Tại sao cần có những ngày “chẳng làm gì hết”?

Chia sẻ của một bà mẹ Úc làm việc tự do tại nhà và đang phải
“vật lộn” khi cả 3 con đang trong kỳ nghỉ hè.

Trong các kỳ nghỉ, các con tôi thường nghĩ cần phải làm gì đó
thật vui mỗi ngày. Và điều đó thật là mệt mỏi biết bao.

Làm việc ở nhà đã đủ khó khăn lắm rồi. Nào thì lau dọn nhà cửa,
chăm lo nhu cầu hàng ngày của 3 đứa trẻ, chưa kể tới việc phải nghĩ ra những hoạt
động vui vẻ mà ai cũng thích. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng hết sức mình để các kỳ
nghỉ luôn ngập tràn hoạt động.

Ảnh: PJ Library

Tôi nhận ra rằng, một phần vấn đề của mình bắt nguồn từ “cảm giác tội lỗi của người làm mẹ”.

Tôi nhìn thấy những đứa trẻ khác trên mạng xã hội, được nghỉ hè và tha hồ phiêu lưu, du lịch, khám phá bảo tàng nghệ thuật, nhảy tưng tưng trên các tấm đệm lò xo và ăn những cây kem còn lớn hơn cả đầu mình để rồi cảm thấy xót xa cho 3 đứa con mình. Trong khi bạn bè đắm chìm trong khoảng thời gian vui vẻ bên gia đình, các con tôi vạ vật quanh bếp, chờ tôi ngẩng đầu lên, rời khỏi màn hình máy tính.

Vậy nên, tôi quyết coi đó là sứ mệnh của mình – phải làm sao cho các con được làm điều gì đó thật “cool” mỗi ngày trong suốt kỳ nghỉ.

Tôi dậy sớm hơn rất nhiều để làm việc, hết giặt cả đống quần áo tới bận rộn gõ bàn phím máy tính như điên. Bằng cách đó, tôi có thời gian đưa các con ra ngoài chơi. Và khi chồng tôi không làm việc, anh ấy cũng sẽ đưa con đến một nơi nào đó thật thú vị. Bất cứ thời gian rảnh nào mà cả nhà cùng có được, chúng tôi đều lang thang trên những hành trình.

Thật mệt mỏi, tốn kiếm và kỳ cục hết sức.

Và rồi tôi chợt nhận ra. Bọn trẻ đầu phải lúc nào cũng cần
được giải trí. Nếu có những ngày “chẳng làm gì hết” hay những tuần “chẳng làm gì
hết”, tuỳ thuộc vào lượng công việc của tôi và ông xã, bọn trẻ cũng sẽ ổn thôi.

Vậy là, bắt đầu từ đó, chúng tôi đưa “những ngày chẳng làm gì
hết” vào thời khoá biểu của các con.

Tại sao cần có những ngày “chẳng làm gì hết”? (Ảnh: RussianSitters)
Ảnh: RussianSitters

Và bạn biết gì không? Bọn trẻ hoàn toàn hài lòng với việc đó.

Thay vì cuống cuồng chạy khắp nơi tìm quần áo để mặc, đánh răng,
chải tóc, bọn trẻ mặc đồ ngủ cả ngày.

Bọn trẻ chơi với các thiết bị điện tử của mình, xem tivi, đọc
sách và làm thủ công. Bọn trẻ đánh nhau và chơi các trò chơi cùng nhau. Khi không
làm gì đó, bọn trẻ lại ăn uống bởi vì trẻ con thì ăn cả ngày cũng được.

Khi tôi nghỉ giải lao – không làm việc hay việc nhà – chúng
tôi nướng bánh ngọt, bánh quy cùng nhau hoặc ôm nhau nằm trên ghế sofa xem
phim.

Ảnh: Mom, Are We There Yet?

Cuộc sống quá đỗi bận rộn với tất cả mọi người.

Học hành, chơi thể thao, tiệc sinh nhật, bài tập về nhà, các sự kiện giao lưu, việc nhà và chuông báo thức buổi sáng. Một chuỗi bận bịu không dứt.

Đôi khi, thật khó để thong thả. Và với tư cách là người lớn,
chúng ta quên mất con cái mình cũng cần có những quãng nghỉ. Điều này đặc biệt
quan trọng khi năm học kết thúc.

Bằng cách chất đầy hoạt động cho các kỳ nghỉ, dù có vui thế
nào, nó không mang lại cho bất cứ ai cơ hội được chậm lại, được tĩnh lặng.

Mà chính trong cái tĩnh lặng đó, bạn mới có thể nhìn lại toàn
bộ những gì đã diễn ra và nghĩ về những gì sắp tới. Quá trình phản tư này vô cùng
quan trọng với không chỉ người lớn, mà cả trẻ con nữa.

Có những ngày chẳng làm gì hết giúp mọi người trong nhà có cơ
hội cực kỳ cần thiết để ngừng lại và thư giãn.

Vì vậy, thay vì biến các kỳ nghỉ của con thành một chuỗi hào
hứng vô tận, tôi đảm bảo rằng, trẻ cũng cần những khoảng thời gian để gặm nhấm
nỗi buồn chán, để suy tư và chẳng làm gì hết. Nhờ đó, trẻ sẽ “sạc pin” cho cơ
thể, tâm trí và tâm hồn mình.

Theo Essential Kids