Đọc sách giúp nói với con về chủ đề khó như thế nào?

Mỗi phụ huynh đều có những chủ đề khó nói với con. Phổ biến nhất là về giới tính, cái chết và ly hôn. Những chủ đề khác bao gồm nhận con nuôi, chiến tranh… Đọc sách giúp cha mẹ đề cập các vấn đề này một cách tự nhiên và thoải mái.

Lời muốn nói thông qua việc đọc sách

Những cuốn sách tranh là công cụ lý tưởng để thảo luận với con về những chủ đề khó.

Nhờ đó, các khái niệm trừu tượng trở nên cụ thể hơn, nhờ ngôn từ dễ hiểu và minh hoạ đẹp. Trẻ nhỏ thường thấy bối rối về một sự kiện quan trọng nào đó trong đời. Ví dụ, sự ra đi vĩnh viễn của một người thân. Trong khi đó, trẻ lớn hơn có thể cảm thấy dè dặt về một số vấn đề nhất định. Đó là lúc trẻ cần một cuốn sách làm điểm khởi đầu.

Ví dụ:

Khi mẹ Erica Jorgensen qua đời, cô đã chọn sẵn cuốn sách “Lifetimes”. Đợi con trai 3 tuổi Finn bày tỏ thắc mắc, Erica đã đọc cho con nghe. “Chúng tôi đã đọc đi đọc lại cuốn sách rất nhiều lần”, người mẹ cho biết. Bé Finn đã liên hệ những phần trong sách giống như tình huống của gia đình cô. Ví dụ, việc tham gia một lễ tang.

Đọc sách cũng giúp xoa dịu căng thẳng gia đình khi bàn về những vấn đề như ly hôn hay nhận con nuôi.

Carolyn Sharp là một chuyên gia trị liệu về gia đình và trẻ nhỏ. Theo cô, đọc sách giúp giảm áp lực với cả cha mẹ và đá trẻ về những chủ đề nhạy cảm. “Không trực tiếp đề cập tới cha mẹ và đứa trẻ, nó trở thành câu chuyện trong sách”, Sharp lý giải. “Cha mẹ có thể đọc cho con và nói: ‘Con xem này, bố mẹ Gấu Koko chia tay nhau… Mẹ không biết bạn ấy cảm thấy thế nào?’. Đứa trẻ có thể liên hệ nhân vật trong sách với bản thân”.

Khi nào đọc sách để nói với con chủ đề khó?

Những cuốn sách về chủ đề khó rất hữu ích khi bạn muốn giới thiệu các vấn đề mới hay bàn về tin tức thời sự. Shannon Price, giáo viên tại Seattle, lưu ý, trẻ 5-6 tuổi bắt đầu thắc mắc về cái chết, giới tính hoặc “vì sao bố mẹ bạn con không còn sống với nhau”… Nếu không hỏi, trẻ có thể âm thầm tìm hiểu từ bạn bè. Khi đó, đọc sách cho con là cách truyền tải thông tin chính thống và an toàn cho trẻ.

Đọc sách giúp cha mẹ trò chuyện với con về chủ đề khó như thế nào? (Ảnh: ABC7 San Francisco)
(Ảnh: ABC7 San Francisco)

Đọc sách chủ đề khó đem lại lợi ích cho cả cha mẹ

Theo cô Shannon Price, nhiều phụ huynh cảm thấy buồn khi nói với con các vấn đề người lớn. Ví dụ: phân biệt chủng tộc, chiến tranh, lạm dụng… “Bạn đang lấy đi một chút sự ngây thơ, hồn nhiên của con. Điều này thật khó khăn”, cô Price bày tỏ. Giới thiệu với con những chủ đề gai góc, cha mẹ lo sợ con có thể bị ám ảnh quá sớm bởi mặt xấu của thế giới này.

Chuyên gia trị liệu Carolyn Sharp cũng đồng tình với nhận xét trên. Cô chỉ ra rằng, cảm xúc mạnh của cha mẹ có thể ngăn những cuộc trò chuyện cởi mở với con. “Thử thách lớn nhất là cha mẹ phải vượt qua nỗi lo lắng của mình để bàn về các chủ đề khó. Nếu họ có thể bình tĩnh và cởi mở, đứa trẻ sẽ đáp lại theo hướng tích cực hơn nhiều”.

