15 kỹ năng ứng phó giúp trẻ quản lý cảm xúc tốt

Trẻ em trải nghiệm vô vàn cung bậc cảm xúc, hệt như người lớn vậy. Trẻ có thể cảm thấy buồn chán, căng thẳng, lo lắng, thất vọng, sợ hãi… Điều quan trọng là trẻ cần được học các kỹ năng ứng phó để quản lý cảm xúc một cách lành mạnh.

Tại sao trẻ cần biết kỹ năng ứng phó?

Không có kỹ năng này, trẻ dễ rơi vào trạng thái hành động bột phát.

Không thành thạo kỹ năng ứng phó từ nhỏ, khi trưởng thành, trẻ có thể tìm đến các cách tiêu cực như mượn rượu giải sầu, ăn khi chán chường… Người trưởng thành thiếu kỹ năng ứng phó lành mạnh cũng có thể chọn hướng né tránh đối mặt. Ví dụ: thay vì hoàn thành dự án khoa học khó, một người có thể nhé tránh bằng việc đi chơi bóng rổ với bạn. Chỉ vì không học được cách quản lý cảm xúc giận dữ, bất lực khi cố gắng học, người này tiếp tục sa sút.

Nghiên cứu đăng tải trên tờ Addictive Behaviors cho thấy, thanh thiếu niên chọn né tránh có xu hướng sử dụng cần sa. Những người thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề cũng tăng nguy cơ dùng cần sa trong suốt cuộc đời. Đây chỉ là một ví dụ cho thấy không được trang bị kỹ năng quản lý cảm xúc có thể dẫn tới sự phụ thuộc, nghiện ngập như thế nào.

15 kỹ năng ứng phó giúp trẻ quản lý cảm xúc tốt (Ảnh: Getty Images via Very Well Family)
(Ảnh: Getty Images via Very Well Family)

Ngược lại, trẻ được hướng dẫn kỹ năng ứng phó lành mạnh từ nhỏ sẽ tận hưởng lợi thế lớn sau này.

Theo một nghiên cứu trên American Journal of Public Health, các kỹ năng cảm xúc – xã hội ở giai đoạn mầm non có liên quan tới sự hạnh phúc, vui vẻ khi trưởng thành. Cụ thể, trẻ có khả năng điều hoà cảm xúc ở tuổi lên 5 tăng cơ hội vào đại học và có công việc ổn định trong tương lai. Những đứa trẻ này cũng có ít nguy cơ lạm dụng thuốc/chất gây nghiện, phạm tội hay mắc bệnh thần kinh.

Tập trung vào cảm xúc hay tập trung vào vấn đề?

Nếu con cảm thấy áp lực khi tham gia một câu lạc bộ mới, bạn
sẽ làm gì? Dạy con kỹ năng quản lý stress tốt hơn hay nói với con từ bỏ?

Kỹ năng ứng phó tập trung vào cảm xúc giúp trẻ xử lý cảm xúc tốt hơn.

Nhờ đó, trẻ bớt stress hơn. Những kỹ năng này cần thiết trong các trường hợp trẻ không thể thay đổi hoàn cảnh của mình. Ví dụ: đối mặt với việc thú cưng qua đời hay không được vào đội tuyển bóng rổ của trường. Tập trung vào cảm xúc cũng giúp trẻ học cách “dung nạp” stress tốt hơn. Và vì vậy, đủ khả năng để theo đuổi tới cùng.

Kỹ năng ứng phó tập trung vào vấn đề liên quan tới hành động để thay đổi hoàn cảnh.

Những kỹ năng này có thể liên quan tới việc kết thúc một tình bạn xấu hay thông báo cho giáo viên về vụ bắt nạt. Chúng có ích khi trẻ có được quyền kiểm soát tình huống ở mức độ nhất định.

Quan trọng là đảm bảo con bạn học được cả hai kỹ năng ứng phó
trên.

Ảnh: Pinterest

Kỹ năng ứng phó tập trung vào cảm xúc

Theo đó, trẻ làm những việc để giúp cải thiện tâm trạng. Ví
dụ: bình tâm trở lại khi giận dữ hay biết cách vui lên mỗi lần buồn. Tuy nhiên,
những kỹ năng này cũng có thể liên quan tới việc đưa ra thứ gì đó để làm trẻ
xao nhãng tạm thời. Đây là khoảng thời gian cần thiết để trẻ dịu đi và quay trở
lại vấn đề khi đã bình tĩnh, sáng suốt hơn. Ví dụ: nghỉ một quãng ngắn khi trẻ
cảm thấy bối rối, buồn bực.

