Cách chọn hoạt động ngoại khoá phù hợp với con

Có quá nhiều lựa chọn những hoạt động ngoại khoá vừa vui vừa giúp con rèn luyện nhiều kỹ năng bổ ích.  Từ các lớp học nhạc và thể thao, tới các câu lạc bộ theo sở thích… Tất cả đều đòi hỏi thời gian, chi phí, khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, còn có một vấn đề khiến không ít cha mẹ băn khoăn. Để con tự chọn hoạt động hay bạn sẽ chọn cho con những gì mà mình nghĩ là tốt nhất?

Sau đây là những yếu tố mà cha mẹ cần quan tâm khi chọn hoạt động ngoại khoá cho con:

Cách chọn hoạt động ngoại khoá phù hợp với con (Ảnh: Care)
(Ảnh: Care)

Hoạt động ngoại khoá như thế là đủ? Hay là quá nhiều?

Trường hợp quá nhiều hoạt động: Bạn cảm thấy mệt mỏi vì phải đưa đón con từ nơi học này tới nơi học khác. Khả năng cao là con cũng mệt mỏi như bạn.

Trường hợp chưa đủ hoạt động: Nếu bạn lười biếng ở nhà với đứa trẻ lúc nào cũng phàn nàn “sao mà chán thế!”, có thể một hoạt động được sắp xếp, tổ chức rõ ràng sẽ giúp ích.

Có một số điều bạn cần lưu tâm. Nếu con bạn đã đi học ở trường cả ngày, đừng làm quá tải thời khoá biểu của trẻ. Đảm bảo rằng, trẻ có đủ thời gian để làm bài tập về nhà và ngủ đủ – vốn là yếu tố vô cùng quan trọng cho sự phát triển lành mạnh của con. Khích lệ trẻ chọn hoạt động mà trẻ vui thích. Tuổi thơ là thời điểm tuyệt vời nhất để khai phá các sở thích. Do đó, hãy ủng hộ việc này!

Những hoạt động ngoại khoá thích hợp nhất cho con?

  1. Hoạt động tốt nhất cho con chính là thứ mà trẻ yêu thích, say mê. Nếu con đã đủ lớn để thể hiện niềm yêu thích với một hoạt động cụ thể nào đó, hãy lắng nghe con.
  2. Việc tham gia các lớp học thử cũng là cách hay để tìm ra hoạt động ngoại khoá con thích. Những lớp học này thường miễn phí hoặc được giảm giá trong lần tham gia đầu tiên.
  3. Nếu không muốn tới các lớp học thử, hãy giới thiệu với trẻ nhiều lựa chọn khác nhau. Sau đó, để trẻ tự chọn (với điều kiện trẻ đủ lớn để biết mình thích gì).
  4. Bác sĩ nhi hay giáo viên của con cũng có thể gợi ý một hoạt động cụ thể vì một lý do nào đó (ví dụ để tăng cường vận động). Nhưng con bạn không hề yêu thích, bạn có thể cần kiên nhẫn giải thích và động viên con.
Cách chọn hoạt động ngoại khoá phù hợp với con (Ảnh: Steemit)
(Ảnh: Steemit)

Cha mẹ có thể thử những bí quyết sau:

  1. Đăng ký hoạt động ngoại khoá mới cho con cùng một người bạn
  2. Sử dụng một số phần thưởng tạo động lực (tất nhiên, phải chú ý tới loại phần thưởng, cách khen thưởng…)
  3. Cho phép con chọn hoạt động của riêng mình như một phần thưởng vì con đã tham gia hoạt động bạn chọn.
  4. Xem xét việc tham gia nhiều hơn 1 hoạt động ngoại khoá, nếu thời gian biểu của cả bạn và con cho phép.
  5. Xem xét cách thức bạn muốn con tham gia hoạt động đó. Chỉ với mục đích học cho biết? Hay bạn muốn con góp mặt vào một đội để con rèn tính kỷ luật, tinh thần thi đua…? Các lớp học nhạc có các mốc diễn tập, trình diễn trên sân khấu không? Hay trẻ không thích các cuộc thi đấu, biểu diễn?
  6. Chi phí luôn là một vấn đề đáng quan tâm. Nhìn chung, các hoạt động câu lạc bộ, nhóm có thể không đắt bằng các lớp học riêng. Hơn nữa, câu lạc bộ có thể không đòi hỏi trẻ phải tham gia một số lượng bài học nhất định nào đó.
  7. Xem xét việc đưa đón con. Bạn có cần đón con ở trường và đưa con thêm cả chặng đường khá xa tới lớp học ngoại khoá? Việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lịch trình cả ngày của gia đình. Liệu địa điểm hoạt động ngoại khoá đó có tiện đường không? Ngoài ra, bạn cũng có thể phải cân nhắc tới thời gian học và chi phí đi kèm (món ăn nhẹ cho trẻ).
Cách chọn hoạt động ngoại khoá phù hợp với con (Ảnh: classifieds.usatoday.com)
(Ảnh: classifieds.usatoday.com)

Điểm mạnh, điểm yếu của con là gì?

Mỗi đứa trẻ có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Hoạt động ngoại khoá là cách tốt để củng cố kỹ năng của trẻ. Chúng cũng giúp hạn chế tối đa điểm yếu của trẻ trong môi trường thân thiện, vui vẻ.