Cách chọn sách

Có rất nhiều tựa sách bàn về những chủ đề khó, chủ đề nhạy cảm. Trước hết, cần dựa trên hệ thống giá trị của gia đình, nhu cầu, mức độ hiểu và cá tính của con khi chọn sách. Với trẻ nhỏ, chọn những cuốn giải thích vấn đề một cách đơn giản, cho phép trẻ từ từ tiếp nhận thông tin và đặt nhiều câu hỏi. Trẻ lớn hơn sẽ bị thu hút bởi các chi tiết mang tính khoa học hay đậm cảm xúc. Hướng tiếp cận của tác giả trong những cuốn sách này cũng không nên quá đơn giản hoá vấn đề. Trước hết, bạn cần tự mình đọc để đảm bảo thông tin được cung cấp phù hợp với con.

Đọc sách giúp cha mẹ nói với con về chủ đề khó như thế nào? (Ảnh: Care)
(Ảnh: Care)

Một số lưu ý khi đọc sách về chủ đề khó cho con

  1. Đọc theo nhịp độ của trẻ, điều chỉnh độ nhanh – chậm để bé dễ tiếp thu, ghi nhớ.
  2. Dành thời gian để đặt câu hỏi và đưa ra câu trả lời, trao đổi ý kiến. Cố gắng cân bằng để đảm bảo không đưa ra quá nhiều hay quá ít thông tin.
  3. Đặt câu hỏi về cảm nhận của nhân vật trong sách để làm sâu sắc hơn sự thấu hiểu của trẻ về chủ đề và trạng thái cảm xúc bên trong.
  4. Làm mẫu cho con cách đối diện với nỗi đau hay sự lo lắng. Đừng sợ bày tỏ cảm xúc của bạn với trẻ trong khi minh hoạ cơ chế đối mặt. (Mẹ con mình cùng nhớ lại những điều tốt đẹp ông đã làm cùng chúng ta trước khi Ông mất con nhé).
  5. Cố gắng không coi bất cứ cuộc đối thoại nào là một cuộc Trò Chuyện. Thay vào đó, hãy coi đó là chuỗi các cuộc trò chuyện. Bạn và con có thể nhắc lại, đào sâu thêm, gợi nhớ về nó bất cứ khi nào.

Sách về một số chủ đề khó nói để đọc cho con nghe

1. Cái chết

  • I Found a Dead Bird: The Kids’ Guide to the Cycle of Life and Death

Tác giả: Jan Thornhill

Độ tuổi phù hợp: 8 tuổi trở lên

  • When Dinosaurs Die: A Guide to Understanding Death

Tác giả: Laurie Krasny Brown; Marc Brown

Độ tuổi phù hợp: 4 – 8 tuổi

  • Lifetimes: The Beautiful Way to Explain Death to Children

Tác giả: Bryan Mellonie

Độ tuổi phù hợp: 3 – 6 tuổi

2. Giới tính

  • It’s Not the Stork! A Book About Girls, Boys, Babies, Bodies, Families, and Friends

Tác giả: Robie H. Harri

Độ tuổi phù hợp: 4 – 7 tuổi

  • It’s So Amazing! A Book About Eggs, Sperm, Birth, Babies, and Families

Tác giả: Robie H. Harris

Độ tuổi phù hợp: 7 tuổi trở lên

3. Ly hôn

  • It’s Not Your Fault, Koko Bear: A Read-Together Book for Parents and Young Children During Divorce

Tác giả: Vicki Lansky

Độ tuổi phù hợp: 3-6 tuổi

  • Dinosaurs Divorce

Tác giả: Laurie Krasny Brown; Marc Brown

Độ tuổi phù hợp: 4-8 tuổi

4. Nhận con nuôi

  • Tell Me Again About the Night I Was Born

Tác giả: Jamie Lee Curtis

Độ tuổi phù hợp: 3-8 tuổi

  • A Mother for Choco

Tác giả: Keiko Kasza

Độ tuổi phù hợp: 3-8 tuổi

5 Chiến tranh

  • The Wall

Tác giả: Eve Bunting

Độ tuổi phù hợp: 5-9 tuổi

  • The Butter Battle Bookby

Tác giả: Dr. Seuss

Độ tuổi phù hợp: 5 tuổi trở lên

Chia sẻ cụ thể

Chia sẻ của Dena McMurdie, người mẹ Mỹ từng đọc “Nanh Trắng” của Jack London hồi lớp 3. Đọc sách cho con là cách để Dena đề cập và thảo luận cùng con những vấn đề khó về giới tính, cái chết, chiến tranh…

“Tôi và con gái rất thích đọc sách để giải trí, thư giãn. Tất nhiên, tôi cũng cảm thấy vô cùng biết ơn những cuốn sách đã khích lệ chúng tôi đào sâu hơn, khám phá nhiều hơn các chủ đề khó. Đó là một cuộc trò chuyện về giai đoạn dậy thì hay những thử thách mà người nhập cư phải đối mặt… Đọc sách mở ra cơ hội để đối thoại và chia sẻ nhiều vấn đề vốn không dễ nhắc tới thường ngày.

