GV Mỹ dạy kỹ năng Close reading – đọc kỹ nghĩ sâu ra sao?

Có hàng trăm cách tiếp cận khi dạy trẻ close readingkỹ năng đọc kỹ nghĩ sâu. Sau đây là một số cách nổi bật được chia sẻ trên trang We Are Teachers.

Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, dạy trẻ cách close reading – kỹ năng đọc kỹ nghĩ sâu giúp trẻ đọc giỏi hơn. Bí quyết ở đây sự sáng tạo của người lớn giúp trẻ thực hành kỹ năng này mà không cảm thấy buồn chán.

Dưới đây là 10 cách giáo viên có thể vận dụng để cải tiến bài giảng của mình. Với tư cách là cha mẹ, bạn cũng có thể áp dụng khi dạy trẻ kỹ năng close reading tại nhà.

Không chỉ là “miếng bánh” (PIE)

PIE là viết tắt của cụm từ Persuade (Thuyết phục) – Inform (Thông tin) – Entertain (Giải trí) – 3 mục đích cơ bản của tác giả khi viết. Ở một thời điểm nào đó khi đọc, trẻ nên suy nghĩ về:

  • những gì tác giả đã viết
  • và lý do tại sao tác giả viết như vậy.

Một khi trẻ đã nắm được kiến thức cơ bản về mục đích của tác giả (PIE – như trên), hãy mở rộng tư duy của trẻ bằng cách suy nghĩ xem:

  • phần văn bản tạo ra cảm giác như thế nào nơi độc giả
  • tác giả đã làm gì để tạo nên phản ứng đó từ độc giả
Giáo viên Mỹ dạy kỹ năng Close reading - đọc kỹ nghĩ sâu ra sao? (Ảnh: Teacherific Fun via We Are Teachers)
Ảnh: Teacherific Fun via We Are Teachers

Trò chuyện về cột biển báo

Nếu bạn chưa biết cuốn sách “Notice and Note” của Kylene Beers và Bob Probst thì đây là vài lời giới thiệu qua: Cuốn sách khích lệ độc giả ghi chép về những “biển báo” quan trọng trong quá trình đọc văn bản. Hình ảnh dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn trực quan về kỹ năng ghi chép này. Trên một cây cột mọc ra các nhánh có treo những tấm biển báo. Nội dung có thể là:

  • So sánh và tìm ra điểm đối lập: Tại sao nhân vật lại làm như vậy?
  • Tiếp diễn: Tại sao việc này liên tục xảy ra?
  • Khoảnh khắc “A ha”: Mọi chuyện có thể thay đổi sau sự việc này như thế nào?
  • Khoảnh khắc ký ức: Tại sao ký ức này có thể quan trọng đến vậy?

Giáo viên Mỹ dạy kỹ năng Close reading - đọc kỹ nghĩ sâu ra sao? (Ảnh: We Are Teachers)

Thử close reading – đọc sâu nghĩ kỹ lời bài hát

Nguyên tắc close reading – kỹ năng đọc sâu nghĩ kỹ có thể áp dụng cho các bài hát, video clip… Trẻ sẽ nghe bài hát hoặc xem video. Sau đó, trẻ có nhiệm vụ tìm hiểu ý nghĩa, những bài học cuộc sống ẩn chứa trong đó và chia sẻ với nhau.

Theo dõi những gì đã được học

Trên blog Elementary Nest, cô giáo lớp 1 Jessica Tobin giải thích cách thức chia nhỏ quá trình dạy close reading thành bài học kéo dài 4 ngày. Cụ thể như sau:

Ngày 1: Diễn giải văn bản và cả lớp cùng đọc

Khi đọc cùng nhau, bạn và trẻ sẽ cùng diễn giải văn bản. Lần lượt đọc qua từng câu. Và trẻ sẽ chia sẻ điều mình nghĩ là đủ quan trọng để tập trung sự diễn giải vào đó. Ví dụ, về nội dung trẻ không hiểu, về một thông mới thú vị, về một chi tiết quan trọng, về một từ không biết, về ý chính đoạn văn.

Giáo viên Mỹ dạy kỹ năng Close reading - đọc kỹ nghĩ sâu ra sao? (Ảnh: Elementarynest.com)
Ảnh: Elementarynest.com

Ngày 2: Đọc theo cặp và tập trung vào từ vựng

Cùng con đưa ra lý giải về nghĩa của các từ quan trọng. Sau đó, đặt câu hoặc vẽ tranh biểu thị nội dung từ đó.

Ngày 3: Các câu hỏi liên quan với văn bản

Trẻ thực hành tìm câu hỏi trong đoạn văn, nhấn mạnh lại câu hỏi và cùng đưa ra câu trả lời thích hợp.

Ngày 4: Viết thu hoạch

Trẻ tự đọc đoạn văn, sau đó, viết cảm nhận – bài viết thu hoạch – về những gì đã đọc.

Giáo viên Mỹ dạy kỹ năng Close reading - đọc kỹ nghĩ sâu ra sao? (Ảnh: We Are Teachers)

Snapguide gợi ý 8 bước thực hành close reading

Một bản hướng dẫn rất cụ thể và dễ hiểu. Cả người lớn lẫn trẻ đều có thể áp dụng khi thực hành kỹ năng close reading – đọc kỹ nghĩ sâu.

Bước 1:

Trước hết, đọc đoạn văn một cách chậm rãi.

  • Sau đó, khoanh tròn từ mà trẻ chưa biết rồi tra nghĩa.
  • Kiểm tra lại xem nghĩa đó có phù hợp với văn cảnh trẻ đang tìm hiểu không.

