Pomodoro thực sự giúp ích cho trẻ bị tăng động giảm chú ý?

Hỗ trợ trẻ bị tăng động giảm chú ý thích nghi với việc học ở trường có lẽ không phải động cơ của Francesco Cirillo khi sáng tạo nên kỹ thuật Pomodoro. Nhưng công cụ quản lý thời gian của ông đã thực sự làm được điều tuyệt vời này.

Pomodoro và những đứa trẻ bị tăng động giảm chú ý

Kỹ thuật Pomodoro được phát minh vào những năm 1980 bởi một người Ý là Francesco Cirillo. Bằng cách đặt đồng hồ và chia thành các quãng 25 phút, chàng sinh viên Cirillo khi đó, đã cải thiện đáng kể khả năng tập trung. Và nhờ đó, hiệu suất học tập, làm việc cũng tăng lên rõ rệt.

Với trẻ bị tăng động giảm chú ý, Pomodoro có hiệu quả như với người bình thường? Trên thực tế, tài liệu học thuật chưa chỉ ra được cơ sở khoa học chứng minh cho mối liên hệ này. Nhưng câu trả lời đã được xác nhận sau khi Study.com liên hệ với một số chuyên gia về rối loạn tăng động giảm chú ý.

Pomodoro thực sự giúp ích cho trẻ bị tăng động giảm chú ý? (Ảnh: Sage Day Schools)
Ảnh: Sage Day Schools

Pomodoro giúp cải thiện những kỹ năng quan trọng nào?

Francesco Cirillo tin rằng, chìa khoá để cải thiện thói quen
học tập chính là thành thạo những kỹ năng liên quan tới hiệu suất. Cụ thể là:

1. Lên kế hoạch:

Bạn lập danh sách những việc cần làm, coi đó là lịch trình phải theo và nó sẽ giúp bạn tập trung. Khi xong 1 việc, đánh dấu tick (v) vào ô trống bên cạnh để xác nhận. Chuyển sang đầu việc tiếp theo.

2. Bắt đầu và hoàn thành công việc:

Một khi đồng hồ bắt đầu bấm giờ, bạn phải bắt tay vào việc. Sau vài phiên bấm giờ, bạn nhất định phải hoàn thành công việc.

3. Hạn chế sự xao nhãng:

Trong một phiên bấm giờ, bạn chỉ tập trung vào một thứ duy nhất. Nếu các suy nghĩ khác xuất hiện trong đầu, bạn ghi chúng ra giấy và nhanh chóng trở lại việc đang làm.

4. Tạo động lực:

Thành công bước đầu của bạn với Pomodoro giúp bạn vững tin và đương đầu với những dự án lớn hơn, khó hơn.

5. Xử lý các nhiệm vụ lớn:

Do bạn chỉ làm việc trong từng quãng ngắn – 25 phút với người mới áp dụng Pomodoro, bạn cần chia nhỏ nhiệm vụ đó. Đây chính là những đầu việc mà bạn có thể hoàn thành.

6. Tránh lãng phí thời gian:

Quãng nghỉ của bạn không dài, chỉ đủ để uống một lý nước hay nhắm mắt và hít thở để giải toả stress. Nhưng chúng có thể giúp bạn F5 tâm trí của mình và trở lại công việc.

7. Đặt mục tiêu:

Bạn thiết lập mục tiêu nhỏ cho tới khi biết được bạn đã hoàn thành bao nhiêu phần trăm công việc trong 25 phút. Sau vài lần thử, khả năng đặt mục tiêu của bạn sẽ tốt hơn lên.

8. Đặt ưu tiên công việc:

Nếu chia nhỏ dự án thành các phần dễ thực hiện, bạn sẽ biết cần ưu tiên làm phần nào trước, phần nào sau.

Lưu ý:

Pomodoro không phải cách chữa cháy tức thì trong trường hợp hạn hoàn thành công việc (deadline) đang tới rất gần. Và thực tế là không ai có thể thành thạo kỹ thuật này chỉ trong ngày một, ngày hai. Sự kiên nhẫn, bền bỉ, thời gian và năng lượng là những thứ bạn cần để biến đổi thói quen học tập xấu thành thói quen học tập hiệu quả.

Ảnh: Lifehack

Trẻ bị tăng động giảm chú ý được hưởng lợi nếu áp dụng Pomodoro?

Chuyên gia Sandra Reif, tác giả cuốn sách “How to Reach and Teach Children & Teens with ADD/ADHD”, đã tóm tắt hiểu biết của giới khoa học về việc học của trẻ bị tăng động giảm chú ý. Những đứa trẻ này thường bị tụt lại phía sau khi đến trường.

Trước hết, các kỹ năng vận hành cao cấp còn yếu của trẻ bị tăng động giảm chú ý gây nhiều khó khăn cho trẻ.

Trẻ không thể lập kế hoạch, đặt ưu tiên, bắt đầu và hoàn thành nhiệm vụ cũng như sắp xếp học liệu. Trẻ mất tập trung vào các mục tiêu và thường không biết cách đạt mục tiêu ra sao. Nếu một nhiệm vụ đòi hỏi nhiều hơn một bước để hoàn thành, trẻ không biết phải làm gì trước hết.