Sau đây là một số kỹ năng ứng phó tập trung vào cảm xúc dành cho trẻ:

Gọi tên cảm xúc

Chỉ cần nói ra rằng: “Con đang điên lắm” hay “Con cảm thấy căng thẳng” cũng có thể giúp hạ nhiệt một cảm xúc khiến con khó chịu. Hướng dẫn con ngôn ngữ cần thiết để mô tả cảm xúc. Bằng cách:

  • đọc sách
  • xem hình ảnh gương mặt biểu lộ từng cảm xúc
  • trò chuyện với con về cảm xúc

Sau đó, khi con đối mặt với một cảm xúc khó, hãy đề nghị con mô tả con đang cảm thấy như thế nào.

Bài tập hít thở

Vài hơi hít thở thật sâu, thật chậm là cách để trẻ thả lỏng
tâm trí và cơ thể. Bạn hãy hướng dẫn trẻ tập thở như sau:

  • hít vào thật sâu qua mũi
  • thở ra từ từ qua miệng như thể con đang thổi bong bóng vậy.

Một cách khác là dạy con “ngửi mùi pizza”. Con sẽ:

  • hít vào qua mũi như thể đang hít hà mùi thơm của chiếc bánh pizza
  • thở ra qua miệng bằng cách thổi luồng hơi thật mạnh và từ từ để giúp pizza nguội tới độ vừa ăn.

Khích lệ trẻ tập hít thở nhiều lần sẽ giúp con cảm thấy khá
hơn.

Ảnh: Coping Skills for Kids

Tập luyện thể dục thể thao

Tập luyện là cách tuyệt vời để trẻ xả bớt năng lượng dư thừa
khi căng thẳng. Nhờ đó, trẻ được lên dây cót tinh thần mỗi lần cảm thấy “tụt dốc”
tâm trạng.

Các bài tập rèn sức mạnh (nâng tạ chẳng hạn) và thể dục nhịp điệu (chạy) là lựa chọn phù hợp. Chúng góp phần giúp trẻ điều hoà và cân bằng cảm xúc hơn.

Sáng tạo nghệ thuật

Vẽ tranh bằng màu nước, tô màu, chơi đất nặn, làm thủ công…
đều là những kỹ năng ứng phó tốt mà trẻ nên vận dụng.

Đọc sách

Đọc sách có thể được coi là cách làm trẻ xao lãng tạm thời hữu hiệu. Khi trẻ đọc xong, con có thể cảm thấy sẵn sàng hơn để xử lý vấn đề. Bởi giờ đây, con đã bình tâm lại và được truyền thêm sức mạnh.

Ảnh: indyschild.com

Chơi trò chơi

Nếu con bạn không thể dừng nghĩ về điều gì đó tồi tệ xảy ra ở
trường, hãy giúp con loại bỏ những lo lắng này.

Chơi trò chơi với con, vận động tay chân có thể giúp thay đổi những suy nghĩ tiêu cực trong đầu con. Khi đó, trẻ có thể nghĩ về những điều khác thay vì đắm chìm trong “biển đau khổ”.

Yoga

Yoga mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể và tâm trí. Nghiên
cứu trên tạp chí Body Image chỉ ra rằng, 4 tuần tập yoga giúp cải thiện tâm trạng
và hình ảnh cơ thể ở trẻ em.

Bạn có thể đăng ký cho con một lớp học yoga hoặc cùng con tập
theo video hướng dẫn. Dạy con về yoga là một kỹ năng hữu ích cả đời. Khi trẻ cần
thư giãn hay lấy lại tinh thần, hãy nhắc con tập vài động tác yoga.

Ảnh: Esha Yoga

Chơi nhạc

Tự chơi nhạc hoặc nghe nhạc đều tốt cho cả não bộ và cơ thể
con. Âm nhạc thường được đưa vào các chương trình điều trị sức khoẻ thể chất, tâm
thần, các vấn đề lạm dụng chất. Bởi âm nhạc đã được chứng minh là giúp đẩy
nhanh quá trình hồi phục, làm dịu căng thẳng, giảm trầm cảm.

