Phương pháp học tiếng Anh tại nhà cho trẻ nhỏ

Chúng ta đã biết Cảm giác thoải mái là rất quan trọng để tạo cho trẻ hứng thú học tiếng Anh, giờ hãy cùng tìm hiểu về phương pháp học tiếng Anh phù hợp cho trẻ nhỏ duy trì hứng thú và học tiếng Anh tại nhà hiệu quả.

Phần 2: Sử dụng phương pháp học tiếng Anh phù hợp với trẻ nhỏ

Để trẻ vừa chơi vừa học tiếng Anh

Trẻ nhỏ (tuổi mầm non, đầu tiểu học) chỉ có thể duy trì hứng thú học tiếng Anh và học được đều đặn, lâu dài nếu thấy học vui như chơi. Việc thiết kế các hoạt động cho trẻ vừa chơi, vừa vận động vừa học tiếng Anh đã quá quen thuộc với các giáo viên và Trung tâm tiếng Anh. Tại gia đình, phụ huynh không có nhiều kinh nghiệm sư phạm cũng có thể tạo một số trò chơi đơn giản khi cho con học tiếng Anh tại nhà, bao gồm:

Tạo thói quen học tiếng Anh tại nhà đều đặn

Trẻ em thường cảm thấy thoải mái và tự tin hơn khi biết trước mình phải làm gì. Hãy sắp xếp thời gian học tiếng Anh tại nhà cho con theo cách lặp lại: ví dụ như xem một số video tiếng Anh yêu thích trong khi chờ bữa ăn tối, học một chương trình học tiếng Anh online sau khi làm xong bài tập, hoặc chơi một số trò chơi bằng tiếng Anh cùng gia đình vào ngày cuối tuần, hoặc nghe truyện thiếu nhi tiếng Anh trước giờ ngủ.

Lưu ý rằng để duy trì sự hứng thú của trẻ lâu dài, cha mẹ nên thiết kế các thói quen học tập với thời gian ngắn mà tần suất lặp lại thường xuyên, thay vì những lần ngồi học dài nhưng lại ngắt quãng. Khoảng thời gian 15 phút mỗi lần là vừa đủ với trẻ nhỏ dưới 8 tuổi.

Tận dụng những chủ đề, tình huống thân thuộc với trẻ

Hãy tận dụng một thế mạnh đặc biệt của việc cho con học tiếng Anh tại nhà là con được tiếp xúc với các tình huống thường ngày, cũng như các đồ vật xung quanh ngôi nhà để thực hành tiếng Anh một cách tự nhiên.

Nếu bạn biết tiếng Anh, hãy sử dụng một cách thoải mái, tự nhiên để nói với con trong các tình huống hàng ngày. Ví dụ như khi con đang giúp mẹ phân loại quần áo trước khi cho vào máy giặt, bạn có thể cùng con nói những câu như ‘We have a pair of blue socks’; ‘It’s Dad’s T-shirt’,….

Các từ vựng về đồ chơi trẻ em hoặc đồ đạc trong nhà cũng nên được khơi lại khi con cùng bạn dọn phòng ngủ, ví dụ như ‘It’s time to put your teddy bear on the bed!’. Khi dẫn con đi siêu thị, bạn có thể hỏi trẻ hoặc cùng trẻ tra từ điển để biết tên gọi tiếng Anh của các món hàng trên kệ. Bạn cũng ghi có thể cho con một danh sách các đồ cần mua bằng tiếng Anh và đố trẻ tìm kiếm chúng trong siêu thị.

Khai thác các tình huống hàng ngày để học tiếng Anh tại nhà là một trong các phương pháp học tiếng Anh hiệu quả
Hãy để tiếng Anh được nhớ đến trong các hoạt động hàng ngày. Ảnh: shopify

Nếu không đủ tự tin nói chuyện với con bằng tiếng Anh, bạn cùng có thể cùng con ghi, dán tên tiếng Anh cho các đồ đạc trong nhà, kèm các câu ví dụ sử dụng, để con có thể nhìn thấy những từ vựng đó thường xuyên và ghi nhớ dễ dàng.