Thứ hai, nhiều trẻ bị tăng động giảm chú ý dành nhiều giờ nỗ lực hoàn thành bài tập.

Tuy nhiên, trẻ lại bị xao những bởi những suy nghĩ bên lề lướt qua tâm trí. Rốt cuộc, trẻ cảm thấy mình thất bại. Và nhiều đứa trẻ chọn cách từ bỏ.

Thứ ba, sự kiên trì, bền bỉ không đến một cách tự nhiên với những trẻ bị tăng động giảm chú ý.

Do đó, cho trẻ thấy cách hoàn thành những phần nhỏ của một bài tập lớn giúp trẻ duy trì hứng thú đủ lâu để có thể kết thúc công việc. Đây là ý kiến của nhà tâm lý học kiêm chuyên gia về tăng động giảm chú ý, Tiến sĩ George DuPaul.

Như vậy, theo các nhà khoa học, trẻ bị tăng động giảm chú ý có thể hưởng lợi từ một phương pháp hành vi giúp trẻ hoàn thành đúng giờ bất cứ nhiệm vụ nào, với ít lần xao nhãng nhất có thể và trẻ biết cần phải thực hiện bước nào đầu tiên.

Nói cách khác, những kỹ năng trẻ tăng động giảm chú ý cần phù hợp với kỹ năng mà Pomodoro hướng tới.

Ảnh: Atmago

Chuyên gia về tăng động giảm chú ý cũng khuyến nghị sử dụng các phương pháp tương tự Pomodoro?

Câu trả lời là “Có”.

Theo chuyên gia Reif, quản lý thời gian là kỹ năng mà các nhà giáo dục nhắm tới khi hướng dẫn trẻ tăng động giảm chú ý. Bởi nó giúp củng cố khả năng vận hành cao cấp. Bản thân bà cũng khuyên nên sử dụng đồng hồ bấm giờ: “Nói với trẻ rằng, trẻ có 5 phút để hoàn thành công việc và đặt giờ để trẻ biết khi nào hết thời gian”.

Đồng hồ bấm giờ cũng có mặt trong danh sách các phương pháp giảng dạy trẻ tăng động giảm chú ý hiệu quả của chuyên gia hành vi kiêm nhà tâm lý học nhà trường Rachel Wise.

Trong một bài chia sẻ năm 2016, bà giải thích rằng, gần 2 thập kỷ làm việc với trẻ tăng động giảm chú ý cho thấy, đồng hồ bấm giờ giúp trẻ hoàn thành nhiệm vụ bằng cách làm từng bước một.

Bộ Giáo dục Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh việc sử dụng đồng hồ để bấm giờ trong khi học có tác dụng hỗ trợ trẻ tăng động giảm chú ý quản lý thời gian.

Áp dụng kỹ thuật Pomodoro với trẻ tăng động giảm chú ý

Là phụ huynh của trẻ tăng động giảm chú ý, sẽ có ích nếu bạn biết rằng, có thể tích hợp Pomodoro với phong cách học tập ưa thích của con bạn.

Tiến sĩ Jonathan Thomas-Stagg, chuyên gia tâm lý học lâm sàng, bày tỏ: “Chúng tôi thương thấy những sinh viên bị tăng động giảm chú ý cần thực hiện một số điều chỉnh để Pomodoro phù hợp với mình hơn. Một số sinh viên cho biết, các em thích các quãng làm việc dài hơn. Ví dụ: các em có thể cực kỳ tập trung và làm việc hiệu quả trong 45-60 phút. Nhưng sau khoảng thời gian này, trẻ đặc biệt dễ bị phân tâm. Trong khi đó, một số sinh viên lại thích làm việc với từng quãng thời gian ngắn hơn nữa”.

Tất nhiên, với bất cứ phương pháp giảng dạy nào mới dành cho trẻ tăng động, giảm chú ý, bạn hãy làm theo lời khuyên của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ:

  • Hãy xác định nhu cầu riêng của con bạn
  • Lựa chọn phương pháp giáo dục hướng tới những nhu cầu đó
  • Bổ sung phương pháp vào kế hoạch học tập chung cho trẻ

Mặc dù bạn có thể háo hức muốn áp dụng ngay kỹ thuật Pomodoro cho con mình, đừng quá kỳ vọng và kết quả tức thì. Như lời Tiến sĩ Thomas-Stagg luôn nhắc nhở sinh viên của ông: “Pomodoro có thể không hiệu quả lập tức. Nhưng nỗ lực mà các em bỏ ra để thực hành các thói quen học thuật tốt hơn lại trực tiếp góp phần vào thành công mà các em sẽ được tận hưởng”.

Theo Study

> Hướng dẫn kỹ thuật Pomodoro giúp tập trung, tăng hiệu suất

> 5 cách áp dụng phương pháp Pomodoro với trẻ

Tham khảo các bài viết về kỹ năng quản lý thời gian