Bạn có thể giúp con tìm ra thể loại nhạc mà con cảm thấy dễ
chịu khi nghe. Những bài hát này có làm con bình tĩnh hơn? Những bản nhạc khác
có khiến con thấy vui hơn?

Xem một video hài hước

Tiếng cười là cách giải toả nhẹ nhàng cho những vấn đề đau đầu
mà trẻ phải đối mặt. Xem một video hài hước sẽ làm cho con cảm thấy khá hơn rất
nhiều.

Ảnh: MediaPost

Tự nhủ tích cực về bản thân

Khi trẻ buồn, trẻ có thể tự nói với mình những điều tiêu cực.
Đó là “Mình sẽ tự bôi nhọ mình thôi” hay “Chẳng có bạn nào muốn nói chuyện với
mình”.

Hãy dạy con cách nói những điều tốt đẹp về bản thân. Bạn có
thể hỏi con: “Nếu một người bạn của con gặp vấn đề, con sẽ nói gì để an ủi bạn?”.
Từ đó, khích lệ con nói những điều tử tế ấy với chính mình.

Thực hiện hoạt động giúp con lấy lại tinh thần

Cùng con lên danh sách những thứ con thích làm khi vui vẻ. Ví
dụ: nhảy múa, ca hát, đá bóng, kể truyện cười… Đó chính là những thứ giúp con lấy
lại tinh thần.

Sau đó, nếu con buồn, chán, hãy khích lệ con làm những việc
trên để cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn.

Sáng tạo bộ dụng cụ giúp bình tâm

Cho vào một chiếc hộp những vật liên quan tới các giác quan
cảu con. Ví dụ, một quả bóng để bóp khi con cảm thấy stress; một lọ kem dưỡng
toả ra mùi hương con thích, một bức ảnh con mê… Đề nghị con đặt vào hộp những
thứ có thể giúp con cảm nhận sự bình an trong tim. Đó có thể là một cuốn sách tô
màu hay những chiếc bút sáp.

Khi con rơi vào tình huống căng thẳng, giận dữ…, đề nghị con lấy hộp dụng cụ ra. Việc này cho phép con chịu trách nhiệm về việc “nhấn van xả cảm xúc” cho mình bằng những dụng cụ hỗ trợ sẵn có.

Ảnh: Zak & Nat

Kỹ năng ứng phó tập trung vào vấn đề

Đôi khi, có những tình huống mà cảm giác khó chịu của trẻ là
dấu hiệu cần thay đổi thứ gì đó trong môi trường liên quan. Ví dụ: nếu con quá
lo lắng khi được chọn vào một lớp chuyên, giải pháp tốt nhất có thể là đưa con
trở lại lớp thường. Hoặc nếu con bị bắt nạt ở trường, việc xác định đối tượng bắt
nạt là điều nên làm.

Thi thoảng, sẽ có ích nếu bạn hỏi con: “Con nghĩ mình cần
thay đổi hoàn cảnh hay thay đổi cách con cảm nhận về hoàn cảnh?”. Với sự trợ giúp
của bạn, trẻ có thể thành thạo hơn khi phải nhận biết và đưa ra lựa chọn.

Kỹ năng ứng phó tập trung vào vấn đề là các cách giúp trẻ giảm
nguồn cơn stress. Tham khảo một số ví dụ sau:

Nhờ giúp đỡ

Khi con bạn phải đối mặt với khó khăn nào đó, hãy hỏi con:
“Ai có thể giúp con giải quyết việc này?”. Hướng dẫn con nhận ra rằng, có nhiều
người có thể trợ giúp con.

Một bài tập về nhà khó có thể được hoàn thành nhờ sự giúp đỡ
từ một người bạn. Hoặc con có thể chờ tới ngày hôm sau đi học và mạnh dạn hỏi
giáo viên. Hãy xem liệu con bạn có thể kể tên vài người trong danh sách “xin trợ
giúp khi cần” không.

Những đứa trẻ biết rằng nhờ sự giúp đỡ không có gì sai sẽ cảm
thấy tự tin hơn. Trẻ sẽ biết mình không cần gồng mình lên để biết mọi thứ.

Ảnh: Kids Helpline

Giải quyết vấn đề

Có nhiều cách để giải quyết vấn đề. Dù vậy, đôi khi, trẻ cảm
thấy bế tắc và không nhận ra nên làm gì. Khi đó, hãy cùng con ngồi xuống và tìm
ra cách xử lý.