Trẻ nhỏ cũng thường thích thú với các trò chơi nhập vai. Phụ huynh có thể gợi ý các tình huống thú vị để con được thực hành điều đó. Ví dụ tưởng tượng đang bước chân vào cửa hàng đồ chơi, hay vừa tới nhà hàng,… để cùng nhau đóng vai người mua hàng, nhân viên bán hàng cần trợ giúp bằng tiếng Anh. Trong trường hợp con chưa biết nói câu nào bằng tiếng Anh, hãy giúp con nhắc lại câu nói đó. Dần dần trẻ sẽ tham gia được nhiều hơn trong các đoạn hội thoại này. Những tình huống nhập vai như thế sẽ tạo cho trẻ phản xạ sử dụng tiếng Anh và sẵn sàng áp dụng trong cuộc sống thực tế. Hãy cố gắng đầu tư tâm sức tạo “kịch trường” như thật để trẻ cùng chơi mà học tiếng Anh tại nhà hứng thú hơn.

Đừng quá coi trọng ngữ pháp

Với các bạn nhỏ (mầm non, đầu tiểu học), việc ghi nhớ quy tắc ngữ pháp cho trẻ chưa thực sự cần thiết. Theo quá trình làm quen, nghe, nói, đọc các văn bản tiếng Anh, trẻ sẽ tự nhận ra và sử dụng được các cấu trúc ngữ pháp trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Điều này sẽ giúp cho con học tiếng Anh một cách nhẹ nhàng, tự nhiên hơn nhiều so với cách học của người trưởng thành.

Việc liên tục chỉnh nắn các lời nói, câu viết của trẻ để đảm bảo đúng ngữ pháp, hoặc yêu cầu trẻ làm hàng loạt phiếu bài tập ngữ pháp nhàm chán, sẽ có thể triệt tiêu hứng thú học tiếng Anh của trẻ.

Đừng tiếc thời gian mà bỏ qua những hoạt động trẻ thích như cắt, dán, tô màu

Hầu như mọi trẻ nhỏ đều thích những hoạt động cắt, dán, tô mầu, tạo hình sáng tạo. Hãy để trẻ thong thả học tiếng Anh tại nhà và thỏa sức sáng tạo với những hoạt động phù hợp với tâm lý lứa tuổi như vậy.

Trẻ có thể tự làm những thẻ từ vựng của mình: vẽ hình cho đẹp, ghi chữ bên dưới. Hỗ trợ trẻ tạo các graphic organizer phù hợp để trình diễn, thể hiện các mối liên hệ, kết nối thông tin trong quá trình học từ vựng hay đọc sách tiếng Anh. Dành cho trẻ một cuốn sổ đẹp để làm thành vở tương tác (interactive notebook) ghi lại những hình ảnh trẻ sáng tạo được trong quá trình học tiếng Anh.

Để ý học kĩ những từ tiếng Anh thông dụng trước

Với tiếng Anh, rất hay là đã có những công trình nghiên cứu chỉ ra các từ vựng thông dụng. Trẻ bản ngữ cũng được chú trọng dạy đọc, viết thành thạo những từ đó ngay từ những năm đầu tiên đi học. Trẻ học tiếng Anh càng nên như vậy. Sớm thông thuộc những từ tiếng Anh thông dụng (bao gồm Dolch sight words và Fry words) sẽ làm trẻ sớm tự tin, thoải mái khi đọc ctiếng Anh.

Trên đây là 6 bí kíp của phương pháp học tiếng Anh cho trẻ nhỏ (tuổi mầm non, đầu tiểu học). Trong bài tiếp theo chúng tôi sẽ nói về phương pháp học tiếng Anh cho trẻ lớn hơn (cuối tiểu học, THCS).

1404 Share