Đọc sách giúp nói về những chủ đề lớn một cách tự nhiên

Vài tháng trước, tôi đọc cuốn “Red Butterfly” của A. L. Sonnichsen cho hai con gái lớn. Truyện kể về một cô gái Trung Hoa trẻ có tên Kara với bàn tay dị tật. Kara bị bỏ rơi từ khi còn nhỏ. Mẹ cô là một phụ nữ Mỹ lớn tuổi, đã nhận nuôi Kara một cách hợp pháp. Để làm được điều đó, bà trốn ở lại Trung Quốc để chăm sóc Kara. Khi bí mật của họ bại lộ, người mẹ bị trục xuất, còn Kara bị gửi tới một trại trẻ Trung Quốc để chờ gia đình Mỹ nhận nuôi.

Đọc sách giúp cha mẹ trò chuyện với con về chủ đề khó như thế nào? (Ảnh: Amazon)
Ảnh: Amazon

Khi đọc, hai con gái của tôi đã đặt ra rất nhiều câu hỏi. Tại sao Kara lại bị bỏ rơi? Tại sao hai mẹ con lúc nào cũng phải trốn chui trốn lủi? Để giúp Kara, người mẹ đã gặp rắc rối như thế nào?

Thời gian đọc sách, mẹ con tôi đã có cơ hội thảo luận về nhiều chủ đề phức tạp. Đó là nhập cư, luật quốc tế, trẻ mồ côi, văn hoá và việc đối xử với phụ nữ, trẻ em gái trên toàn thế giới.

Đọc sách mang tới ngữ cảnh cho những chủ đề khó

Khi rốt cuộc tôi sẽ phải nói với các con về những chủ đề trên, đọc “Red Butterfly” mang tới cho tôi cơ hội tuyệt vời để làm việc đó dễ dàng hơn. Cuốn sách không chỉ khích lệ các con tôi đặt câu hỏi. Nó còn là một trải nghiệm đầy cảm xúc. Cuộc nói chuyện của chúng tôi nhờ đó trở nên ý nghĩa hơn và đáng nhớ hơn.

Đây không phải lần đầu tiên đọc sách giúp gợi mở những cuộc trò chuyện với các con tôi. Khi con gái đầu lòng đọc “The One and Only Ivan” của Katherine Applegate, chúng tôi đã nói chuyện rất lâu về quyền động vật. Chúng tôi còn nhắc tới những loài vật có nguy cơ tuyệt chủng và việc điều trị cho động vật bị giam cầm. Còn với tác phẩm “Wonder” của R. J. Palacio, cuộc trò chuyện xoay quanh chủ đề bắt nạt và lòng tử tế.

https://youtu.be/h6oi3PZc2ko

https://youtu.be/E4neliszRQ8

Đọc sách giúp trả lời những câu hỏi cụ thể hoặc nhu cầu của gia đình

Những cuộc đối thoại trên nảy sinh đều do chúng tôi đã đọc các cuốn sách đó. Nhưng đôi khi, tôi chủ ý tìm một cuốn sách để trả lời cho thắc mắc của con.

Khi hai con gái tôi bước vào tuổi dậy thì, tôi đã tìm đến “Girl to Girl: Honest Talk About Growing Up and Your Changing Body” của Sarah O’Leary Burningha. Chúng giúp xoà nhoà cảm giác ngượng ngù khi nói về chủ đề dậy thì. Cuốn sách đã dạy các con tôi về cơ thể chúng theo cách tích cực. Nhờ đó, bọn trẻ biết được điều gì đang chờ đợi mình những năm tiếp theo”.

Đọc sách giúp cha mẹ trò chuyện với con về chủ đề khó như thế nào? (Ảnh: Amazon)
Ảnh: Amazon

Tổng hợp theo Parent Map; Read Brightly

Điều gì xảy ra trong não trẻ khi bạn đọc sách cho con?

8 lý do phổ biến cha mẹ không đọc sách cho con và cách khắc phục

Tham khảo những gợi ý về việc chọn sách, đọc sách cho con