Xác định ít nhất 4-5 phương án và viết chúng ra giấy. Sau đó,
giúp con chọn một phương án mà con muốn thử. Theo thời gian, trẻ sẽ dần thuần
thục kỹ năng giải quyết vấn đề.

Lên danh sách ưu – nhược điểm

Nếu trẻ gặp khó khăn khi phải đưa ra một quyết định nào đó,
như chơi piano hay đàn guitar, hãy giúp con lập danh sách ưu – nhược điểm.

Viết ra những ưu điểm và nhược điểm đi kèm mỗi lựa chọn. Việc
nhìn ra trên giấy các yếu tố để cân nhắc giúp trẻ cảm thấy rõ ràng hơn trong
quyết định của mình.

Ảnh: Oxford Learning

Một số bí quyết hữu ích để dạy trẻ về kỹ năng ứng phó

Mục tiêu cuối cùng đối với trẻ nên là trẻ tự biết cách vận dụng
kỹ năng ứng phó để quản lý cảm xúc một cách lành mạnh khi bạn không có ở bên.

Hãy cho con thấy những biện pháp bạn dùng để giúp con và trò
chuyện về cách con có thể nhớ để tự áp dụng các biện pháp đó trong tương lai.

Nếu bạn đưa con đi chơi công viên để giúp con khuây khoả sau
nỗi buồn không được vào đội tuyển bóng rổ, hãy giải thích cách lập luận của bạn.
Nói với con: “Mẹ biết con đang rất buồn. Và con lại thích tới công viên. Vậy nên,
mẹ nghĩ đây là cách tốt để giúp con thấy khá hơn. Còn những điều gì giúp con lấy
lại tinh thần khi con cảm thấy tệ không?”.

Sau đây là một số bí quyết hữu ích khi bạn dạy trẻ kỹ năng ứng
phó:

1. Nhận biết trước tình hình:

Hãy nói với con những câu như: “Có vẻ con đang cảm thấy bực
bội. Điều gì có thể giúp con bình tĩnh lại ngay lúc này?”.

2. Đôi khi, hãy để trẻ nếm trải cảm giác tồi tệ

Con trẻ không nhất thiết luôn vui vẻ, hạnh phúc. Nóng giận, buồn bã, sợ hãi có thể là một phần trong quá trình hồi phục. Tuy nhiên, quan trọng là không để con đắm chìm trong cảm xúc tồi tệ. Khi cảm xúc của con gây hại cho khả năng hoạt động bình thường của con, hãy khích lệ trẻ vận dụng kỹ năng ứng phó.

3. Khen ngợi trẻ

Khi bạn phát hiện con đang vận dụng kỹ năng ứng phó, hãy đưa
ra lời khen cho con. Nói rằng: “Mẹ đã thấy con tập hít thở sâu trên sân chơi hôm
nay. Con làm tốt lắm. Con đã tự giúp mình bình tĩnh trở lại rồi đó”.

4. Trò chuyện kỹ với con sau một sự cố

Giúp trẻ học cách nhận diện phương pháp nào là tốt nhất, phù
hợp nhất với con. Bạn có thể đặt những câu hỏi như: “Có phải việc tô màu đã giúp
con thấy khá hơn không?”.

5. Đảm bảo các kỹ năng ứng phó ở mức độ vừa phải

Nếu lạm dụng, bất cứ kỹ năng ứng phó nào cũng có thể trở nên
thiếu lành mạnh. Nhưng quan trọng là đặc biệt chú ý tới thời gian trẻ xem màn hình
điện tử. Đây có thể là cách trốn chạy đối mặt của trẻ chứ không phải là biện pháp
ứng phó với vấn đề trẻ gặp phải.

Khi con bạn phạm sai lầm – làm vỡ đồ trong cơn giận hay từ bỏ
điều con thích vì quá căng thẳng – tận dụng nó như một cơ hội để dạy con. Hãy
giúp con rèn giũa kỹ năng ứng phó để con được trang bị tốt hơn cho những rắc rối
có thể xảy ra sau này.

Theo Very Well Family

> 50 cuốn sách tranh dạy trẻ về cảm xúc

> 7 trò chơi với thẻ giúp dạy trẻ về cảm xúc

>“Vũ khí bí mật” tăng cường trí thông minh cảm xúc cho trẻ

>Tham khảo các bài viết Hiểu, dạy, chơi cùng con