Trẻ đánh nhau: Can thiệp ngay hay để trẻ tự giải quyết?

Trẻ đánh nhau vì tranh giành đồ chơi, lượt chơi là một trong rất nhiều chuyện gây khó cho cha mẹ. Nhiều phụ huynh băn khoăn có nên giao quyền giải quyết xung đột cho trẻ hay người lớn phải lập tức “ra tay”?

Tình huống cụ thể

Mới đây, trên FB Group Con Tự Học, thành viên Tran Hue đã chia sẻ câu chuyện về con gái 3 tuổi của mình và bạn hàng xóm bằng tuổi. Hai bé chơi với nhau rất thân, thích chơi cùng nhau. Tuy nhiên, nhiều lúc, vì tranh giành đồ chơi nên các bé đánh nhau.

Theo quan điểm của chị:

  • sẽ can ngăn hai đứa để chúng không làm tổn thương nhau
  • sau đó sẽ giải thích cho hai đứa và giải quyết bằng cách khác cho việc tranh chấp

Lý do là:

1. Em đồng ý là mình không bao bọc và lường trước được mọi tình huống khi con ra ngoài. Và khi đó nó phải tự xử lý.

Nhưng em nghĩ là khi con còn nhỏ, mình hãy dạy con cách cư xư tốt đẹp nhất. Không gây tổn thương cho mình cho bạn. Mình không nên đánh bạn trước. Còn nếu bị đánh thì con phải học cách chống đỡ và phản ứng lại để mình không bị thương.

  • Như trong trường hợp hai bạn tranh đồ chơi tại nhà em:

Bao giờ em cũng hỏi con mình: Con có muốn bạn ở lại chơi với con không? Nếu có con phải cho bạn chơi đồ của con. Nếu không bạn đi về thì con sẽ không được chơi với bạn. Hơn nữa đây là đồ của con, con có thể chơi lúc khác. Và nếu giờ con cho bạn mượn đồ chơi thì khi con sang nhà bạn có thể bạn sẽ cho con mượn.

  • Còn nếu con sang nhà bạn chơi mà tranh đồ với nhau:

Em sẽ bảo con: Đây là đồ của bạn. Nếu bạn đồng ý con mới được chơi. Bé nhà em lúc đầu không hiểu nên cũng vẫn phản ứng rất bản năng là không cho và giật đồ của bạn, không tranh được cũng khóc, khóc không được cũng đánh nhau. Nhưng dần dần con hiểu và mọi thứ nhẹ nhàng hơn. Con vẫn tranh đồ nhưng là hỏi: bạn cho tớ mượn một tí thôi nhé. Hoặc bạn đừng tranh đồ của tớ kẻo tớ buồn nhé!… Nói xong thì vẫn tranh nhau, nhưng càng ngày con càng tiến bộ hơn…

2. Em nghĩ trẻ con như tờ giấy trắng. Vậy hãy giúp con ghi lên đó những gì tốt nhất có thể.

Còn ra xã hội, con sẽ gặp những điều mới, có xấu có tốt và con cũng ghi nhận trong não. Nhưng khi có sự cơ bản của bố mẹ thầy cô dạy những điều tốt đẹp thì hướng xử lý của con sẽ tốt hơn là để con bản năng quá, cứ của mình là ” không cho”; cứ của người khác mình mạnh hơn mình “giật được” là giật.

3. Giả sử như trong một lớp học.

Nếu các thầy cô cứ đứng nhìn hai đứa học sinh, hai nhóm học sinh tự giải quyết vấn đề bằng bạo lực thì cả lớp sẽ hỗn độn thế nào? Nếu không có cái cơ bản từ gốc là dạy các con cư xử lễ độ, hiền hòa yêu thương nhau? Vậy để con cứ sống bản năng từ bé thì có nên không các anh chị?

Ảnh: honeymama.ru
Ảnh: honeymama.ru

Trong khi đó, quan điểm của mẹ bé hàng xóm thì trái ngược.