Các hoạt động ngoại khoá và tác dụng đối với sự phát triển tích cực của trẻ:

Môn thể thao theo đội (bóng đá, bóng rổ…) giúp trẻ:

  1. Khả năng tập trung/chú ý
  2. Sức khoẻ thể chất/sức bền
  3. Kỹ năng vận động thô (chạy, nhảy, đá, giữ thăng bằng, phối hợp)
  4. Kỹ năng xã hội (tinh thần làm việc nhóm, tinh thần thể thao, giao tiếp, lãnh đạo)
  5. Hành vi (kỷ luật, kiểm soát cơn giận, sự tự tin, kiểm soát những phút bốc đồng)
  6. Các môn thể thao đội nhóm có tác dụng tương tự môn thể thao cá nhân đối với trẻ dưới 4 tuổi. Với trẻ lớn hơn, chúng có thể mang tính cạnh tranh, ganh đua nhiều hơn.
Cách chọn hoạt động ngoại khoá phù hợp với con (Ảnh: The official KairosEducates blog)
(Ảnh: The official KairosEducates blog)

Môn thể thao cá nhân (ví dụ: khiêu vũ/nhảy, quần vợt, karate, thể dục dụng cụ) giúp trẻ:

  1. Khả năng tập trung/chú ý
  2. Khoẻ mạnh thể chất/sức bền
  3. Kỹ năng vận động thô
  4. Kỹ năng xã hội (đặc biệt trong các môn thể thao cá nhân mang tính cạnh tranh)
  5. Hành vi
  6. Sự tự tin về bản thân/ý thức cá nhân (Với trẻ có sự tự tin về bản thân thấp, tốt nhất là nên bắt đầu với các môn thể thao không mang tính cạnh tranh)
  7. Với trẻ cần các dịch vụ tư vấn (cảm xúc, hành vi…), bạn có thể muốn thử liệu pháp vận động như cách thay thế hoặc bổ sung với liệu pháp “trò chuyện” truyền thống.
Cách chọn hoạt động ngoại khoá phù hợp với con (Ảnh: Healthy Families BC)
Cách chọn hoạt động ngoại khoá phù hợp với con (Ảnh: Healthy Families BC)

Các câu lạc bộ (ví dụ: CLB đọc sách, thuyết trình…)

  1. Kỹ năng xã hội
  2. Kỹ năng hành vi
  3. Sự tự tin vào bản thân/ý thức cá nhân
  4. Kỹ năng nhận thức (học hỏi, giáo dục mở rộng)

Các lớp nấu ăn, khâu vá, nhạc, kịch

  1. Sự chú ý
  2. Kỹ năng vận động tinh (khả năng thực hiện công việc chi tiết, tỉ mỉ)
  3. Kỹ năng nhận thức (toán, ngôn ngữ)
  4. Sự tự tin vào bản thân/ý thức cá nhân
  5. Hành vi
  6. Các môn nghệ thuật nổi tiếng vì tác dụng trị liệu của chúng. Nếu bạn có con cần các dịch vụ tư vấn và ham thích hoạt động nghệ thuật, hãy thử liệu pháp vẽ, nhạc, kịch.
Cách chọn hoạt động ngoại khoá phù hợp với con (Ảnh: Online CV)
(Ảnh: Online CV)

Nếu con ghét hoạt động mà cha mẹ chọn cho mình?

Không thể tránh khỏi trường hợp này. Không ít phụ huynh phải đối mặt với cảnh vừa nịnh vừa doạ con tham gia hoạt động ngoại khoá. Những câu như “Bố mẹ đã phải trả rất nhiều tiền cho con học” không gây ấn tượng với trẻ. Chúng cũng chẳng làm trẻ cảm thấy bớt có lỗi hơn. Nếu con tham gia một hoạt động mà trẻ thực sự chán ghét, bạn cần trò chuyện cụ thể với con. Tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ là phần quan trọng trong những cuộc nói chuyện này. Rất may là dù đắt hay rẻ, các hoạt động ngoại khoá phần lớn chỉ kéo dài một thời gian nhất định. Bạn cần phải đưa ra quyết định tốt nhất cho con và cả gia đình.

Nếu con đủ lớn, hãy thảo luận cùng con và xem xét các điểm này:

  1. Con có phải là thành viên một đội cần có sự tham gia của con?
  2. Chỉ còn lại vài hay nhiều buổi học nữa?
  3. Bạn có được hoàn tiền?

Và đừng quên hỏi lý do tại sao con không thích hoạt động ngoại khoá đó. Đây có thể là một câu hỏi rõ ràng. Nhưng cha mẹ vẫn thường nhầm lẫn. Đừng mặc định rằng con muốn từ bỏ chỉ vì trẻ không thích.

Khi con nói không thích một hoạt động, có thể ý trẻ là:

  1. Giáo viên dạy nhanh quá, con không theo kịp
  2. Huấn luyện viên không để con chơi nhiều như mình muốn
  3. Ai đó trong lớp (trong đội) gây phiền hà cho con
  4. Con sợ diễn tập hoặc trình diễn trên sân khấu
  5. Hoạt động này quá khó/dễ với con
  6. Con không thích tập luyện

Sẽ rất đáng để dành ra chút thời gian tìm hiểu ngọn ngành vấn đề. Con bạn có thể không nhận ra rằng, bạn hoàn toàn có thể nói chuyện với GV/HLV để giải quyết rắc rối.

Tóm lại, hoạt động ngoại khoá nên lôi cuốn trẻ theo cách tích cực. Dù trẻ tham gia một môn thể thao, lớp học nhạc, khoá học nấu ăn… Trẻ cần có cơ hội phát triển kỹ năng. Nếu trẻ khám phá ra sở thích của mình trong quá trình học, bạn đã “đãi được vàng”. Hãy thực tế trong các kỳ vọng của bạn và hoạt động cần phù hợp với tuổi của con. Nhớ rằng bạn và con có thể cần trải qua một vài lần thử – sai mới tìm ra thứ phù hợp nhất.

Theo Care

Tham khảo các hoạt động chơi cùng con, chơi mà học