Tổng hợp trò chơi ngôn ngữ cho bé trước khi vào lớp 1

Cha mẹ không cần mua quá nhiều đồ chơi. Chỉ vài hoạt động đơn giản với con cũng đủ để giúp trẻ phát triển nhiều kỹ năng, trong đó có kỹ năng về ngôn ngữ… Đây sẽ là nền tảng vững chắc để con tự tin đến trường. Cùng tham khảo các trò chơi ngôn ngữ dưới đây:

Trò chơi ngôn ngữ giúp bé nói to, nói rõ

1. Đua thuyền bằng hơi thở

Mục đích: phát triển việc thở ra đều, mạnh

Cách chơi:

  • Đổ nước vào chậu hoặc bát to.
  • Để 3 cái hộp rỗng vào.
  • Cần thổi chúng chuyển động từ bờ bên này sang bờ khác. Bạn nói với bé: “Con tưởng tượng xem, đây là biển nhé. Để cho tàu ra khơi, cần có gió đẩy thuyền đi. Con hít sâu vào rồi thổi mạnh đi!”.

Lưu ý:

  • Điều quan trọng là theo dõi việc thở ra. Đừng nên chơi lâu, vì bé có thể bị chóng mặt.
  • Để kích thích khẩu ngữ của bé, bạn hãy đặt những câu hỏi: “Thời tiết trên biển thế nào con nhỉ?”, “Con thấy thuyền trưởng trông như thế nào?”…

    (Ảnh minh hoạ: Câu lạc bộ Đọc sách cùng con)
    (Ảnh minh hoạ: Câu lạc bộ Đọc sách cùng con)

2. Dàn nhạc đặc biệt

Mục đích: phát triển việc tiếp nhận âm thanh

Cách chơi:

  • Chuẩn bị 6 chiếc hộp và 3 kiểu vật liệu khác nhau (ngũ cốc, hạt cườm, bi ve…)
  • Cứ 2 hộp lại chứa cùng một loại vật liệu để âm thanh phát ra như nhau.
  • Chia đều ra, bạn giữ 3 hộp, bé giữ 3 hộp.
  • Lắc hộp để tạo âm thanh rồi yêu cầu bé tìm ra hộp có âm thanh tương ứng trong bộ hộp của mình.

Lưu ý:

Có thể tạo sự hấp dẫn cho trò chơi bằng cách đặt những tên gọi thú vị như; tiếng ồn, quả bom…

3. Bài hát kì diệu

Mục đích: Học về những nguyên âm

Nguyên nhân là một phần vô cùng quan trọng của ngôn ngữ. Nên dạy bé phát âm nguyên âm một cách rõ ràng:

  • âm “a” – miệng mở rộng (như “cái cửa sổ nhỏ”),
  • âm “o” – đôi môi tròn lại một tí và giơ ra phía trước (như “cái ống nhỏ”),
  • âm “i”- môi cười, thấy được răng (như “hàng rào nhỏ”).

Cách chơi:

  • Cần chuẩn bị 4 hộp.
  • Mỗi cái dành cho một nguyên âm.
  • Trên mỗi hộp vẽ khuôn mặt người: Mắt, tai, mũi, môi với tạo hình như đang phát âm nguyên âm đó.
  • Đổ xúc xắc để bé chọn hộp.
  • Khích lệ bé hát thật vang, thật to và ngân dài ở những từ có âm tương ứng. Ví dụ, bài “Cháu lên ba” thì tập trung vào nguyên âm “a”.

4. Cần cẩu

Mục đích: luyện cơ miệng.

Cơ miệng chịu trách nhiệm về phát âm đúng nhiều âm. Ví dụ, nếu như cơ miệng kém phát triển, âm “o” và “u” sẽ giống nhau, âm “s” không rõ ràng.

Cách chơi:

  • Cần 3 chiếc hộp, chính xác hơn là 6 nửa của chúng.
  • Bạn đặt một nửa lên bàn, còn bé thì dùng môi di chuyển chúng.
  • Bạn hãy nói với bé: “Con cứ tưởng tượng, mình đang ở công trường xây dựng. Con là chiếc cần cẩu. Con cần phải đem từng phần nhà tới nơi cần thiết”.