Đó là “cứ để chúng đánh nhau và tự giải quyết vấn đề của mình dù cho hai đứa bị thương”.

Lý do là:

1. Chị không sợ con mình bị thương.

Trẻ con nó cũng có mối quan hệ của nó giống như xã hội thu nhỏ của người lớn. Nó cũng phải tự giải quyết những mâu thuẫn rắc rối của nó để nó trưởng thành. Chứ người lớn mình làm sao lường trước được cho nó mọi tình huống. Làm sao mình bao bọc nó mãi được… Rồi nó vẫn phải ra xã hội, lúc đó lại thừa kiến thức nhưng thiếu trải nghiệm.

2. Người lớn chỉ đứng quan sát để chúng nó tự học cách giải quyết mâu thuẫn.

Can thiệp khi có tình huống xấu và trò chuyện sau đó. Trẻ con phải được trải nghiệm từ bé. Vì sau 3 tuổi não nó hình thành gần như não người lớn.

Chia sẻ của cộng đồng mạng

CTH Edu xin được trích dẫn một số chia sẻ từ các thành viên trên FB Group Con Tự Học về vấn đề: Khi trẻ đánh nhau để giành đồ chơi hay mâu thuẫn nào đó, cha mẹ có nên lập tức can thiệp hay để trẻ tự giải quyết?

1. Ủng hộ quan điểm lúc đầu quan sát, nếu trẻ đánh nhau, mới can thiệp.

Dang Nguyen Hoang:

Cách nào cũng có 2 mặt, như bạn đã nói. Và mình nghĩ nó tốt như nhau với điều kiện cha mẹ phải theo sát con cái. Mình thì chọn cách hành xử giống bạn. Bởi mình muốn các con trước hết tập suy nghĩ và sử dụng các biện pháp mềm dẻo trong giao tiếp.

Hà Phạm:

Vote cho cả 2 quan điểm. Đầu tiên nên để 2 con tự giải quyết như chị hàng xóm nói. Nhưng sau đó, người lớn phải ra phân tích ngay như bạn nói. Chứ không phải để bọn nó tranh giành đánh nhau là kệ luôn.

Ảnh: The Parent Within
Ảnh: The Parent Within

Tham Nguyen:

Để con tự giải quyết đi bạn. Đứng ngoài quan sát thôi. Trừ trường hợp nó choảng nhau bạo lực thì mình ngăn. Nhưng mình nghĩ không đến nỗi vậy đâu. Nói với con, mẹ để con tự quyết định. Khi nào con cần mẹ giúp, gọi mẹ. Khi bạn đến nhà chơi, kệ nó. Bạn kia muốn chơi phải tự học cách “xin xỏ”. Không cần dài dòng giải thích với con đâu. Giải thích lúc khác.

Nguyên Kan:

Mình đồng ý quan điểm của chị kia, là để hai đứa tự giải quyết. Nhưng đồng thời quan sát để kịp thời ngăn chặn những hành động nguy hiểm. Sau đó xong xuôi rồi mình sẽ nói chuyện với cả hai cháu. Thoả hiệp với nhau là tốt. Nhưng bạo lực thì không.

Dang Le:

Mình đã dạy con theo quan điểm của bạn. Nhưng giờ khi con được 10 tuổi, mình thấy nếu được quay lại thời gian, mình sẽ làm như chị hàng xóm. Tại thấy con lại ngoan quá. Toàn nhường các bạn. Nhiều khi làm gì cũng phải để ý… Nhiều lắm. Nói chung là trong cuộc sống hàng ngày mới thấy được.

Thu Ha Nguyen:

Mình ủng hộ quan điểm của hàng xóm nhà bạn. Và mình vẫn đang dạy con như thế: tự xử, tự giải quyết mâu thuẫn. Con nhà hàng xóm nhà mình sang chơi rất hay mách. Có lúc không mách cũng dọa con mình là đã mách mẹ cậu rồi. Con nói luôn mẹ tớ không can thiệp đâu. Chúng lại tiếp tục tự chơi và xử lý được. Mình góp ý răn dạy vào lúc khác. Nhưng không nên ép buộc con cách khuôn mẫu quá. Nó thui chột sự sáng tạo và chính kiến riêng đi bạn ạ.

