Làm gì để dạy con kiên gan bền chí, không bỏ cuộc?

Sự kiên gan bền chí, quyết theo đuổi mục tiêu đến cùng là chủ đề nóng trong giới nghiên cứu khoa học thời gian gần đây. Nói theo ngôn ngữ đời thường, đó chính là khả năng “lỳ đòn”. Phẩm chất này mang tính quyết định tới thành công của trẻ. Thành công ở trường học và ngoài đời sau này.

Angela Duckworth, nhà tâm lý học tại Đại học Pennsylvania, lần đầu đề cập tới grit – sự kiên gan bền chí – trong cuốn sách năm 2013. Cuốn sách mang tên “Grit: The Power of Passion and Perseverance” (tạm dịch: Sự kiên gan bền chí: Sức mạnh của Đam mê và Kiên trì). Nghiên cứu của Duckworth chỉ ra rằng, những người kiên gan bền chí là những người hoàn thành những thứ mà họ đã khởi đầu, vượt qua các thử thách và đạt được mục tiêu.

Các nhà nghiên cứu sau đó tiếp tục tìm hiểu xem thứ được gọi là kỹ năng mềm, phi nhận thức như tính kiên gan bền chí ảnh hưởng tới thành công học thuật như thế nào. Kết quả cho thấy, những phẩm chất này giúp dự đoán chính xác hơn cả tài năng hay trí thông minh về thành tựu của một người. Tất nhiên, việc dạy con tinh thần ý chí quật cường, làm việc chăm chỉ, không bỏ cuộc đòi hỏi nhiều thời gian và tâm sức. Nhưng theo các nhà khoa học, cha mẹ có thể thực hiện nhiều việc để hỗ trợ cho sự phát triển kiểu tư duy này ở con mình.

Dạy trẻ kiên gan bền chí, không bao giờ bỏ cuộc (Ảnh: Education Writers Association)
(Ảnh: Education Writers Association)

Hãy để trẻ chơi

Giống người lớn chúng ta, trẻ có xu hướng làm việc chăm chỉ hơn khi yêu thích thứ mình làm. Cách tốt nhất để giúp con khám phá ra mình đam mê điều gì là hãy để trẻ tự do chơi đùa, thoải mái chơi đùa.

“Trước khi sẵn sàng dành nhiều giờ mỗi ngày để chăm chỉ mài giũa kỹ năng, những người từng chưa biết mình thực sự theo đuổi một niềm đam mê nào đã phải tiêu tốn thời gian để mày mò, để bắt đầu hoặc tìm hiểu lại một sở thích”, nhà tâm lý học Duckworth viết trong “Grit”. Khám phá thế giới thông qua các buổi dạo chơi với gia đình, truyền thông, triển lãm, gặp gỡ người mới, câu lạc bộ/lớp học ngoại khoá có thể giúp trẻ tìm thấy những sở thích cuộc đời.

Vị chuyên gia nổi tiếng này cũng khẳng định, để hình thành nên một người có sức chịu đựng bền bỉ, ngay khi trẻ tỏ ý hứng thú một điều gì, trẻ cần được tiếp xúc với điều đó nhiều lần tiếp sau. Nhờ đó, sự chú ý của trẻ sẽ được kích hoạt hết lần này tới lần khác. Như vậy, nếu con bạn tò mò về nghệ thuật nhào lộn hay động vật học, bạn có thể hỗ trợ phát triển niềm hứng thú sơ khai này bằng cách tạo điều kiện cho con tiếp xúc nhiều lần với chủ đề ấy.

Lưu ý: điều này không có nghĩa là lấp kín thời khoá biểu của con bằng vô số hoạt động. Hãy đảm bảo con bạn có nhiều thời gian không gắn với màn hình điện tử để có thể tự chọn cho mình những dự án khám phá sáng tạo.

Giúp trẻ thực hành khả năng tự kiểm soát bản thân

Tự kiểm soát bản thân là phẩm chất được sử dụng khi con bạn có 2 hành động để lựa chọn. Một hứa hẹn mang tới sự thoả mãn lập tức. Hành động còn lại không mang lại sự thoả mãn nhất thời. Nhưng nó phục vụ cho một mục tiêu xa hơn. Đăng ảnh lên Instagram hay tập chơi đàn? Chơi điện tử hay ôn Toán?

Có lẽ không hề bất ngờ khi biết, khả năng kiểm soát bản thân gắn bó mật thiết với khả năng làm việc hướng tới một mục tiêu dài hạn. Các nghiên cứu cho thấy, khả năng kiểm soát bản thân cao hơn ngay từ khi còn nhỏ giúp dự báo trẻ có thể thành tựu về mặt học thuật. Bên cạnh đó là những kết quả đầu ra tích cực khác, bao gồm khả năng kiếm tiền khi trưởng thành, các khoản tiết kiệm, sức khoẻ thể chất.