Lưu ý:

Nếu những hộp đó to quá với bé thì hãy lấy những thứ nhỏ hơn. Nhưng đừng nhỏ quá để bé khỏi nuốt chúng.

Trò chơi phát triển kỹ năng ngôn ngữ

1. Đồ hàng

Đây là trò mà các mẹ đã chơi rất nhiều thuở còn thơ. Giờ các mẹ có thể bày trò để mẹ và bé thay nhau làm người bán hàng trong siêu thị.

Chuẩn bị:

  • Một số đồ vật trong nhà, giỏ xách nhựa, giấy màu
  • Xếp các chai lọ, vật dụng có sẵn trong nhà thành các dãy song song trong phòng
  • Cho bé một chiếc giỏ xách nhựa làm giỏ mua hàng, cắt những miếng giấy màu và viết số lên cho bé làm tiền mua sắm

Cách chơi:

  • Mẹ để bé kéo giỏ hàng qua các dãy hàng mẹ xếp và chọn mua những món hàng tùy thích bỏ vào giỏ, mang ra cửa phòng cho mẹ tính tiền.
  • Sau khi mẹ tính tiền thì cho hàng vào túi để bé mang đi hệt như đi siêu thị.

Lưu ý:

  • Khi cùng bé chơi trò này, mẹ có thể kích thích khả năng ngôn ngữ của trẻ bằng cách đặt cho trẻ một số câu hỏi như “Con muốn mua gì?”, “Con có bao nhiêu tiền?”, “Con mua cái này để làm gì?”,… để khuyến khích trẻ tập nói nhiều hơn.
  • Mẹ cũng có thể cho trẻ chơi cùng các bạn khác trong lớp mầm non hoặc ở cùng khu phố để trẻ dạn dĩ và cởi mở với bạn bè hơn.

2. Cái bao bí ẩn

Chuẩn bị:

  • Một cái bao hoặc túi không trong suốt để không nhìn thấy được những vật dụng bên trong túi.
  • Cho vào đó những đồ vật hình oval và hình tròn (trứng, quả bóng nhỏ, bóng lục lạc, “hộp vàng”,…).

Cách chơi:

  • Trước khi người lớn cho những vật trên vào bao, hãy cho bé sờ chúng trước.
  • Sau đó, đề nghị bé tìm vật cần thiết qua cảm ứng: “Bàn tay con có đôi mặt thần kì đó. Con hãy nhìn và chú ý lấy cho mẹ quả bóng xem nào!” (hoặc vật khác).
  • Bạn hãy hỏi bé về đồ vật bé lấy ra khỏi bao: “Đây là cái gì?”, “Có thể chơi bóng như thế nào nhỉ?”.
  • Giai đoạn sau, hãy giúp bé phát triển khả năng mô tả bằng cách thò tay sờ một vật trong bao, mô tả hình dạng, kích thước, độ trơn nhẵn … của nó để bố mẹ/bạn chơi đoán xem bé sắp lấy ra cái gì.

Lưu ý:

  • Trong tất cả những cách chơi nêu trên các bạn có thể thay đổi vai.
  • Nên làm khi bé đã biết rõ quy tắc chơi và khẩu ngữ của bé đủ để cho phép bé dẫn trò chơi.
  • Trò chơi sẽ thú vị và hấp dẫn hơn nếu có một vài trẻ em và người lớn chơi cùng.

3. Cùng rối tập nói từ dễ đến khó

Chuẩn bị:

Bố mẹ cùng trẻ làm một số con rối đơn giản, rồi cùng trẻ nhập vai cho các nhân vật rối.