Bước 2:

Lựa chọn ngôn ngữ:

  • Gạch chân dưới ngôn từ hấp dẫn, độc đáo.
  • Tại sao trẻ lại thích thú vì ngôn từ đó? Viết ra các lý do.

Bước 3:

Tìm kiếm động từ, danh từ, tính từ và trạng từ trong đoạn văn.

  • Dùng bút đánh dấu làm nổi bật các loại từ trên bằng màu sắc khác nhau.
  • Trẻ nhận ra điều gì? Có mẫu nào liên quan tới các loại từ trên không?
  • Bình luận về phát hiện của mình.

Bước 4:

Dự đoán:

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Và tại sao?

Bước 5:

Đưa ra ý kiến và phản hồi:

Trẻ nghĩ gì về câu chuyện/người dẫn chuyện/nhân vật?

Bước 6:

Tạo sự kết nối:

  • Những gì vừa làm có giúp gợi nhắc cho trẻ đến trải nghiệm cá nhân nào không? Hay liên tưởng tới những cuốn sách/bộ phim khác?
  • Điểm tương đồng giữa chúng là gì?

Bước 7:

Đặt câu hỏi:

  • Ghi ra giấy câu hỏi và nhớ rằng, không có câu hỏi nào là vớ vẩn hết.
  • Cố gắng liệt kê nhiều câu hỏi dạng mở hơn là câu hỏi chỉ cần trả lời “có/không”.

Bước 8:

Chủ đề chính từ cuốn sách mà trẻ nghĩ đã được phản ánh trong đoạn văn vừa đọc là gì?

Sau khi hoàn tất các bước trên, hãy sẵn sàng để thảo luận, chia sẻ nhận xét, cảm xúc của mình. Trẻ có thể chia sẻ với bạn cùng nhóm hoặc với cha/mẹ.

Giáo viên Mỹ dạy kỹ năng Close reading - đọc kỹ nghĩ sâu ra sao? (Ảnh: We Are Teachers)

Đọc kỹ nghĩ sâu qua tranh ảnh

Sử dụng hình ảnh hoặc tranh truyện để giới thiệu close reading. Bạn cũng có thể dùng phương pháp này để thử thách trẻ nghĩ về việc đọc kỹ nghĩ sâu và tư duy có thể được ứng dụng theo cách khác không.

Ví dụ các bước “đọc” một bức ảnh:

  1. Bước 1: Quan sát, tìm hiểu chi tiết trên bức ảnh
  2. Bước 2: Làm mẫu cho trẻ bằng cách nói to ra những gì bạn quan sát được và suy nghĩ của bạn về bức ảnh (Think Aloud)
  3. Bước 3: Khích lệ trẻ chia sẻ suy nghĩ của mình. Có thể viết ra giấy những suy nghĩ, ý tưởng này.
  4. Bước 4: Động viên trẻ “đọc kỹ nghĩ sâu” hơn về bức ảnh.

Có thể gợi ý cho trẻ tập trung vào các điểm như:

  • Mối quan hệ giữa các nhân vật trong ảnh
  • Vấn đề ẩn giấu mà tác giả muốn đề cập tới trong ảnh
  • Bức ảnh gợi cho trẻ nhớ đến điều gì, trải nghiệm gì của bản thân…

Sử dụng Bài báo nổi bật của tuần để dạy close reading cho trẻ lớn

Chọn một bài báo nổi bật trong tuần để hướng dẫn trẻ thực hành close reading. Đây là cách giúp trẻ áp dụng việc học vào thực tiễn. Lúc này, văn bản chính là tin tức thời sự có liên quan tới cuộc sống thường ngày của trẻ.

Khuyến khích làm việc nhóm

Việc thực hành đọc kỹ nghĩ sâu sẽ trở nên thú vị hơn và là công sức hợp tác của cả nhóm nếu bạn có một nhóm trẻ. Với một bài báo, như trong ví dụ trên, trẻ sẽ ghi chú về những điểm mình còn thắc mắc, ấn tượng, cần suy ngẫm thêm… Sau đó, từng bạn sẽ đăng phần chia sẻ lên bảng hoặc đính mảnh giấy lên bàn. Những người khác sẽ cùng bàn luận, trao đổi, chia sẻ.

Giáo viên Mỹ dạy kỹ năng Close reading - đọc kỹ nghĩ sâu ra sao? (Ảnh: We Are Teachers)

Tăng độ khó của văn bản

Nếu bạn muốn nâng cao mức độ thử thách của kỹ năng đọc kỹ nghĩ sâu, hãy chọn những đoạn văn khó hơn, phức tạp hơn.

Nghiên cứu về tác giả

Nghiên cứu về tác giả là cách hay để tìm hiểu về chủ đề và phân tích cách nhà văn tiếp cận ngôn ngữ như thế nào. Khi đã có được kiến thức nhất định về tác giả, việc đọc tác phẩm của người đó sẽ trở nên bớt thử thách hơn.

Giáo viên Mỹ dạy kỹ năng Close reading - đọc kỹ nghĩ sâu ra sao? (Ảnh: We Are Teachers)

Theo We Are Teachers

Close reading – kỹ năng đọc kĩ nghĩ sâu

21 sơ đồ tổng kết về phương pháp, kỹ năng đọc hiểu

Tổng quan về kỹ năng đọc và đọc hiểu

Tham khảo các kỹ năng, phương pháp đọc hiểu