Cuc Chi:

Tùy vào tính cách và cách xử lí của 2 đứa mà mình có cách ứng xử khác nhau. Nếu chúng đánh nhau gây thương tích thì phải can thiệp. Còn không thì để chúng tự giải quyết, thương lượng với nhau. Đó cũng là cách chúng học cách giải quyết vấn đề trong cuộc sống sau này. Như con em thì đa số là để con tự giải quyết với bạn. Nhưng khi chơi với bạn hung hăng có thể xô ngã hoặc gây thương tích thì cần can thiệp với cả 2 bạn ngay lúc đó. Đồng thời dạy con kĩ năng xử lí tình huống với những bạn hung hăng như vậy khi mình không có ở đó.

Dang Tuan Khang:

Hãy để chúng tự giải quyết cho tới khi chúng bắt đầu đánh nhau. Đánh nhau là dấu hiệu của việc không tự giải quyết được nên cần có sự can thiệp của trọng tài.

Bảo Bảo:

Đồng ý là bố mẹ có thể hướng dẫn con cách xử lý tình huống nhưng nên nhìn theo phương diện trẻ nhỏ. Trẻ con đơn giản lắm. Không phức tạp như người lớn. Có thể nay cãi nhau, xít nhau nhưng rồi lại quên ngay ý mà. Mai lại vui vẻ cười đùa, chơi với nhau bình thường. Các mẹ cũng không nên quan trọng hóa vấn đề để ép con xử lý theo cách của mình. Để chúng tự giải quyết trong phạm vi cho phép. Bạn là người hiểu con bạn nhất. Mẹ khác cũng vậy.

Theo quan điểm của mình khi trẻ cãi nhau hay đánh nhau đừng bao giờ nghĩ con mình đúng. Trước hết hãy để 2 bạn tự giải quyết. Rồi hãy lắng nghe và phân tích sau. Để các con không cảm thấy ai được thiên vị hay ấm ức.

Ảnh: Parents Magazine
Ảnh: Parents Magazine

2. Ủng hộ quan điểm phải can thiệp ngay:

Thu Dvt:

Nếu giải quyết bằng lời nói thì ok. Bạo lực thì can thiệp luôn. Mình thấy để con trải nghiệm cũng tốt. Nhưng bạo lực mình không chấp nhận. Có những đứa trẻ rất hung, bố mẹ kệ con. Gần nhà mình có 1 em bé mà bây giờ không ai muốn cho con chơi cùng, hung hăng, hay tranh giành mà lại còn bạo lực. Bố mẹ thấy con cầm cả chai nước đánh vào đầu con nhà người ta nhưng trơ mắt ra nhìn, chả nói gì. Sau khi chứng kiến tận mắt mình cũng không cho con nhà mình chơi cùng nữa. Ai gạch đá mình cũng ok. An toàn vẫn trên hết. Gần mực thì đen. Bạn của con mà hiền hòa lịch sự thì con cũng vậy.

Bich Lan:

Cùng ý tưởng với em. Tự xử lý các việc của mình là đúng. Nhưng các con còn bé. Không thể cứ bạo lực ra choảng nhau để giải quyết vấn đề. Hãy dạy con cách cư xử văn minh, lịch sự, nhường nhịn và chia sẻ (nếu có thể).

Huong Tran:

Đã đánh nhau là người lớn phải can thiệp bạn ạ. Là tớ, tớ bắt dừng chơi, qua 1 góc để xử lí. Cho 2 đứa trình bày vấn đề. Rồi xử con mình trước. Con sai ở chỗ này này, lần sau con nên thế này, con xin lỗi bạn đi. Rồi đến con hàng xóm cũng vậy. Đã đánh nhau thì đứa nào cũng có tí lỗi.