Cách chơi:

  • Đầu tiên mẹ sử dụng nhân vật rối là các nhân vật quen thuộc trong các câu chuyện đã biết
  • Cho trẻ mô phỏng hành động và nói câu thoại đơn giản của nhân vật đó.
  • Sau đó, nâng cao yêu cầu trẻ sử dụng rối để tái tạo nội dung câu chuyện.
  • Rồi để trẻ tự chọn con rối và tự nghĩ ra câu chuyện kể sáng tạo theo ý trẻ.

    Ảnh: murom-mama
    Ảnh: murom-mama

4. Tìm từ cùng âm, vần

– Tìm từ cùng âm đầu:

  • Khi cùng đi ra ngoài với con, gợi ý để bé tìm ra những thứ có âm thanh bắt đầu với chữ “m” (mèo) hoặc “x” (xe) hoặc bất kỳ chữ nào bạn và con vừa nhìn thấy.
  • Nếu ở nhà, hãy khuyến khích bé đi quanh nhà và tìm ra 5 thứ bắt đầu với chữ “c” hoặc chữ “b”…
  • Bạn cũng có thể đố bé, chẳng hạn: “Bắt đầu bằng chữ ‘b’, rất ngọt và thơm”, sau đó để bé tìm câu trả lời. Đáp án là “bánh”.

– Tìm từ cùng vần:

  • Hãy gợi ý cho con tìm những đối tượng mà kết thúc bằng những âm thanh giống nhau (ví dụ, “cá” và “lá”, cùng kết thúc bằng chữ “a”).
  • Tặng bé phần thưởng là sự khen ngợi, ngay cả khi bé trả lời chưa chính xác.

5. Hát đồng dao

Nhiều trẻ tuổi mầm non phát âm chưa chính xác (chẳng hạn: Con lợn – Con nợn, Củ cà rốt – Củ cà lốt …) chủ yếu là do cơ quan phát âm của trẻ chưa linh hoạt, nhạy cảm. Trẻ chưa biết cách điều chỉnh hơi thở ngôn ngữ và giọng nói cho phù hợp với nội dung nói.

Vì vậy, trẻ cần phải được luyện tập thường xuyên, mọi lúc mọi nơi, và thời gian lâu dài. Những bài đồng dao rất có ích để bố/mẹ và con cùng chơi và cùng luyện phát âm cho rõ tiếng.

Ảnh: Eva
Ảnh: Eva

6. Nối từ và tìm từ có tiếng…

“Em thân yêu, em ởi với ai?

Ở với bà

Bà gì?

Bà ngoại?

Ngoại gì

Ngoại xâm

…”

Ngoài trò chơi nối từ quen thuộc với bài đồng dao trên, bố mẹ có thể chơi một trò tương tự, là trò tìm từ có một tiếng nào đó:
  • cho con chọn một tiếng, ví dụ chọn “nước”.
  • con sẽ nói một từ có nghĩa có tiếng “nước”, ví dụ “nước lọc” hay “cứu nước”.
  • Sau đó đến lượt người cùng chơi. Nói một từ đã được dùng trước đó là không hợp lệ, phải tìm từ khác.
  • Ai bí quá không tìm được từ nào nữa thì bị ra khỏi cuộc chơi.
  • Người bị loại sớm sẽ được quyền chọn tiếng mới cho vòng chơi mới.

7. Nối câu dài ra

Cách chơi:

  • Dùng từ lặp lại âm đầu tạo ra một câu có hình ảnh.
  • Trẻ lặp lại chúng.

Ví dụ: 

Người lớn nói: Mẹ may
Bé lặp lại: Mẹ may
Người lớn: Mẹ may mũ mới.
Bé: Mẹ may mũ mới.

hay:

Người lớn: Nam nói.
Bé: Nam nói.
Người lớn: Nam nói nó nóng.
Bé: Nam nói nó nóng.

  • Tiếp tục trò chơi, mỗi lúc nói câu dài hơn.

Lưu ý:

Khi trẻ giỏi hơn, hãy đổi vai để con sáng tác câu còn bạn lặp lại.

Hoặc bạn và con thay phiên cùng nối cho câu dài ra mà vẫn có nghĩa (có thể không cần lặp lại âm đầu).

