Tôi đã dùng cách này để giúp trẻ yêu sách, mê đọc sách

Đó là dự án đam mê. Chúng thật kỳ diệu. Chúng được tạo nên để chạm vào những thứ khiến trái tim con trẻ loạn nhịp, khiến ánh mắt trẻ sáng lên long lanh. Và trẻ dồn hết hào hức, say sưa vào đó.

Cô giáo Emily Aierstok chia sẻ phương pháp dạy trẻ yêu sách, mê đọc sách cực kỳ hiệu quả của mình. Theo chia sẻ của cô, dự án đam mê được cô thực hiện lần đầu vào mùa xuân năm ngoái. Sau đây là cách thức tiến hành dự án đam mê và nó đã giúp thay đổi mối quan hệ của cô Emily với học trò, với việc đọc sách mãi mãi như thế nào.

Tôi đã dùng điều này để giúp trẻ thêm yêu sách và mê nhiều sách (Ảnh: We Are Teachers)

Dự án đam mê là về sự lựa chọn

Yêu cầu đầu tiên tôi giới thiệu đến học trò là: Tìm một cuốn sách mà các em thích. Có rất nhiều lựa chọn ngày nay: tiểu thuyết có tranh minh hoạ, sách nói, sách phi hư cấu… Để khởi động dự án đam mê dành cho việc tự đọc, hãy trao cho trẻ thời gian khám phá càng nhiều loại sách càng tốt.

Tiếp theo, cho trẻ 1 tuần để làm quen với sách của mình. Khi việc đọc đã đi vào ổn định, giới thiệu dự án đam mê với một buổi tìm kiếm ý tưởng lớn. Giải thích rằng dự án đam mê nghĩa là trẻ thiết kế và tự vận hành thứ mình thích liên quan tới việc đọc.

Tôi đã dùng điều này để giúp trẻ thêm yêu sách và mê nhiều sách (Ảnh: We Are Teachers)

Bắt đầu lên ý tưởng bằng cách đặt câu hỏi: “Đam mê của con/các con là gì? Làm thế nào sử dụng đam mê đó để bày tỏ khả năng hiểu về cuốn sách?”. Ví dụ, nếu trẻ thích nấu ăn thì việc làm một chiếc bánh liên quan gì tới đọc sách? Nếu trẻ mê âm nhạc, làm thế nào để biến tình yêu đó thành một dự án? Ghi lại niềm đam mê và các ý tưởng về dự án của trẻ.

Tạo ra một tấm bảng bằng giấy trắng để trẻ có thể viết ra ý tưởng lên đó suốt tuần. Cho phép trẻ 1 tuần tiếp theo để đưa ra đề xuất cho dự án của mình.

Thực thi dự án đam mê để học sâu hiểu kỹ

Thật khó để gắn tiêu chuẩn vào đam mê. Tuy nhiên, vẫn có thể cho phép trẻ chạm vào đam mê của mình và thể hiện nó trong quá trình học tập dựa trên các chuẩn.

Để tạo ra những dự án dựa trên tiêu chí chuẩn, bắt đầu bằng cách cho trẻ danh sách các chuẩn đọc trong giai đoạn tìm ý tưởng. Ngôn ngữ có thể giản lược hoá cho phù hợp với trẻ nhỏ. Và danh sách chuẩn đọc này có thể thu hẹp xuống còn 5-10 điều có thể áp dụng được nhất.

Hướng dẫn trẻ cách biến một ý tưởng cơ bản thành ý tưởng dựa trên tiêu chí chuẩn như thế nào. Ví dụ, trẻ mê vẽ có thể trổ tài vẽ sao cho phù hợp với tiêu chuẩn 3 của đọc tác phẩm văn học. Đó là xác định cách thức các thành tố truyện tương tác với nhau. Cụ thể, trẻ vẽ về tác động của bối cảnh truyện lên nhân vật. Trẻ vừa hướng tới việc thành thạo một tiêu chuẩn quen thuộc của quá trình học tập. Đồng thời, trẻ vẫn có cơ hội thể hiện mức độ hiểu của mình qua phương tiện mình yêu thích.

Tôi đã dùng điều này để giúp trẻ thêm yêu sách và mê nhiều sách (Ảnh: We Are Teachers)

Hoàn thiện việc kiểm tra tiến độ

Dự án đam mê chủ yếu được hoàn thiện sau giờ học trên lớp. Bất kể thời gian là bao nhiêu, quan trọng là kiểm tra tiến độ của trẻ từ lúc đưa ra đề xuất ban đầu tới thời hạn nộp tác phẩm.

Việc kiểm tra có thể thực hiện 1-2 lần/tuần cho tới hạn kết thúc. Thông thường, bạn có thể cho trẻ khoảng 3 tuần để hoàn thành dự án đam mê.

Tôi đã dùng điều này để giúp trẻ thêm yêu sách và mê nhiều sách (Ảnh: We Are Teachers)

“Bung lụa”

Cảm giác khá là lo lắng, sợ sệt khi trao tự do cho trẻ trong việc thiết kế và sáng tạo một dự án lớn lần đầu tiên như vậy. Tuy nhiên, rất đáng để mạo hiểm. Khi người lớn buông tay, trẻ em sẽ “bung lụa”. Bạn sẽ kinh ngạc trước sức sáng tạo và khả năng của trẻ. Bạn có thể phát hiện ra những tiềm năng ở trẻ mà có thể bạn chưa từng biết.

Tôi đã dùng điều này để giúp trẻ thêm yêu sách và mê nhiều sách (Ảnh: We Are Teachers)

Chúc mừng thành quả của trẻ

Khi trẻ kết thúc dự án đam mê, hãy tổ chức mừng công. Một vòng triển lãm là ý tưởng mà tôi đã áp dụng. Trẻ được phát 3 tờ giấy nhắn, sau đó, chọn 3 tác phẩm của các bạn để đọc và ghi phản hồi lên giấy nhắn. Trẻ được truyền cảm hứng bởi nhau. Trẻ còn có cơ hội học hỏi từ đam mê của nhau. Bên cạnh đó là việc biết thêm những cuốn sách mới.

(Với phụ huynh, bạn hoàn toàn có thể tổ chức một buổi chia sẻ dự án đam mê của con với các thành viên khác trong gia đình. Chia sẻ cảm xúc, gửi lời khen ngợi tới con sẽ giúp trẻ thấy tự tin và cảm giác mãn nguyện vì nỗ lực đã được ghi nhận)

Tôi đã dùng điều này để giúp trẻ thêm yêu sách và mê nhiều sách (Ảnh: We Are Teachers)

Sau khi thực hiện dự án đam mê với việc tự đọc, tôi đã có cái nhìn mới về học trò của mình. Tôi biết những thứ khiến các em hứng thú với việc học. Tôi được các em truyền cảm hứng và học hỏi nhiều điều từ các em. Cảm giác gắn kết và tình yêu sách, niềm say mê đọc sách trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong chúng tôi.

Theo We Are Teachers

Hướng dẫn chi tiết các phương pháp, kỹ năng đọc hiểu quan trọng