Nói với giọng nghiêm khắc nhưng lại không chì chiết. Xong xuôi rồi lại nhẹ nhàng bảo chúng nó chơi tiếp như chưa có chuyện gì xảy ra.

Trường hợp mà tình trạng lặp lại liên tục thì nghỉ chơi với bạn đó 1 vài tuần. Sau lại chơi lại, khi đó 2 đứa cũng tạm dứt chuỗi gây gổ 1 thời gian cũng đỡ đành hanh nhau hơn.

Ảnh: Big Think
Ảnh: Big Think

Ý kiến từ chuyên gia, báo chí

1. Trang Hello Bác sĩ:

Bé không tự nhiên biết cách giải quyết mọi thứ được, bé cần trải qua một quá trình dài học hỏi. Vậy nên bạn đừng vội can thiệp nếu như chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra giữa bọn trẻ. Thỉnh thoảng, đánh nhau là cách bé tìm cách giải quyết sau những xích mích. Bạn có thể cho các bé 1, 2 phút để cãi nhau, va chạm nhau miễn là không bé nào bị thương.

Tuy thế, bố mẹ cũng cần can thiệp khi xảy ra những bất thường. Đó là tình huống như một bé không chịu ngừng lại, trong khi bé kia đã muốn đầu hàng, hoặc khi bạn nghĩ rằng bạn có thể hóa giải xích mích này giúp các bé và cũng giúp không gian yên tĩnh hơn.

2. Bài viết trên trang web của trường Mầm non Jumbokiz (TP. HCM):

Ở đây, lời khuyên đầu tiên được đưa ra là: Cha mẹ nên hạn chế can thiệp ngay lập tức. Khi đám trẻ bắt đầu cãi nhau ỏm tỏi, bạn có lẽ sẽ muốn can thiệp ngay lập tức. Tuy nhiên, sẽ là tốt hơn nếu bạn để cho trẻ một cơ hội để học và trưởng thành. Hãy để chúng tự giải quyết mâu thuẫn của chúng.

3. Trang TheAsianparents phiên bản tiếng Việt:

Bạn nên can thiệp vào các cuộc chiến đấu của trẻ không?

Không phải lúc nào cũng vậy. Chính xác là tùy trường hợp.

Có những khoảnh khắc khi con phải đương đầu với các trận cãi vã mà con không thể giải quyết được, và tần suất lập đi lập lại nhiều lần.

Thậm chí con còn bị bắt nạt, bị bạo lực và thường phải ấm ức chịu những sự bắt nạt này. Đây là lúc các bậc phụ huynh phải tiến vào để ngăn cản bất kỳ trường hợp bắt nạt gia đình càng sớm càng tốt, cho dù con có yêu cầu sự giúp đỡ của phụ huynh hay không. Nhưng những thời điểm như thế phụ huynh đóng vai trò quan trọng để hướng dẫn con đi đúng hướng. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ em. Những trẻ em thường xuyên thua hay bị bắt nạt trong các cuộc cãi vã sẽ bị chấn thương cảm xúc, thiếu tự tin, cô đơn và dần sẽ tự cô lập mình.

Đừng bước vào các cuộc chiến mà bạn thấy con đang cố gắng hết sức để giải quyết xung đột của mình.

Hãy cho con cơ hội làm điều đó. Công việc của chúng ta là quan sát và đảm bảo sự an toàn. Nếu chúng ta đảm nhận vai trò của một thẩm phán hoặc trung gian hòa giải, con sẽ liên tục tìm cách để bạn vượt qua sự phán xét và trừng phạt. Hoặc luôn tìm đến bạn dù chỉ một sự không hài lòng của bản thân con. Vì con nghĩ mẹ hay bố luôn ở đó giúp mình phân xử. Và như vậy, việc tập trung vào học và khám phá làm thế nào để giải quyết sự khác nhau của mình với thế giới xung quanh mình sẽ dần bị mất.