Trong khi các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu một cách chính xác mối liên hệ giữa khả năng kiểm soát bản thân và sự kiên gan bền chí (có thể chỉ cần 1 trong 2 mà thôi), tin tốt là hoàn toàn có thể học cách kiểm soát bản thân. Tất cả những việc sau đều có thể giúp trẻ phát triển khả năng kiểm soát ham muốn của mình. Nhờ đó, trẻ có thể rèn luyện để sở hữu tinh thần kiên cường, biết cưỡng lại sự cám dỗ của điện thoại mà tập trung vào bài luận lịch sử sau này.

  • chơi các trò chơi như Đèn xanh, đèn đỏ; Simon Says;
  • thưởng cho trẻ vì có thể nín nhịn, kiềm chế sự đòi hỏi khi cần,
  • đảm bảo trẻ ngủ đủ
  • và hạn chế thời gian xem ti vi

Hướng tới những điều lớn lao

Theo nhiều nghiên cứu, những đứa trẻ làm việc chăm chỉ hơn và thể hiện tốt hơn khi giáo viên đặt kỳ vọng cao ở trẻ. Tương tự với kỳ vọng của cha mẹ. Những người đạt thành tích cao biết kiên định giữa bao thử thách có xu hướng xuất thân trong những gia đình mà cha mẹ đặt ra tiêu chuẩn cao về thành công học vấn của họ. Bên cạnh đó là môi trường gia đình ủng hộ, khuyến khích việc họ tập, nghiên cứu.

Những thành tích lành mạnh không đơn giản xuất hiện nhờ các kỳ vọng cao mà, một cách nghịch lý, lại nhờ cảm giác an toàn. Đây là nhận định của Diana Divecha, nhà tâm lý học phát triển và kiêm nhà nghiên cứu với Trung tâm Trí thông minh cảm xúc Yale. “Các cơ hội để vươn mình lên, để được tin tưởng và tôn trọng cũng như trải nghiệm cảm giác được ủng hộ khi cần đều giúp nuôi dưỡng niềm tin của đứa trẻ vào thành công. Và tất nhiên, hãy giữ vững các ưu tiên của bạn và luôn trấn an trẻ về tình yêu bạn dành cho con bất chấp kết quả con có được là gì”.

Làm gì để dạy con kiên gan bền chí, không bao giờ bỏ cuộc? (Ảnh: HONOLULU Family)
(Ảnh: HONOLULU Family)

Khen ngợi quá trình

Nếu bạn muốn nuôi dạy một đứa trẻ hào hứng chấp nhận thử thách và không ngã lòng trước khó khăn, đừng khen con thông minh. Khen như vậy có thể làm con ngần ngại thử những thứ khó hơn bởi trẻ lo sợ mình thất bại. Và khi đó, trẻ sẽ bị lộ ra là mình chẳng thông minh chút nào.

Nghiên cứu của giáo sư tâm lý học Stanford, Carol Dweck, tác giả cuốn “Mindset: the New Psychology of Success”, chỉ ra rằng, khi trẻ được khen vì trí thông minh hay tài năng, chúng lảng tránh thử thách và bớt kiên định hơn khi đối mặt khó khăn. Còn nếu trẻ được khen vì chăm chỉ, nỗ lực, trẻ có nhiều khả năng sẽ tìm kiếm thử thách và vẫn tiến bước dù hành trình trở nên chông gai. Những đứa trẻ nhiều có nhiều động lực hơn, bền bỉ, kiên trì hơn và cũng thành công hơn.

Chuyển từ khen ngợi con người sang khen ngợi quá trình không hề khó. Bạn chỉ cần nhắc tới việc trẻ làm, chứ không phải con người trẻ ra sao. Hãy khen ngợi

  • sự cẩn thận của trẻ khi khâu vá,
  • sự tập trung cao độ khi chơi bóng,
  • việc quản lý thời gian hiệu quả khi trẻ chuẩn bị cho kỳ thi cuối kỳ quan trọng.

Khuyến khích các mục tiêu lớn và nhỏ

Giúp con đặt ra các mục tiêu ngắn – trung – dài hạn, phù hợp với giá trị cá nhân và sở thích của con có thể dạy trẻ sự kiên gan bền chí. Đây là chia sẻ của tác giả cuốn “Grit”, Angela Duckworth. Ví dụ về mục tiêu ngắn hạn cho con gái học lớp 6 có thể là điểm 9, 10 trong bài kiểm tra khoa học cuối kỳ. Mục tiêu trung hạn có thể giành huy chương trong một hội trại khoa học của quận/thành phố. Mục tiêu dài hạn là nhận học bổng khoa học để vào đại học.

Mục tiêu của trẻ nên nằm trong ngưỡng mà các nhà giáo dục gọi là “vùng tối ưu”. Nghĩa là, chúng không quá dễ, cũng không quá khó. Chúng cần hợp lý và phù hợp với trẻ. Theo một số nghiên cứu, mục tiêu khó giúp trẻ tập trung ý chí, làm việc chăm chỉ hơn và phát triển tư duy chiến lược. Nhưng nếu mục tiêu quá khó, vượt ngoài khả năng đạt được của trẻ, chúng lại có thể làm cho trẻ bối rối, lo âu.

