cách bạn giúp con tự tìm tòi và học hỏi. Không chỉ dừng lại ở việc xem phim, hãy ứng dụng vào những công việc hàng ngày khác để xem con bạn có thể làm được gì nhé!

4. Cùng con nấu cơm và sửa lỗi

4 cách nâng cao khả năng tư duy phản biện cho trẻ nhỏ

Không gian bếp chính là nơi để thực hành ứng dụng tư duy phản biện cho cả trẻ em và người lớn. Mỗi bữa ăn đều có thể được sử dụng để nâng cao khả năng này. Hãy cho con nhận xét về những món ăn, hỏi chúng làm thế nào để có thể cải thiện mùi vị của chúng, và tại sao.

Nấu ăn cùng với con cũng là một cách giúp trẻ xây dựng kĩ năng giải quyết vấn đề. Nếu như thất bại trong việc nướng bánh, đó là cơ hội để trẻ tìm hiểu tại sao vấn đề này lại xảy ra, và đó là cách con có thể giải quyết vấn đề ở những lần tiếp theo. Vừa có thể dạy con nấu ăn, vừa giúp con nâng cao tư duy phản biện, quả thực là một cách hay phải không nào?

5. Tham khảo những chia sẻ của cô giáo Nguyễn Diệp

Tại FB group Con Tự Học, cô giáo (dạy cấp 3) Nguyễn Diệp đã có bài chia sẻ quan điểm của bản thân về việc dạy con tư duy phản biện trong vai trò là một phụ huynh:

“Mình nói rất thành thật mình ko theo một trường phái giáo dục nào, một công trình nghiên cứu nào một cách triệt để. Mình tin vào vai trò giáo dục của cha mẹ nên dẫn dắt con thông qua trò chuyện và hoạt động ở nhà rất nhiều.

1. LÀM GƯƠNG, LÀM GƯƠNG VÀ TIẾP TỤC LÀM GƯƠNG
Nếu bản thân bạn không có cái nhìn phản biện, đa chiều và chủ động trong quá trình tiếp cận tri thức thì rất khó trong việc con cái bạn cũng vậy.

Làm gương từ những việc rất nhỏ ví dụ con và bạn tranh cãi bạn lắng nghe cả hai, hai con tranh cãi bạn nghe cả hai cùng giải thích… Bố mẹ dùng phương thức nói chuyện để trao đổi với nhau. cách tiếp cận thông tin ko mặc định chính là khởi đầu của tư duy phản biện. Chứ ko phải bố mẹ luôn luôn biết “cãi” mới là làm gương.

2. TÔN TRỌNG VÀ TIẾP TỤC TÔN TRỌNG
Thực ra việc đưa ra ý kiến của bản thân phụ thuộc rất nhiều vào việc người đối diện có kĩ năng lắng nghe hay không, mà sự lắng nghe trước tiên bắt đầu từ tôn trọng. Việc bạn tôn trọng con, tôn trọng những ý kiến của con sẽ thúc đẩy con dám nói suy nghĩ của mình. Dám nói chính cảm nhận, suy nghĩ của bản thân chính là chủ động và không mặc định đón nhận thông tin một chiều từ bố mẹ rồi.
Thực ra việc tôn trọng con sẽ là khởi đầu cho nhiều vấn đề giáo dục khác không chỉ là phản biện

3. GỢI MỞ TRONG MỌI VẤN ĐỀ
Với mình ko có câu chuyện nào chỉ có một kết thúc, không có bài toán nào chỉ có một cách giải và không có vấn đề gì chỉ có một lí do. Nên mình rất hay hỏi các câu hỏi gợi mở như vì sao? Còn gì nữa ko? Và áp dụng nó cho cả những việc nhỏ xíu hàng ngày. Ví dụ con kể hôm nay bạn A nghỉ học mẹ ạ? Mẹ sẽ hỏi: ko biết vì sao bạn nghỉ học nhỉ? Con: chắc bạn ốm mẹ ạ! Mẹ: ừ có thể thế thật. Nhưng ko biết có lí do nào khác ko nhỉ? Hay nhà bạn đi du lịch? Cứ thế hai mẹ con nghĩ ra rất nhiều các lí do khác nhau cho việc bạn nghỉ học… Bất cứ chuyện gì mình cũng gợi mở con như thế để con tìm ra được các nhiều thông tin, càng nhiều lí do càng tốt. Một mặt nó khiến con ít thành kiến và mặc định cứ A là phải B mà có cái nhìn rộng mở hơn. Mặt khác nó giúp con rất dễ trong việc thông cảm với những vấn đề của mọi người xung quanh.

Mình cũng hay cùng con tự kể các câu chuyện. có khi là chuyện thật, có khi là dựa vào một nhân vật trong chuyện nào đó, người nào đó con gặp rồi tưởng tượng ra và mỗi mẹ con phải tự nghĩ ra một câu chuyện khác nhau hoặc một kết thúc khác nhau dù cùng các chi tiết cơ bản ban đầu. Nghe có vẻ khó nhưng câu chuyện đơn giản lắm. Chuyện ăn, chuyện chơi, chuyện chó, chuyện mèo… tình huống thì cỏn con gần gũi hàng ngày thôi!

4. HÃY DÙNG NGÔN NGỮ ĐỂ THUYẾT PHỤC
Bất kì điều gì con muốn con đều phải học cách trình bày thuyết phục bố mẹ để được đáp ứng. Bố mẹ có nhiệm vụ lắng nghe và dù ko thích việc đó nhưng nếu lí lẽ thuyết phục đủ hợp lý bố mẹ vẫn cần cân nhắc để đáp ứng yêu cầu.
Chúng mình thống nhất với nhau, con khóc, con ăn vạ,… hay con dùng bất cứ hình thức gì mà ko trực tiếp bày tỏ với bố mẹ một cách thuyết phục thì chúng mình đều ko đáp ứng kể cả nhờ sự hỗ trợ của người thân. Nói nghe có vẻ to tát nhưng đơn giản là con muốn mặc váy con chọn chứ k phải mẹ chon (dẫu cái mẹ chọn hợp lý hơn) bố mẹ sẽ ok nếu con đưa ra được lí do. Nếu hôm đó con có phải chịu lạnh bố mẹ cũng chấp nhận. Còn bố mẹ muốn con lựa chọn theo bố mẹ thì cũng phải thuyết phục con như thế cho tới khi con đồng ý. Quyết định cuối cùng của những việc cá nhân con do con, bố mẹ chỉ quyết định với những việc lớn hơn và nghiêm trọng hơn. Đôi bên đều dùng cách thuyết phục nhau.

Chính quá trình đó đòi hỏi đứa trẻ buộc phải tư duy để tìm ra lí do hợp lý mặt khác cũng phải bác bỏ được lí lẽ của bố mẹ. Trẻ thường ko nói được những điều to tát nhưng lại nói rất thật cảm xúc, suy nghĩ của bản thân. Đó cũng chính là quá trình tập luyện khả năng phản biện.”

Lời kết

Xây dựng kĩ năng tư duy phản biện là một trong những điều vô cùng cần thiết để giúp trẻ có thể tự hoàn thiện mình và thành công trong tương lai. Các bậc cha mẹ hãy luôn lưu tâm, tìm tòi bổ sung những phương pháp phù hợp để hỗ trợ con hình thành và phát triển kỹ năng này.

8 ứng dụng giúp phát triển tư duy phản biện cho trẻ