Tệ hơn nữa, nếu trẻ em bị miễn cưỡng buộc phải dừng cuộc chiến mà không có bất kỳ sự giải thích những vấn đề cơ bản nào, hậu quả của nó là con trẻ vẫn cứ ấm ức. Và dần đi đến oán giận mà cứ đè nén mãi sẽ một ngày bùng nổ lớn hơn. Thậm chí, vì con biết bố mẹ sẽ bắt mình ngừng cuộc chiến và không cần biết nguyên nhân đúng sai, con sẽ luôn hành động trước để thỏa nỗi ấm ức của mình. Và hành động trước đó là đánh, đá hay cắn đối phương trước khi có thể phân bua ai đúng ai sai.

4. Phương Đặng, tác giả cuốn sách “Giỏi tiếng Anh không tốn mấy đồng”:

Khi con có hành vi đánh, hãy ngăn con lại, tách con ra khỏi đối tượng mà con đang đánh, và giải thích ngắn gọn “Con không được đánh. Đánh sẽ khiến người khác đau.” Có thể con sẽ bức xúc và khóc khi bị ngăn cản; hãy để con khóc và có thời gian bình tĩnh lại.

Ảnh: Quick and Dirty Tips
Ảnh: Quick and Dirty Tips

Các lưu ý dành cho cha mẹ

1. Trao đổi và thống nhất nguyên tắc khi chơi

(Theo thành viên Lan Tong của FB Group Con Tự Học)

  • mẹ phải trao đổi nguyên tắc với con
  • và thống nhất nguyên tắc đó
  • để con biết con nên làm gì và như thế nào.
  • thưởng phạt rõ ràng cho những hành vi tốt và không tốt để con cảm nhận được hậu quả.

Nguyên tắc khi chơi với bạn:

1. Không đánh bạn.
2. Khi bạn đánh, ngừng chơi với bạn, giải thích cho bạn nt là không tốt
3. Khi muốn chơi đồ chơi của bạn phải hỏi, bạn đồng ý mới được chơi
4. Khi bạn muốn chơi đồ chơi của mình, phải hỏi. Mình đồng ý mới được chơi
4. Nếu không muốn chia sẻ đồ chơi với bạn, bạn không chia sẻ đồ chơi với mình.

Nếu con vi phạm những nguyên tắc này:

  • lần 1 mẹ nhắc để con nhớ,
  • lần 2 con phải chịu hậu quả, ngừng chơi hoặc không được làm gì đó. 
  • nên nói đúng lúc và không nên nói quá nhiều vào lúc con không tiếp thu. 

2. Quy tắc 3C

(Theo Jumbokiz)

Trường hợp phải can thiệp, hãy nhớ quy tắc “3C”: compassion (thông cảm), conviction (sự kết án hay kết tội), and consequences (hậu quả, kết quả).

Nếu trẻ nhỏ không thể tự giải quyết mâu thuẫn của chúng, dĩ nhiên là đại đa số các trường hợp rồi, bạn hãy cố gắng nhớ 3 quy tắc trên trong đầu. Hãy cảm thông cho những việc mà trẻ nhỏ đang trải qua trong việc gây lộn với đám bạn. Hãy lắng nghe và tôn trọng lời kết tội của bé. Nhưng hãy nhấn mạnh sự thật rằng những hành động của chúng có thể dẫn đến những hậu quả hay kết quả gì.

3. Hãy để ý và giải quyết tâm trạng của trẻ trước khi dạy trẻ

(Theo Jumbokiz)

Nói chung, cách tiếp cận tốt nhất khi trẻ giành đồ chơi với nhau là bằng sự thông cảm và thấu hiểu. Hãy để trẻ biết rằng cảm giác của chúng là đúng và hợp lý. Tốt nhất hãy nói “Mẹ biết là con sẽ buồn và giận dữ khi phải chia sẻ chiếc xe đồ chơi này. Nhưng dù cho có buồn hay giận đi chăng nữa, con cũng phải là một đứa trẻ ngoan, một người bạn tốt và phải cho Nam chơi chung 1 lượt chứ”.