Tham gia hoạt động ngoại khoá

Các hoạt động ngoại khoá như chơi thể thao, tham gia câu lạc bộ diễn kịch, thuyết trình… mang tới cơ hội để trẻ học cách bền bì theo đuổi một thứ gì đó. Cây bút kỳ cựu Bruce Feiler của New York Times, tác giả cuốn “The Secrets of Happy Families”, đã viết, bà Michelle Obama từng để hai con gái mình tham gia 2 môn thể thao. Một môn do con chọn và một môn do bà chọn. Nhờ đó, các con được trải nghiệm quá trình làm điều mình có thể không nhất thiết thích và trở nên tiến bộ hơn.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, những học sinh tham gia hoạt động ngoại khoá đạt điểm cao hơn bạn bè không tham gia ngoại khoá. Chúng cũng có:

  • sự tự tin vào bản thân cao hơn,
  • tỷ lệ trầm cảm thấp hơn
  • và tỷ lệ bỏ học giữa chừng thấp hơn.

Những đứa trẻ dành nhiều hơn 1 năm cho cùng 1 hoạt động có nhiều khả năng tốt nghiệp đại học hơn. Những đứa trẻ gắn bó với một hoạt động từ 2 năm trở lên có khả năng nhận vào làm việc sau tốt nghiệp đại học cao hơn.

Dạy trẻ kiên gan bền chí, không bao giờ bỏ cuộc (Ảnh: Coach Up)
(Ảnh: Coach Up)

Vận dụng trí tưởng tượng

Nói về việc phát triển ý chí bền bỉ, kiên trì, việc hình ảnh hoá mục tiêu tương lai và cả những cản trở có thể gặp phải trên hành trình, thực sự giúp ích. Điều này đã được chứng minh trên cơ sở nghiên cứu khoa học. Theo một nghiên cứu, học sinh cấp 3 được hướng dẫn hình dung về kết quả mong muốn trong tương lai và sau đó, hình ảnh hoá những chướng ngại vật tiềm ẩn trên đường. Bài tập này đã giúp cải thiện sự bền bỉ, kiên trì khi học ôn PSAT.

Một nghiên cứu khác, trẻ được đề nghị hình dung ra hình ảnh tương lai của chính mình. Sau đó, trẻ liệt kê các lực tích cực và tiêu cực có thể giúp hoặc ngăn trở hành trình hướng về phiên bản tương lai đó. Ngoài ra, trẻ còn cần đề ra các chiến lược để thành công. 2 năm sau, những học sinh tham gia bài tập trên dành nhiều thời gian làm bài về nhà hơn và có điểm GPA cao hơn nhóm trẻ còn lại.

Vậy bài học rút ra là gì? Khi trẻ dành thời gian hình ảnh hoá nơi mà mình muốn đến, cách thức để đến được nơi đó, trẻ có thể sẽ làm việc chăm chỉ hơn.

Chọn kiểu nuôi dạy con phù hợp

Bạn có thể mô tả thế nào về cách nuôi dạy con của mình? Bạn thuộc kiểu cha mẹ thụ động? Hay kiểu không can thiệp? Kiểu chuyên quyền? Các nghiên cứu gợi ý rằng, cách nuôi dạy con của bạn có thể ảnh hưởng tới mức độ quyết tâm, ý chí của đứa trẻ. Bật mí với bạn: kiểu cha mẹ uy quyền nhưng thấu hiểu, kiên định mà vẫn ấm áp, là lựa chọn tốt nhất. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ có cha mẹ theo phong cách này đạt được nhiều kết quả tích cực hơn. Trẻ ít dùng ma tuý hơn và có sự thịnh vượng về sức khoẻ, tinh thần cao hơn. Cũng theo các nghiên cứu khoa học, kiểu cha mẹ uy quyền nhưng vẫn thấu hiểu, vừa đặt ra kỳ vọng cao, vừa có sự tương tác, hỗ trợ cao với con, có tác động lớn nhất tới thành tựu học vấn của con.

Trong khi đó, những cha mẹ kiểu chuyên quyền thường tự đưa ra quyết định cho con cái họ. Cha mẹ thụ động lại để con mình tự xoay sở. Cả hai trường hợp này, cha mẹ đều bỏ lỡ các cơ hội giúp con học cách đưa ra quyết định đúng đắn. Còn kiểu cha mẹ uy quyền nhưng thấu hiểu hướng dẫn trẻ suy nghĩ cẩn trọng, cân nhắc các lựa chọn và hậu quả đi kèm. Những đứa trẻ này có lợi thế để phát triển sự tự tin, ý chí và tinh thần kỉ luật. Đây đều là những phẩm chất của một con người kiên gan bền chí.

Theo Great Schools

Làm thế nào để trẻ nuôi dưỡng GRIT – yếu tố quan trọng nhất để thành công?

Bộ tài liệu dạy con về tư duy mở