8. Chỉ đường

  • Bày ra một số vật cản trên đoạn đường tới đích trong sân hay phòng khách nhà bạn,
  • Bạn bị bịt mắt và để con chỉ dẫn bằng lời để giúp bạn vượt qua vật cản và tới đích.
  • Bạn sẽ thấy trò chơi giúp con biết cách chỉ dẫn chính xác, dễ hiểu và ngắn gọn hơn nhiều.

    Ảnh: PixFeeds
    Ảnh: PixFeeds

9. “Chim, thú, cá”

Cách chơi:

  • Một người đóng vai Người điều khiển. Người này vừa chỉ tay vào mọi người quanh vừa nói “Chim, thú, cá…”, rồi bất ngờ chỉ một người trong vòng và hô “chim” hoặc “thú”, hoặc “cá”.
  • Người bị chỉ phải lập tức nói tên con “chim”, con “thú”, hoặc con “cá” nào đó mà không trùng với các con đã được nói ra từ đầu cuộc chơi tới giờ. Nếu ngập ngừng không nói được ngay hoặc nói trùng thì phải tiếp tục làm người chơi (cộng bị phạt như nào đó theo luật chơi mà cả nhà thống nhất), còn nếu nói đúng được ngay thì được trở thành người điều khiển.

Dưới đây là gợi ý một số chủ đề để bạn xem xét lựa chọn khi vận dụng trò chơi này cho phù hợp với tuổi của con:

  • Chim, Thú, Cá
  • Rau, Hoa, Quả
  • Đồ chơi, Dụng cụ nhà bếp, Đồ dùng học tập
  • Tết, Giáng sinh, Trung thu
  • Gia đình, Nhà Trường, Doanh nghiệp
  • Người, Cây, Nhà (nhắc đến chủ đề nào phải nói ra tên một bộ phận thuộc chủ đề đó)

10. Mẹ/Con đang nghĩ đến điều gì?

Cách chơi:

  • Người thứ nhất lần lượt nói 3 manh mối để người thứ hai đoán xem các manh mối đó dẫn tới từ gì.
  • Trong các manh mối không nên nhắc đến tiếng nào có trong từ cần đoán.
  • Đoán đúng ngay từ manh mối thứ nhất được 3 điểm, phải dùng đến manh mối thứ 2 được 2 điểm, phải dùng cả 3 manh mối thì chỉ được 01 điểm.
  • Đoán xong một từ thì lại được chuyển thành người nêu manh mối.

Lưu ý:

  • Để trò chơi dễ hơn, có thể giới hạn những thứ sẽ cần đoán: ví dụ chỉ chơi đoán những từ:

> có trong một danh sách cho trước,

> có trong một số trang của quyển sách con đang học,

> chỉ bắt đầu bằng một số vần nào đó, hoặc bằng một chủ đề nào đó.

  • Bạn cũng có thể dùng bộ thẻ Taboo luyện nói tiếng Anh (trình độ Beginner) cho mục đích này: trẻ nhìn vào ảnh trên thẻ, và đưa ra các manh mối để bạn đoán ra thẻ định nói đến thứ gì (hoàn toàn bằng tiếng Việt).

(Tham khảo các sản phẩm trò chơi giáo dục tại đây)

Ví dụ:

Muốn nói đến từ “cân nặng”, Mẹ đưa ra manh mối thứ nhất là “Phải sử dụng một dụng cụ có chia vạch để đo nó”. Nếu con không đoán được thì thêm manh mối thứ hai: “Một con voi có số đo này lớn hơn rất nhiều một con ngựa.”. Vẫn chưa đúng thì đến manh mối thứ ba: “Kilogram là một đơn vị đo của nó “.

Đến lượt con đưa ra các manh mối cho mẹ đoán từ. Con sẽ phải động não nhiều về điều nó muốn nói tới. Còn mẹ sẽ thường thích thú cười vì cách hiểu rất hồn nhiên của con trẻ.

Tổng hợp

> Tham khảo các trò chơi cùng con giúp con vui học khác