4. Hãy quyết định cùng với trẻ (không phải là quyết định thay trẻ)

(Theo Jumbokiz)

Khi bạn can thiệp và giải quyết tranh cãi, bạn nên cho trẻ lý do tại sao bạn quyết định như vậy. Hãy hỏi trẻ ý kiến của bé và hãy lắng nghe chúng. Hãy cố gắng kéo trẻ vào tiến trình giải quyết sự việc của bạn.

5. Không bênh vực bên nào. Không chỉ ra “thủ phạm”

(Theo Jumbokiz)

Hãy đứng trung gian.

Và đừng đặt nhiều chú tâm đến những gì mà trẻ đang tranh luận, hay cãi nhau. Ngay cả khi một đứa trẻ sai rành rành ra đó. Sẽ không có ích gì khi nói về bé đó đâu. Hãy cố gắng tập trung tìm kiếm giải pháp.

Không quy kết bản chất của trẻ.

Ngay cả khi một đứa trẻ đặc biệt nào đó thường xuyên là nguyên nhân của việc tranh giành đồ chơi, không có ích gì khi chỉ định “nó” như là một “đứa bé hư”; “đứa bé hay gây rắc rối”; “kẻ bắt nạt” hay “đứa hay ăn hiếp bạn”. Và bạn không bao giờ gọi chúng bằng những cái tên như vậy. Làm như vậy có thể làm ảnh hưởng đến tính tự trọng và sự tự tin của trẻ.

Hơn thế nữa, nếu bạn gọi một đứa trẻ là “kẻ bắt nạt” hay đại loại như thế, chúng có thể sẽ bắt đầu tin là như vậy, điều này sẽ dẫn đến ngày càng nhiều hành vi như vậy hơn và bạn sẽ rất khó khăn để ngăn cản chúng.

6. Bản thân bố mẹ phải thật bình tĩnh

(Theo TheAsianParents bản tiếng Việt)

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc giữ bình tĩnh khi con bạn đang tranh luận là rất quan trọng. Khi những cảm xúc của con trong tình trạng hỗn loạn, con cần những kiến ​​thức mà ở đó, con thấy an toàn. Hãy giữ ở vị trí đó trước.

Khi con thấy bạn có thể giữ bình tĩnh giữa tiếng ồn và tiếng la hét, con sẽ từ từ tìm hiểu để bắt chước hành vi của bạn. Và đó là vô cùng hữu ích cho mọi sự xung đột xảy ra sau này trong cuộc sống của con. Đừng biến con thành kẻ hiếu chiến phải la to hơn, nói to hơn để trấn áp đối phương và hả hê trong chiến thắng đó.

7. Dạy trẻ quản lý cảm xúc và biết cách đàm phán

(Theo TheAsianParents bản tiếng Việt)

Khi cảm xúc dâng trào, trẻ không còn kiểm soát được cảm xúc và thân thể mình, trẻ có thể lao vào nhau. Hãy tách chúng ra, và cho mỗi người một khoảng không gian và thời gian để bình tĩnh lại. Bạn có thể hướng dẫn con đếm hơi thở của mình để con có thể bình tĩnh lại. Rồi sau đó nghe từng bên giải thích một cách tách biệt.

Ở thời điểm này chúng ta không nên đưa ra lời khuyên hay chỉ dạy quá nhiều. Hãy lắng nghe với mục đích duy nhất là để con được nói ra hết những uất ức của mình trước đã. Như vậy sẽ giúp con mở ra cảm xúc của mình. Việc này có thể mất vài phút đến vài giờ thậm chí lên đến ngày. Nhưng hãy giữ tâm trạng mở cho con. Hãy sẵn sàng lắng nghe bất cứ lúc nào con muốn nói, thảo luận.

Chia sẻ cảm xúc của mỗi người như thế nào là một bước đầu tiên đi đến sự đồng cảm. Dạy con lắng nghe cảm xúc của người khác. Việc này tất nhiên đòi hỏi sự kiên trì rất lớn. Và bạn nên là tấm gương tốt để trẻ noi theo.

Tổng hợp